Họ Gia Cát và ngọc Lam Điền
- An Hòa
- •
Ngọc Lam Điền được biết đến là một trong bốn loại ngọc nổi tiếng của Trung Quốc, là một trong những loại ngọc được phát triển và sử dụng sớm nhất ở nước này, có lịch sử hơn 4.000 năm. Ngọc bích họ Hòa nổi tiếng chính là ngọc Lam Điền, từng qua tay vua nước Sở, vua nước Triệu, rồi trở thành ngọc tỷ truyền quốc của Tần, Hán. Từ xưa đến nay, văn nhân mặc khách cũng có rất nhiều sáng tác ca ngợi ngọc Lam Điền. Thi nhân Lý Thương Ẩn thời nhà Đường viết trong bài “Cẩm sắt”: “Thương hải nguyệt minh châu hữu lệ, lam điền nhật noãn ngọc sinh yên”.
Lam Điền là vùng đất nằm ở phía đông nam của huyện Lam Điền, tỉnh Thiểm Tây, bởi vì ở trong núi sản xuất ra nhiều mỹ ngọc cho nên có câu “Lam Điền sinh ngọc”. Câu này cũng được ví với những gia tộc sản sinh ra và bồi dưỡng được những người con người cháu tuấn tú, tài giỏi hơn người, gắn liền với lời khen dành cho họ Gia Cát.
“Tam Quốc Chí” chép lại rằng vào thời Tam Quốc, Gia Cát Cẩn là một đại tướng quân nhà Đông Ngô, tự là Tử Du, là huynh trưởng của Gia Cát Lượng. Ông có một người con trai tên là Gia Cát Khác, tự là Nguyên Tốn. Từ nhỏ, Gia Cát Khác đã rất thông minh lanh lợi, có tài hùng biện lại khéo ăn nói, hơn nữa còn có khả năng tùy cơ ứng biến đặc biệt tốt. Gia Cát Cẩn thường hay đưa con đi tham dự yến tiệc cùng mình. Tôn Quyền rất yêu quý đứa trẻ này.
Dân gian truyền lại rằng có một lần, Tôn Quyền mở tiệc chiêu đãi quân thần võ tướng, Gia Cát Khác lúc ấy 6 tuổi cũng theo cha đến tham dự. Vì mặt của Gia Cát Cẩn rất dài, Tôn Quyền có ý muốn trêu chọc ông một chút. Nhân lúc đang men rượu, Tôn Quyền liền sai người dắt một con lừa đến. Sau đó, ông viết 4 chữ “Gia Cát Tử Du” lên mặt của con lừa này, có ý là trêu mặt của Gia Cát Cẩn dài như mặt con lừa. Mọi người nhìn thấy thế ai nấy đều phá lên cười, khiến cho Gia Cát Cẩn cảm thấy rất xấu hổ.
Gia Cát Khác chứng kiến cảnh ấy thì liền bước đến trước chỗ ngồi của Tôn Quyền, xin được viết thêm hai chữ. Tôn Quyền đồng ý và sai người mang bút đến cho cậu bé. Gia Cát Khác đã viết thêm hai chữ “chi lư” vào phía sau bốn chữ “Gia Cát Tử Du”. Như thế, cả câu trở thành “Gia Cát Tử Du chi lư” nghĩa là con lừa của Gia Cát Tử Du. Việc làm này của Gia Cát Khác đã hóa giải không khí xấu hổ ở hiện trường, đồng thời khiến cho các tân khách có mặt đều trầm trồ khen ngợi sự lanh lợi và trí tuệ của cậu bé. Tôn Quyền thấy Gia Cát Khác nhanh nhạy như thế thì vô cùng cao hứng, đem con lừa thưởng luôn cho cậu.
Lại có một lần, Tôn Quyền nghiêm giọng hỏi Gia Cát Khác: “Ngươi nói xem, giữa cha ngươi và thúc thúc Gia Cát Lượng thì ai tài giỏi hơn?”. Gia Cát Khác đáp: “Chắc chắn là cha tôi tài giỏi hơn!”.
Tôn Quyền thấy Gia Cát Khác liền hỏi: “Ngươi cũng không nên bởi vì đó là cha ngươi mà không công bằng!”
Gia Cát Khác nghe xong trả lời: “Cũng không phải là như vậy. Ngài trải qua khó khăn khổ sở mới có thể ở Kiến Nghiệp mà kiến quốc lập nghiệp. Ngài là anh hùng trong thiên hạ. Cha tôi phụng sự ngài, nhưng thúc thúc tôi lại lựa chọn trợ giúp Lưu Bị. Đây chẳng phải là không biết người sao?”
Tôn Quyền nghe xong rất vui, liền nói với Gia Cát Cẩn: “Lam Điền sinh mỹ ngọc, danh môn xuất hiền lương!”
Về sau, câu này được rút gọn còn vế đầu, “Lam Điền sinh ngọc”, trở thành câu thành ngữ, hay được dùng để miêu tả những gia đình tốt bồi dưỡng ra những người con người cháu tài giỏi, xuất sắc hơn người. Đồng thời câu thành ngữ cũng có ý khuyên răn mọi người nên tạo cho trẻ một môi trường sống và học tập tốt, như thế trẻ sẽ lớn lên khỏe mạnh, và có thể trở thành người tài năng.
Ngọc bích được sản xuất tại huyện Lam Điền, tỉnh Thiểm Tây nổi tiếng khắp nơi vì màu sắc rực rỡ và sáng bóng ôn nhuận. Cổ nhân giảng: “Ngọc chi mĩ giả viết lam”, lam ở đây là màu xanh hết sức đẹp.
Theo Vision Times tiếng Trung
Tác giả: Giản Tú Quyên
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa thành ngữ