Hai cách dưỡng mệnh khiến thân tâm hồi phục
- An Hòa
- •
Đối mặt với công việc bận rộn và áp lực cuộc sống ngày càng nhiều, người hiện đại dường như không có được một chút không gian hay sự tĩnh lặng cho riêng mình. Nhưng từ triết lý của Trang Tử có thể thấy rằng không gian và sự tĩnh lặng lại chính là bí quyết dưỡng mệnh, giúp con người thoát khỏi những cảm xúc tiêu cực và hồi phục “tinh, khí, thần” một cách hiệu quả.
Cấp cho mình một chút không gian
Theo Trang Tử, hết thảy những vật thể có tri giác bao gồm cả con người đều có một mối liên hệ vô hình đằng sau. Ví như khi chúng ta đối mặt với một mảnh rừng cây xanh tươi tốt thì chúng ta sẽ cảm thấy vui vẻ thoải mái, đây là mối liên hệ giữa tự nhiên và con người. Khi chúng ta giao lưu cùng với người cùng chung chí hướng với mình thì sẽ cảm thấy phấn chấn, hăng hái hơn, đây là do sự cộng hưởng. Còn khi chúng ta giao lưu với người không cùng chí hướng thì sẽ cảm thấy tâm mệt mỏi, nặng nề, đây là sự triệt tiêu năng lượng. Bởi vậy đằng sau vạn sự vạn vật đều có một nguồn năng lượng vô hình đang lưu động tự nhiên. Loại năng lượng này, người bình thường không quan tâm chú ý nhưng những người có Đạo lại rất xem trọng.
Sách “Trang Tử” viết: “Phàm đạo bất dục ủng, ủng tắc ngạnh, ngạnh nhi bất chỉ tắc, tắc chúng hại sinh”, ý nói phàm là người có Đạo thì sẽ không cầu tắc nghẽn, tắc nghẽn thì không thông. Nếu tắc nghẽn kéo dài thì sẽ bất thường, bất thường thì sẽ sinh ra đủ loại tai họa.
Khi con người còn là trẻ con thì dễ gần gũi với “Đạo” nhất, bởi vì trẻ con chưa bị ngăn cách kết nối với trời đất. Khi tuổi tác tăng lên, kinh nghiệm xã hội tăng lên, xuất hiện sự va chạm giữa con người với nhau và con người sẽ hình thành quan niệm, dùng để nhận biết thế giới này và cũng là dùng để tự bảo vệ mình. Loại quan niệm này có hai mặt, một là để bảo vệ bản thân, mặt khác lại ngăn cách sự kết nối giữa con người và trời đất, do đó con người dần mất đi linh khí. Cho nên Trang Tử nói “Khí trí tuyệt học”, còn Lão Tử nói: “Tuyệt học vô ưu”, đại ý không phải là không nên học hỏi, mà là cần buông bỏ cái quan niệm và tự tư, thuận theo sự biến hóa của trời đất và bước đi trên con đường đại đạo.
Mỗi ngày, người hiện đại đều trải qua rất nhiều những chuyện đời thường, nhưng nếu có thể không để chúng trong tâm, như vậy chính là cấp cho mình một khoảng không. Tâm sẽ không bị những chuyện đời thường làm tắc nghẽn, Đạo mới có thể lưu chảy thông thuận. Mọi người cũng có được sức sống cho chính mình.
Lấy tĩnh dưỡng mệnh
Cuốn “Trang Tử” viết: “Tĩnh nhiên khả dĩ bổ bệnh, trữ khả dĩ chỉ thúy”, ý nói sự tĩnh lặng có thể chữa lành bệnh tật, và sự tĩnh lặng có thể ngăn cản tình trạng xấu đi. Cho nên chúng ta thấy người bị bệnh luôn cần yên tĩnh nghỉ ngơi để hồi phục sức khỏe.
Bởi vì đầu não con người mỗi ngày đều suy nghĩ rất nhiều. Trong tâm có suy nghĩ lo toan, nói rất nhiều lời, làm cũng rất nhiều việc, cơ thể làm việc quá sức, tâm thần không yên, cơ thể không thể duy trì được tinh lực dồi dào. Có lắng đọng lại thì mới có sự trong suốt, lúc ấy tinh thần mới có thể được an tĩnh, cơ thể mới dần dần được hồi phục năng lượng.
Sách “Hoàng Đế Nội Kinh” cũng viết: Tuân theo sự thay đổi âm dương tự nhiên của đất trời mà thích ứng, điều chỉnh cho chính xác, ẩm thực có tiết chế, làm việc và nghỉ ngơi có quy luật nhất định, không làm việc quá sức thì hình và thần đều vượng, sống khỏe đến hết thọ mệnh mới rời đi.
Cho nên, mỗi ngày, mọi người đều nên dành một chút thời gian và không gian cho bản thân, giữ cho tâm thân mình được an tĩnh, ở trong an tĩnh mà hồi phục năng lượng, như thế có thể bảo trì được “tinh, khí, thần” sung mãn, đây chính là cách dưỡng mệnh vô cùng tốt.
Theo Vision Times tiếng Trung
Tác giả: Tiểu Phương
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Trang Tử
