Hiệu ứng ngược của cuộc diệt chuột năm 1902 ở Hà Nội
- Sơn Vũ
- •
Năm 1897, Paul Doumer lần đầu đặt chân đến Hà Nội, Việt Nam. Vị nhân viên chính phủ mẫn cán khoảng hơn 40 tuổi này đã bỏ lại sự nghiệp trong Bộ tài chính ở Pháp để bắt tay vào vai trò Toàn quyền Đông Dương thay cho vị tiền nhiệm vừa qua đời.
Dự định của Doumer là biến Đông Dương, đặc biệt là Hà Nội, trở thành nơi có cơ sở hạ tầng hiện đại để thể hiện sự hùng mạnh của nước Pháp. Khi thế kỉ mới sang trang, nhà của một viên chức nước ngoài ở Hà Nội thường đặt trên đại lộ với hàng cây xanh mát, chúng thường là các villa rộng rãi, có nhiều phòng và trang trí bằng nội thất châu Âu – trong đó, đáng chú ý, có cả toi-let.
À, toi-let. Còn cách gì tốt hơn để đánh dấu một Hà Nội dưới quyền của nước Pháp, Doumer nghĩ. Hệ thống cống rãnh nằm phía dưới khu của người Pháp và ở cả khu dân cư đông đúc của người Việt – hãy biến nó thành một biểu tượng của sự sạch sẽ và tiến bộ.
Và hãy thử tưởng tượng sự thất vọng của vị toàn quyền khi lũ chuột bắt đầu xuất hiện từ những cống rãnh này.
Hóa ra khi chính phủ thuộc địa của Doumer lắp đặt 9 dặm ống cống bên dưới Hà Nội, họ đã vô tình tạo ra 9 dặm thiên đường mát mẻ và tối mập mờ cho lũ chuột, nơi chúng có thể sinh sôi mà không có kẻ thù. Và khi đói, chúng đã có sẵn lối ngầm sang những khu nhà kiểu cách nhất thành phố. Dưới khu nhà của người Pháp, chuột đã sinh trưởng rất mạnh – và rồi cái gì phải đến cũng đến, chúng bắt đầu tràn lên phía trên.
Không chỉ phá hỏng giấc mơ về hình ảnh châu Âu trang nhã của vị toàn quyền, các trường hợp dịch hạch bắt đầu xuất hiện, và chuột được cho là nguyên nhân gây lây nhiễm. Người ta phải có biện pháp gì đó.
Một giải pháp được đưa ra. Những thợ săn chuột được chính phủ thuê để chui vào cống diệt chuột, và sẽ trả phí theo số chuột giết được.
Cuộc đi săn đã diễn ra nhanh chóng. Vào tuần cuối của tháng 4/1902, họ đã xử lý được 7.985 con chuột. Qua tháng 5, những thợ săn tích lũy được thêm kinh nghiệm và đẩy con số lên 4.000 mỗi ngày. Vào cuối tháng, số chuột diệt được tăng lên đến kỷ lục là 15.041 chỉ trong một ngày 30/5. Trong tháng 6, số lượng diệt mỗi ngày là khoảng trên 10.000. Vào ngày 21/6, con số là 20.112.
Hãy dành một chút thời gian để nghĩ về điều này: 20.112 con chuột bị giết trong chỉ một ngày.
Thật tiếc là chúng ta không biết chính xác những cách nào đã được sử dụng – các ghi chép là rất ít ỏi. Chúng ta chỉ biết về vụ săn chuột khi nhà sử học Michael Vann tìm hiểu về chính sách thuộc địa của Pháp vào thập niên 1990, đã tình cờ nhìn thấy tài liệu ghi “Hủy diệt động vật: chuột.” Bên trong là các giấy tờ lộn xộn ghi lại số chuột bị xử lý ở Hà Nội khi mới bước sang thế kỉ 20. Tài liệu này khá thú vị – điều gì đã xảy ra cho lũ chuột? – vì thế nhà sử học đã đi tìm và ráp nối câu chuyện lại với nhau.
Săn chuột không hề dễ dàng. Đây là lời kể lại rút ra từ nghiên cứu của Vann:
“Người ta phải đi vào hệ thống cống rãnh tối tăm và chật hẹp, vượt qua đủ loại rác thải của con người ở các mức độ phân hủy khác nhau, và săn lùng loài động vật hoang dã khá hung dữ, có thể mang theo bọ chét và dịch hạch hay các bệnh truyền nhiễm khác. Chưa kể tới sự có mặt tiềm tàng của những động vật nguy hiểm khác, như rắn, nhện và các con khác, làm nổi da gà của tác giả.”
Cuối cùng, chính quyền nhận thấy rằng, ngay cả với đội quân thợ săn chuột này thì họ cũng không thể diệt sạch lũ chuột.
Kế hoạch B là: kêu gọi sự tham gia của cả người dân. Một mức thưởng được đưa ra, 1 xu (cent) cho mỗi con chuột, điều kiện là phải mang đuôi chuột đến tòa thị chính để làm bằng chứng. Như vậy, chính phủ sẽ không phải tiếp nhận và xử lý một số lượng lớn xác chuột.
Người Pháp rất hài lòng với sự sắp đặt này vì họ từ lâu đã khuyến khích tinh thần doanh nhân ở Việt Nam. Ban đầu, kế hoạch có vẻ hiệu quả. Số đuôi chuột tăng lên rất nhanh.
Nhưng sau đó, một cảnh tượng gây tò mò đã xuất hiện, người ta vẫn nhìn thấy chuột chạy trong thành phố, khỏe mạnh, nhưng không có đuôi.
Hóa ra những thợ săn bình dân thà cắt đuôi chuột hơn là giết con vật có khả năng sinh nở nhanh và có thể tạo ra thêm nhiều chuột (tức đuôi chuột, và tiền thưởng) hơn nữa. Cũng có báo cáo rằng một vài người Việt còn nhập khẩu chuột từ nơi khác vào thành phố. Giọt nước làm tràn ly là khi thanh tra y tế phát hiện ra ở ngoại ô Hà Nội còn có một trang trại dành để nuôi chuột.
Rõ ràng, đây không phải tinh thần doanh nhân mà người Pháp muốn khuyến khích. Tiền thưởng bị hủy bỏ, và người dân thành phố đành phải chung sống với lũ gặm nhấm.
Tuy nhiên, người Pháp cũng đúng về một điều: những con chuột này thực sự mang theo bệnh dịch hạch. Năm 1906, với số chuột sinh sôi trong cống rãnh không được kiểm soát, đã xảy ra một trận dịch ở Hà Nội. Ít nhất 263 người đã thiệt mạng, hầu hết là người Việt. Trong khi đó thì ông Doumer đang ở Pháp và được ca tụng là vị toàn quyền làm việc hiệu quả nhất từ trước tới nay. Sau đó ông được bầu làm tổng thống.
“Đây có lẽ là câu chuyện ngụ ngôn cho sự kiêu ngạo của chủ nghĩa hiện đại, quá tin tưởng vào khoa học và lý trí công nghiệp để giải quyết mọi vấn đề,” Vann nói. “Đây cũng chính là kiểu tư duy đã dẫn đến Thế chiến thứ nhất – cho rằng súng máy sẽ kết thúc nhanh cuộc chiến vì nó giết người hiệu quả. Nhưng thực tế thì nó đã kéo dài cuộc chiến và nhiều người đã thiệt mạng.”
Ngày nay, cuộc diệt chuột ở Hà Nội hầu như được dùng làm minh họa cho hiệu ứng Rắn hổ mang (Cobra Effect) khi những chính sách, hành động khuyến khích cho điều tốt rốt cuộc lại thúc đẩy điều ngược lại và làm mọi thứ rối tung hơn cả lúc đầu.
Theo Vann, bài học khác có thể rút ra là, “hãy cảnh giác với những chương trình được đưa ra trong tình cảnh sự kiêu ngạo còn quá mạnh và chênh lệch quyền lực quá lớn tới nỗi người ta có thể bỏ qua bằng chứng.”
Cái tên “hiệu ứng rắn hổ mang” xuất pháp từ câu chuyện tương tự ở Ấn Độ. Vào thời người Anh còn chiếm đóng đất nước này, thành phố Delhi cũng tràn ngập rắn hổ mang như Hà Nội chất đầy chuột vậy. Thế là, để xử lý, chính quyền Anh trao thưởng cho bất kỳ người nào nộp rắn hổ bắt được. Cũng như tình trạng ở Hà Nội, ban đầu, số liệu cho thấy số rắn hổ bị xử lý khá nhiều, tuy nhiên, về sau, số lượng rắn xuất hiện cũng chẳng mấy thuyên giảm. Và như các bạn có thể đoán được, người dân Delhi đã nuôi rắn hổ để nộp (“bán”) cho chính quyền. Phát hiện ra điều này, chính quyền Anh đã ngừng chính sách nộp rắn lãnh thưởng. Thế nhưng, người Delhi còn bạo hơn người Hà Nội. Khi chính quyền không thưởng nữa, họ bực bội vì đã lỡ nuôi rắn trong nhà (còn tồn kho rắn quá nhiều), nên đã quyết định thả tất cả bầy rắn được nuôi nhốt trong nhà ra khắp làng khắp xóm…
Chuyên gia phát triển kinh tế bền vững Ernesto Sirolli cũng từng đưa ra nhiều ví dụ về hiệu ứng này trong bài thuyết trình nổi tiếng: Bạn muốn giúp người khác? Hãy im lặng và lắng nghe!
Năm 1997, Vann đã đến Việt Nam để nghiên cứu tài liệu về cuộc diệt chuột nói trên. Một ngày nọ, ông với lên ngăn kéo trên cùng của chiếc tủ chứa những tài liệu tiếng Pháp trước năm 1954, và cảm thấy một con chuột chạy qua phía trên bàn tay mình. Đã bao năm sau khi người Pháp rời khỏi Việt Nam, lũ chuột vẫn còn.
Theo atlasobscura.com, ecoblader.com,
Sơn Vũ dịch và tổng hợp
Xem thêm:
- Người Việt đầu thế kỉ 20 trong hồi ký của một vị Toàn quyền Đông Dương
- Ý thức cảnh báo nguy hiểm: Người Việt cầm tù bản thân như thế nào?
Mời xem video:
Từ khóa Chính sách kinh tế Paul Doumer người Việt xưa diệt chuột