Họ Đặng qua chiều dài lịch sử dân tộc
- Trần Hưng
- •
Họ Đặng là dòng họ đóng góp rất nhiều nhân tài trong lịch sử dân tộc, thời kỳ nào cũng những nhân tài kiệt xuất được ghi chép lại.
Thời thuộc Hán
Theo họ Đặng và một số nhà sử học thì nhân vật lịch sử Thi Sách thời Hai Bà Trưng là họ Đặng (dù cũng có một bản ngọc phả cho là họ Dương), không phải tên là Thi Sách mà tên Thi, là con trai Lạc Tướng huyện Châu Diên. Do cổ văn ghi chép không có dấu phân cách giữa câu nên người đời sau nhầm rằng ông tên là Thi Sách. Ông sống vào thời thuộc Hán những năm đầu công nguyên.
Thời đấy Thái thú Tô Định cai trị dân Giao Chỉ rất tàn bạo, Thi Sách đã viết tờ lệnh phản đối chính sách hà khắc mà Tô Định thực thi. Tô Định cho tìm và giết Thi Sách. Vợ ông là Trưng Trắc đã khởi nghĩa chống Tô Định.
Cuối năm 39 sau công nguyên, Trưng Trắc hiệu triệu tất cả các thủ lĩnh cùng quy tụ về. Ba anh em họ Đặng ở Đường Lâm là Đặng Cả, Đặng Hai và Đặng Ba cùng 5.000 quân đến quy tụ dưới cờ của Hai Bà Trưng. Anh em họ Đặng giúp Hai Bà Trưng đánh đuổi quân Hán, thành lập nước Lĩnh Nam.
Sau này họ Đặng tập trung sinh sống ở vùng Trúc Sơn, Lương Xá, Chương Mỹ, Hà Nội. Họ Đặng xem đây là chiếc nôi của dòng họ mình.
Nhiều nhân tài dựng nước thời nhà Lý
Theo cuốn phả cổ của họ Đặng thì cụ tổ của dòng họ là Đặng Phúc Mãn làm quan thời vua Lý Anh Tông. Là người tài giỏi, ông được Vua cử chỉ huy xây dựng thành Yên Hưng ở Quảng Ninh. Vì có công lao nên ông được Vua ban cho lộc điền ở An Đề (Vũ Thư, Thái Bình).
Đặng Phúc Mãn có người con trai là Đặng Nghiễm sinh năm 1170, từ nhỏ đã nổi tiếng thần đồng hiếu học, sớm tinh thông Tam giáo, thi đỗ Hiền sĩ năm 1185 khi mới 15 tuổi, được chọn vào học trường Ngự Diên vốn chỉ dành cho con các quan trong Triều.
Năm 30 tuổi, Đặng Nghiễm dự khoa thi Minh kinh Bác học và đỗ cao thứ hai (sau Bùi Quốc Khái). Ông là người đỗ khai khoa cho họ Đặng và cũng là người đỗ khai khoa cho cả trấn Sơn Nam, làm quan đến chức Thị lang bộ Công. Ông là người có công rất lớn trong việc nghiên cứu Tam giáo.
Là người có tài học uyên thâm, phẩm hạnh trong sáng, ông được bổ thêm chức Thuyết học trông coi việc học tập của Xã Tắc. Sau đó ông làm giảng sách cho Vua, hoàng tử, công chúa cùng các quan lại trong Triều.
Thời vua Lý Cao Tông, nhà Lý suy sụp. Khi Vua mất, Đặng Nghiễm cũng cáo quan về quê mở trường dạy học, đào tạo nên hàng trăm người đỗ đạt.
Nhờ có Đặng Nghiễm mở trường dạy học mà từ đó khoa bảng vùng Sơn Nam ngày càng phát triển, trở thành trung tâm khoa bảng nổi tiếng trong nước.
Thời nhà Trần
Đặng Nghiễm có 3 người con đều đỗ đạt và làm quan lớn. Trong đó Đặng Tảo và Đặng Diễn đều thi đỗ Thái học sinh và làm quan trong triều nhà Trần. Đặng Ma La là thần đồng nổi tiếng thi đỗ Thám hoa khi mới 13 tuổi, là Thám hoa nhỏ tuổi nhất nước.
Thời kỳ nhà Trần phải lo đối phó với hiểm họa là đội quân Mông Nguyên hiếu chiến bậc nhất lịch sử, việc bang giao rất quan trọng. Con cháu của Đặng Ma La là Đặng Hữu Điềm, Đặng Nhữ Lâm được Triều đình tin tưởng cử đi sứ, đóng vai trò quan trọng trong việc bang giao với nhà Nguyên.
Đặng Nhữ Lâm có cậu con trai là Đặng Lộ, từ bé đã nổi tiếng hay chữ khắp vùng, cậu bé cũng hay ngắm các vì sao trên bầu trời và tự hỏi về mối quan hệ giữa mặt trăng, mặt trời và các vì sao. Đặng Lộ thi đỗ Thái học sinh, vì giỏi thiên văn nên được giao làm Hậu nghi lang thái sử cục lệnh, tức người đứng đầu đài Hậu Nghi và làm việc ở Hậu Nghi Đài trong khu Khâm Thiên. Đặng Lộ đã hoàn thiện và tạo ra công cụ đo thiên văn chính xác hơn trước.
Đặng Lộ cũng phát minh ra máy quan sát thiên văn rất tinh xảo gọi là “Lung linh nghi”, đây được xem là phát minh quan trọng nhất về thiên văn trong nước, đo được chính xác vị trí các sao, độ lệch hoàng đạo, bạch đạo qua các thời gian. Đại Việt Sử ký Toàn thư đánh giá: “Lung linh nghi khảo nghiệm thiên tượng, không việc gì là không đúng”.
Có được Lung linh nghi, Đặng Lộ quan sát được chính xác hơn chuyển động của các vì sao, hiểu được thiên tượng, từ đó biên soạn ra bộ lịch pháp mới gọi là “Hiệp kỷ lịch” rồi dâng lên Vua. Nhà Vua tấm tắc khen rồi cho dùng loại lịch này thay thế cho loại “Lịch thụ thời” đang dùng dựa trên lịch của nhà Tống.
Việc áp dụng “Hiệp kỷ lịch” khớp với chu kỳ thời tiết, giúp việc sản xuất nông nghiệp thuận lợi, công lao ấy thuộc về Đặng Lộ.
Con trai Đặng Lộ là Đặng Bá Kiển làm quan di cư đến phía Nam núi Hồng Lĩnh tạo thành một chi họ Đặng đất Hoan Châu. Con trai Đặng Kiển là Đặng Bá Tĩnh khô ngôi học giỏi, thi đỗ Thám hoa, làm quan đến Hành khiển thời nhà Trần.
Đất nước gặp nạn, dòng họ xuất sinh danh tướng
Cháu nội của Đặng Bá Tĩnh là Đặng Tất là vị tướng tài ba, cuối thời Trần phải trấn thủ Hóa Châu trong hoàn cảnh phía bắc quân Minh đang tiến đến, phía nam quân Chiêm Thành nhân lúc nhà Hồ bị đánh bại cũng đưa quân tiến đánh Hóa Châu. Ông đã tìm cách hòa hoãn với quân Minh và đưa quân đánh bại Chiêm Thành.
Khi Giản Định Đế dấy binh đánh đuổi quân Minh khôi phục nhà Trần, Đặng Tất đưa toàn quân về theo và được phong làm Quốc Công chỉ huy toàn bộ quân nhà Hậu Trần.
Đặng Tất đưa quân thu phục lại vùng đất Thanh Hóa, Nghệ An, thanh thế rất mạnh. Nhà Minh phải cử Mộc Thạnh đưa thêm 5 vạn binh sang, hợp với 5 vạn quân đang có ở Giao Chỉ là 10 vạn tiến đánh quân Hậu Trận. Đặng Tất đưa 6 vạn quân lập thế trận ở bến Bô Cô (Nam Định ngày nay).
Trận Bô Cô là trận đánh vang dội lịch sử, quân Hậu Trần đánh tan 10 vạn quân Minh, chủ tướng Mộc Thạnh đưa tàn quân tháo chạy.
Nhưng sau đó xảy ra mâu thuẫn giữa Đặng Tất và Giản Định Đế, khi Giản Định Đế chỉ muốn nhân cơ hội tiến nhanh ra Thăng Long để lên ngôi Vua. Mâu thuẫn khiến Giản Định Đế lập mưu giết Đặng Tất.
Con trai Đăng Tất là Đặng Dung cùng nhiều tướng sĩ bất mãn đã bỏ Giản Định Đế mà đi theo Trần Quý Khoáng vốn là cháu nội của Thượng Hoàng Trần Nghệ Tông, tôn làm vua, hiệu là Trùng Quang Đế chống lại quân Minh, phục hưng nhà Trần.
Đặng Dung chỉ huy quân Hậu Trận lập nhiều công lao, tiếc rằng Trùng Quang Đế có ý muốn hòa hoãn mong nhà Minh đồng ý sắc phong cho mình làm Vua nên bỏ lỡ mất cơ hội. Vua tôi Trùng Quang Đế cuối cùng đều bị bắt và giải về Kim Lăng. Ra đến biển thì Trùng Quang Đế nhảy xuống biển, Đặng Dung cùng các tướng lĩnh khác cũng nhảy xuống biển theo Vua.
Thời nhà Lê: Dòng họ đỗ đạt làm quan lớn
Gia tộc họ Đặng có nhiều người khởi nghĩa chống quân Minh nhưng thất bại, phải chạy đến vùng Sơn Vi – Mão Phổ (Mạo Phố) sinh cơ lập nghiệp ở đây. Đến thời Lê Sơ họ Đặng có nhiều người đỗ đại khoa như Đặng Thiếp, Đặng Tông Củ, Đặng Minh Khiêm.
Họ Đặng còn có một số người chạy đến Nghệ An, rồi đến sinh sống ở Bạch Đường (nay là Đô Lương) sinh ra dược Đặng Minh Bích đỗ tiến sĩ khoa thi năm 1484. Khoa thi năm 1484 cũng là khoa thi đặc biệt khi họ Đặng có 2 người ở hai vùng khác nhau cùng đỗ đại khoa là Đặng Minh Bích và Đặng Minh Khiêm.
Lại nói về thời hậu Trần, Đặng Dung trước khi bị giải đi đã dặn con trưởng của mình là Đặng Đình Nghi hãy trở về đất tổ ở Lương Xá để xây dựng cơ đồ. Đến thời nhà Hậu Lê, hậu duệ Đặng Dung ở Lương Xá đều là những nhân tài như Cao Quận công Đặng Lâm (sinh năm 1412), Thái úy Nghĩa Quốc Đặng Huấn (sinh năm 1519), Ứng Quận Công Đặng Đình Tướng (sinh 1649), v.v… Gia tộc họ Đặng nơi đây đều mặc xiêm Đai áo Ngọc quan lớn của Triều đình.
Trần Hưng
Xem thêm:
- Đặng Tất: Vị tướng tài không gặp được minh chủ (P1)
- Nhà Hậu Trần: Đại chiến bến Bô Cô đánh bại 10 vạn quân Minh
Mời xem video:
Từ khóa lịch sử Việt Nam dòng họ khoa bảng