Họ Nghiêm Quan Độ: Dòng họ văn võ song toàn
- Trần Hưng
- •
Dòng họ Nghiêm ở làng Quan Độ nổi tiếng là văn võ song toàn, với “Thập đại liên đăng quan triều” tức 10 đời liên tiếp đều có người là đại thần trong Triều.
Theo gia phả họ Nghiêm thì thủy tổ dòng họ ở làng Quan Độ là Nghiêm Phúc Lý từ thời Tiền Lê. Khi Lý Công Uẩn lên ngôi lập ra nhà Lý thì Nghiêm Phúc Lý được phong làm Điện tiền chỉ huy sứ, được phong Hầu tước. Từ đó liên tiếp nhiều đời sau họ Nghiêm đều có người làm quan võ giữ vị trí trọng yếu. Vì có 10 đời liên tiếp là quan võ nên được mang danh là “Thập đại liên đăng quan triều”.
Đến thời nhà Trần về sau dòng họ này cũng có nhiều đời là quan võ. Dưới đây là một số nhân vật nổi bật của dòng họ này.
Đại tư mã Nghiêm Tĩnh
Nghiêm Tĩnh sinh năm 1189 thời vua Lý Cao Tông, từ nhỏ học chữ Hán, rồi chuyển sang học võ nghệ, binh pháp. Gia phả dòng họ ghi lại là “tinh thông văn võ, nhân dân giai thán phục”.
Nghiêm Tĩnh làm quan võ, được thăng chức làm Đại tư mã kiêm Thị trung, sau được phong tước Quận công. Ông giúp Vua giải quyết việc Triều chính, xây dựng quân đội vững mạnh giữ vững Giang Sơn Xã Tắc.
Nghiêm Kế
Nghiêm Tĩnh có người con trai là Nghiêm Kế sinh năm 1214. Theo ghi chép từ gia phả thì Nghiêm Kế là người tài trí, văn võ kiêm thông, lại túc trí đa mưu.
Năm 1258, đại quân Mông Cổ tiến đánh Đại Việt lần thứ nhất, vua Trần Thái Tông phong ông làm Bắc vệ Đại tướng quân trấn giữ vùng biên giới phía bắc.
Đầu năm 1258, danh tướng Ngột Lương Hợp Thai chỉ huy 4,5 vạn quân vượt biên giới tiến vào Đại Việt. Nghiêm Kế theo kế sách của Tiết chế Hưng Đạo Vương cho quân vừa đánh vừa lùi nhằm bảo toàn lực lượng và tiêu hao sinh lực địch.
Quân Mông Cổ dù chiếm được Thăng Long nhưng lại không diệt được quân chủ lực của vua Trần. Sau đấy quân Đại Việt phản công, Nghiêm Kế tham gia trận quyết định ở Đông Bộ Đầu đánh tan quân Mông Cổ khiến Ngột Lương Hợp Thai phải quyết định rút quân trở về.
Quân Đại Việt truy kích theo, Nghiêm Kế chỉ huy 700 quân tinh nhuệ, giúp Đại Việt có chiến thắng vẻ vang.
Sau chiến công đánh bại Mông Cổ, Nghiêm kế được phong Đặc tiến phụ quốc – Bắc vệ Đại tướng quân và ban Hầu tước, rồi Công tước, tặng phong Thái Bảo dũng Quận công.
Hiện nay trong từ đường họ Nghiêm còn có đôi câu đối:
Bình thác trừ hung an xã tắc
Phò Trần tá quốc cứu lê dân
Và:
Vi tích bình Mông vạn cổ phương danh thùy bắc địa
Huân lao hộ quốc thiên thu sự nghiệp chấn nam thiên.
Nghiêm Phụ
Nếu như vào thời nhà Lý, nhà Trần, dòng họ Nghiêm có nhiều người làm tướng hiển hách, thì đến thời nhà Lê lại xuất hiện các vị khoa bảng. Đây là thời kỳ mà Nho giáo phát triển cực thịnh, vua Lê Thánh Tông rất chú ý đến khoa bảng nhằm có được các bậc hiền tài giúp nước.
Dòng họ Nghiêm đến đời thứ 15 có Nghiêm Phụ sinh năm 1450. Khoa thi năm 1473, ông vượt qua tứ trường kỳ thi Hương. Đến khoa thi năm 1478, ông đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, khoa này có 50 người đỗ đại khoa, Nghiêm Phụ đỗ thứ 10.
Trước đó họ Nghiêm vốn chỉ có võ tướng, việc Nghiêm Phụ đỗ đại khoa đánh dấu họ Nghiêm rạng danh khoa bảng, trở thành dòng họ văn võ song toàn.
Theo “Nghiêm tính gia kê” thì Nghiêm Phụ đảm nhận các chức vụ Tham chính, Gia hạnh đại phu Nghệ An đạo Tán trị Thừa Tuyên sứ. Đây đều là những vị trí quan trọng.
Nghiêm Phụ nhận chức quan cai quản vùng Nghệ An suốt 36 năm, nhà Lê lúc này có phần suy yếu, dân chúng nhiều nơi nổi dậy, Nghiêm Phụ cũng từ quan trở về quê nhà ở làng Quan Độ.
Nghiêm Ích Khiêm
Nghiêm Phụ có người em họ là Nghiêm Ích Khiêm đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân năm 1490. Ông học rộng tài cao, văn võ song toàn, vì thế mà ban đầu được bổ nhiệm làm quan văn, sau làm quan võ giữ các chức Đạt tín đại phu, Cẩm y vệ Đoán sự ty, Đoán sự, Cẩm y vệ Đô chỉ huy sứ và luôn luôn thường trực tại điện Kim Quang.
Nghiêm Ích Khiêm làm quan giữ trung nghĩa, dù sau này làm tướng nhưng lại giỏi chữ nghĩa nên được các sĩ phu trọng vọng, Vua yêu quý.
Năm 2014, nhân kỷ niệm 515 năm Ngày mất của Hoàng giáp Nghiêm Ích Khiêm, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn miếu Quốc Tử Giám đã tổ chức Hội thảo khoa học “Hoàng giáp Nghiêm Ích Khiêm và truyền thống khoa bảng họ Nghiêm”, thu hút nhiều tham luận của nhiều nhà nghiên cứu.
Nghiêm Ích Khiêm biên soạn cuốn “Nghiêm tính gia kê” ghi chép về dòng họ, mỗi người được ghi chép lại thành một câu chuyện. Cuốn sách này ghi chép lại nhiều tư liệu lịch sử quý giá, dùng để đối chiếu và nghiên cứu.
Trần Hưng
Xem thêm:
- Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và lá số thánh nhân bất bại
- Người phụ nữ giúp Trần Quốc Tuấn giữ chức “Quốc Công Tiết Chế”
Mời xem video:
Từ khóa dòng họ Việt Nam