Từ thời Trung Cổ, hình tượng chàng hiệp sĩ trong bộ giáp sáng chói vừa dũng cảm trên chiến trường vừa hào hoa thanh lịch với phụ nữ đã trở thành đề tài của thi ca và là mẫu người trong mộng của rất nhiều cô gái. Mặc dù ngày nay những chàng hiệp sĩ trên lưng ngựa chỉ còn là hình ảnh trong quá khứ nhưng phong cách cư xử lịch thiệp và cao thượng vẫn còn được xem là chuẩn mực và thước đo về đạo đức của đàn ông châu Âu hiện đại. Những quy tắc ứng xử này vốn được quy định rất rõ trong bộ “Code of Chivalry” (Quy tắc kỵ sĩ) mà các hiệp sĩ thời Trung Cổ phải tuân theo.

Quy tắc kỵ sĩ mà các hiệp sĩ thời Trung Cổ phải tuân theo
Bức “The Accolade” của họa sĩ Edmund Leighton, vẽ năm 1901, mô tả một hiệp sĩ trong nghi lễ phong tước. (Tranh qua Fiveminutehistory.com, Public Domain)

Khởi thủy, những hiệp sĩ Trung Cổ, vốn xuất thân từ những võ tướng của các bộ lạc Germanic, chỉ là những tay võ biền thô lỗ với lối hành xử hết sức tùy tiện lỗ mãng. Cậy có binh lính trong tay và công với vua hoặc lãnh chúa, các hiệp sĩ ở giai đoạn đầu khá kiêu căng và ngạo mạn. Họ ăn tục nói phét say sưa bí tỉ, gây chiến với nhau và thậm chí ra oai đánh giết những người nông dân, hãm hiếp phụ nữ, đối tượng đáng ra phải được họ bảo vệ. Trong hai cuộc Thập Tự Chinh đầu, rất nhiều hiệp sĩ thay vì đánh nhau với quân Hồi giáo thì quay ra tàn sát cướp bóc người Do Thái vô tội ở Jerusalem. Trở về quê hương, họ được đón tiếp như những anh hùng và vì thế lại càng kiêu căng phóng túng. Sự quá đáng của các hiệp sĩ Thập Tự Chinh trở thành một điều đáng xấu hổ với vương triều họ bảo vệ và trên nữa, giáo hội Công giáo La Mã.

Bộ “Code of Chivalry” được lập ra với mục đích để thanh lọc lại các đối tượng hiệp sĩ dựa trên tư cách, xuất thân và chiến công họ lập được đồng thời quy định những phép tắc ứng xử mà họ phải tuân theo khi được phong tước. Có người cho rằng vua Arthur huyền thoại của Anh là người đầu tiên lập ra bộ “Code of Chivalry” dựa trên đức tính của những hiệp sĩ hộ giá mình, các Hiệp Sĩ Bàn Tròn nổi tiếng. Tuy nhiên cũng có nhiều giả thuyết cho rằng, bộ quy tắc kỵ sĩ này được hình thành dần dần từ đời này qua đời khác chứ không có một tác giả nhất định. Để trở thành một hiệp sĩ, một cậu bé phải trải qua rất nhiều thử thách mới có thể nhận được danh hiệu cao quý này.

1. Trước hết, cậu phải xuất thân từ gia đình quý tộc có cha, chú hoặc anh trai là hiệp sĩ. Các trường hợp xuất thân nông dân cũng có nhưng rất hiếm, chỉ trong trường hợp người đó lập được chiến công vĩ đại nên được đặc cách phong hiệp sĩ.

2. Năm 7 tuổi, cậu sẽ được cha gửi đi làm tiểu đồng (varlet) cho một nhà quyền quý khác. Ở đó, ngoài việc phục vụ cho chủ, cậu còn được học võ thuật, săn bắn, tiếng Latin và Kinh Thánh. Tùy theo năng khiếu mà cậu bé còn được dạy cách chơi cờ, làm thơ hoặc chơi đàn. Tuy nhiên, cậu sẽ không được ăn sung mặc sướng như ở với cha mẹ mà phải chịu cực khổ làm việc như một người hầu. Khi làm sai, cậu sẽ bị phạt roi rất nghiêm khắc, thậm chí bị bỏ đói, không có sự thiên vị hay khoan nhượng ở đây.

3. Từ 14 tuổi trở lên, cậu trai trẻ sẽ trở thành hiệp sĩ tập sự (squire) mang thương và khiên cho một hiệp sĩ thành danh, cùng ông này xông pha trận mạc. Công trạng cũng như đạo đức của chàng hiệp sĩ tập sự sẽ được hiệp sĩ già đánh giá và ghi chép cẩn thận để sau này làm tiêu chí xét tuyển phong tước hiệp sĩ. Rất nhiều chàng trai trẻ đã nằm lại trên chiến trường trước khi có thể hoàn thành bước tập sự đầy gian khổ này.

Quy tắc kỵ sĩ mà các hiệp sĩ thời Trung Cổ phải tuân theo
Bức “The Faithful Knight” của họa sĩ Thomas Jones Barker, mô tả một hiệp sĩ trung thành kiên trì trong chiến trận. (Tranh qua Fiveminutehistory.com, Public Domain)

4. Các hiệp sĩ tập sự sau 5-10 năm phục vụ sẽ được xét tuyển để được phong tước hiệp sĩ. Trước ngày tấn phong, chàng hiệp sĩ dự bị sẽ được rửa tội lại và làm thánh lễ ở nhà thờ, thề trung thành với Thiên Chúa, giáo hội và nhà vua. Chàng sẽ phải quỳ bên ngoài nhà thờ suốt đêm cho tới sáng để chứng tỏ sức chịu đựng và lòng trung thành tới khi nhà vua xuất hiện đặt thanh kiếm thiêng lên vai và đọc lời tấn phong bằng tiếng Latin trước sự chứng kiến của linh mục và gia đình. Lúc này chàng trai mới chính thức được xem như một hiệp sĩ.

5. Trở thành một hiệp sĩ là một vinh dự to lớn của một người đàn ông Trung Cổ. Chàng trai được quyền có bộ giáp, cờ xí và khiên riêng có mang huy hiệu của bản thân bên cạnh huy hiệu của gia tộc mình (coat of arms). Mỗi hiệp sĩ sẽ được chọn một câu cách ngôn (motto) bằng tiếng Latin riêng cho mình. Tên của chàng sẽ được thêm chữ “Sir” phía trước, vợ và con gái sẽ được gọi là “Lady”. Chàng được đứng vào hàng ngũ hiệp sĩ chính thống bên cạnh cha chú và thầy mình trước kia, được các tiểu thư con nhà quyền quý khao khát. Quan trọng hơn hết, chàng chính thức được trở thành người bảo vệ cho đức vua và cho giáo hội.

6. Là một hiệp sĩ, chàng trai phải tuân theo những quy tắc nghiêm ngặt của tinh thần mã thượng: không đánh kẻ thù đã ngã ngựa hoặc rơi vũ khí, không giết kẻ địch đã đầu hàng, không đánh lén sau lưng, không tàn sát kẻ bại trận, không sách nhiễu dân lành, không bỏ chạy hoặc lẩn trốn khi chiến đấu, giữ lời hứa và hoàn thành nhiệm vụ được giao, không bán đứng bạn bè, không nói dối, bảo vệ người già yếu, trẻ con, người nghèo khổ và phải lịch thiệp nhã nhặn với phụ nữ (đặc biệt là phụ nữ đẹp). Những người vi phạm quy tắc nghiêm trọng sẽ bị tước hàm, trở thành nỗi ô nhục cho dòng họ.

Quy tắc kỵ sĩ mà các hiệp sĩ thời Trung Cổ phải tuân theo
Bức “The Return of the Crusader” của họa sĩ Karl Friedrich Lessing, vẽ năm 1835, mô tả một hiệp sĩ già trở về sau một cuộc Thập Tự Chinh. (Tranh qua Fiveminutehistory.com, Public Domain)

Tuy sau này chế độ hiệp sĩ cùng với chế độ phong kiến châu Âu sụp đổ ở nhiều nước, phong cách hiệp sĩ/quý tộc vẫn còn in đậm trong cách ứng xử đặc biệt là ở các quốc gia vẫn duy trì chế độ quân chủ lập hiến như Anh hay Tây Ban Nha. Ở những nước mà các cuộc cách mạng nông dân thành công, những phong cách ứng xử quý tộc/hiệp sĩ này đều bị bôi nhọ và xóa sổ vì sự mâu thuẫn ý thức hệ. Đó là một điều hết sức đáng tiếc.

Theo Facebook tác giả Huỳnh Chí Viễn

Xem thêm:

Mời nghe radio: