Họ Vũ: Dòng họ đóng góp nhiều bậc hiền tài trong lịch sử khoa bảng (P2)
- Trần Hưng
- •
Theo dòng lịch sử khoa bảng, họ Vũ có 166 người đỗ đại khoa, trong đó có nhiều nhân tài kiệt xuất. Khởi đầu là Vũ Vị Phủ đỗ khoa thi năm 1247 thời vua Trần Thái Tông, kết thúc là Vũ Khắc Triển đỗ khoa thi năm 1919 – cũng khoa thi cuối cùng. Các nhân tài họ Vũ đã để lại nhiều câu chuyện, nhiều tấm gương trong lịch sử.
- Tiếp theo phần 1
Như kỳ trước đã nói, Vua Lê Thánh Tông là vị minh quân, thời kỳ này khoa bảng phát triển cực thịnh, họ Vũ có nhiều người đỗ đạt giúp Vua trị quốc an dân.
Đóng ghóp cho lịch sử
Khoa thi năm 1478 thời vua Lê Thánh Tông, họ Vũ làng Mộ Trạch có thêm nhân tài nữa đỗ đạt là Vũ Quỳnh. Năm 1511 Vũ Quỳnh giữ chức Sử quan đô tổng tài, ông soạn bộ “Đại Việt thông giám thông khảo” thường được gọi tắt là “Đại Việt thông giám” ghi chép lại lịch sử từ thời Hồng Bàng đến năm đầu Lê Thái Tổ, gồm 26 quyển.
Trạng liêm khiết
Khoa thi năm 1493 thời vua Lê Thánh Tông, có Vũ Tự thi đỗ Hoàng giáp, ông cũng là người đỗ khai khoa cho làng Vạc – sau này có tiếng là làng khoa bảng. Ông làm quan đến Tả thị lang bộ Hình.
Cuốn “Lịch triều hiến chương loại chí” ghi chép rằng Vũ Tự làm quan có tiếng là thanh liêm, vua Lê Thánh Tông muốn xem thực hư thế nào. Biết Vũ Tự vừa mới xử cho một người thắng kiện, Vua bèn cho người liên hệ với người này để anh ta đưa một mâm lụa quý đến nhà riêng của Vũ Tự để hậu tạ.
Vũ Tự hỏi: “Anh có biết ta là ai? Việc xét xử là theo luật Vua ban, anh cho ta là người thế nào mà dám làm chuyện phi pháp này?”
Người đó đáp: “Bẩm thượng quan, tập tục là thế, đây là tấm lòng thành tri ân…”
Vũ Tự nói ngay: “Ta há phải theo tập tục quái gở này để chịu ô danh như những kẻ tham lam khác hay sao?”
Nói xong ông sai gia nhân đuổi người này về. Vua Lê Thánh Tông sau đó đã trọng thưởng cho Vũ Tự, đính vào cổ áo triều phục của ông hai chữ “liêm tiết” để làm gương cho các quan khác. Còn dân chúng tôn kính gọi Vũ Tự là Trạng Liêm (tức ông Trạng liêm khiết).
Thám hoa Vũ Thạnh: Thầy giáo của các quan
Thời Lê Trung Hưng, họ Vũ cũng có những đại diện xuất sắc đỗ đạt. Khoa thi năm 1685 Vũ Thạnh đỗ đầu, nhưng do khoa thi này không lấy Trạng nguyên nên ông đỗ Thám hoa.
Vũ Thạnh người làng Đan Loan huyện Đường An, trấn Hải Dương (nay thuộc xã Nhân Quyền, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương), gia cảnh rất nghèo khó nhưng ham học, mới hơn mười tuổi đã đỗ kỳ thi Hương trường Phụng Thiên (Hà Nội).
Khoa thi năm 1685, Vũ Thạnh 21 tuổi vượt qua tứ trường kỳ thi Hội, vào đến thi Đình ông đỗ đầu tức Thám hoa, làm quan đến chức Bồi tụng (chỉ đứng sau Tham tụng tức Tể tướng), thường được bàn việc trong phủ Chúa.
Dù làm quan lớn nhưng Thám hoa Vũ thạnh rất hiếu thảo với mẹ già, vì thế mà nhiều người quý.
Thời gian này chúa Trịnh lộng quyền lấn át vua Lê, Vũ Thạnh nhiều lần can ngăn nên không được lòng Chúa. Một lần ông can ngăn Chúa chuyện nữ sắc khiến Chúa tức giận mà bãi quan. Vũ Thạnh về quê, rồi mở trường học ở trại Hào Nam, huyện Quảng Đức (nay là quận Đống Đa, Hà Nội).
Nghe tiếng Thám hoa Vũ Thạnh mở trường, học trò liền tìm đến theo học rất đông. Trường học kế bên Hồ Bảy Mẫu, Mỗi khi đến ngày giảng tập, nhà học không đủ chứa hết, học trò phải mượn thuyền nan cập vào bên hồ nghe giảng.
Vũ Thạnh giúp tạo nên nhiều trò giỏi đỗ đạt, tính ra ông có hơn 70 trò làm quan lớn. Trong “Vũ Trung tùy bút” có kể một câu chuyện: “Một hôm, nhà ông có giỗ, các học trò làm quan tại triều, đều về họp ở nhà ông. Chợt khi ấy, Trịnh phủ đòi các quan vào hầu. Không có một người nào chực hầu cả. Chúa hỏi, kẻ lại phòng mới thưa thực là các quan về lễ giỗ nhà ông thầy ở Hào Nam. Chúa cũng cho đợi đến hôm sau, xong việc mới triệu vào hầu.”
Em trai của ông là Vũ Huyên cùng con trai là Vũ Huy đều đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân cùng một khoa thi. Ngày hai người cùng vinh quy bái tổ về làng, ông đã làm câu đối:
Đồng triều tam tiến sĩ
Nhất nhật lưỡng vinh qui
Với sự thành công ngôi trường của Vũ Thạnh, sau này còn có thêm Nguyễn Tông Quai và Lê Quý Đôn cũng mở trường theo mô hình giống như ông, giúp nhiều học trò thành tài.
Vũ Diệm: Tứ hổ Tràng An
Vào đầu thế kỷ 18, gia đình nhà Nho Vũ Văn Tuyển ở huyện Thiên Lộc, trấn Nghệ An có sinh hạ được cậu con trai tên là Vũ Diệm. Vũ Diệm năm lên 4 tuổi đã biết làm câu đối, 8 tuổi đã làm thơ văn, thuở nhỏ học giỏi có tiếng, dân chúng ca tụng hết lời.
Năm 13 tuổi Vũ Diệm đăng ký thi khảo hạch ở tỉnh và đỗ đầu. Dù tuổi còn rất nhỏ nhưng danh tiếng Vũ Diệm đã vang xa. Có người nhờ Vũ Diệm làm văn cho người đi thi, vì tuổi nhỏ không hiểu chuyện nên Vũ Diệm đồng ý. Việc bị phát giác, Triều đình gửi trát về xã khiển trách và cấm Vũ Diệm không được đi. Vì thế dù tài năng tài từ bé nhưng con đường khoa bảng đã bị đóng lại.
Dù bị cấm thi, nhưng vì chuộng chữ Nho nên Vũ Diệm vẫn học tập, lớn lên thì đến Kinh đô học, tiếng tăm của chàng trai trẻ nhanh chóng lan xa. Đương thời có câu “Tràng An tứ hổ” chỉ Quỳnh – Lân – Tân – Toại là 4 người tài năng nhất, “Toại” chính là Vũ Diệm.
Tiếng tăm của Vũ Diệm chẳng mấy chốc lọt vào Phủ chúa, Chúa liền xá tội xưa của Vũ Diệm, nhờ đó mà ông được dự thi.
Khoa thi năm 1739, Vũ Diệm xuất sắc đỗ đầu, năm này Triều đình không lấy Trạng nguyên nên ông đỗ Bảng nhãn.
Quan chấm quyển tâu lên Vua ban cho Vũ Diệm “Đệ nhất giáp, Đệ nhị danh” (tức Bảng nhãn), nhưng khi Vua ngự bút phê lại nhầm thành “Đệ nhị giáp, Đệ nhất danh” tức là bị tụt mất một bậc thành đậu Hoàng giáp.
Khi biết tin, ai cũng lấy làm tiếc cho Vũ Diệm. Vua biết có sự nhầm lẫn, nhưng một khi Vua đã ngự bút thì không dễ thay đổi, vì thế Vua đã sửa sai bằng cách tặng ông câu đối sơn son thiếp vàng để an ủi:
Tam khoa thủ cứ khai tiền tích
Nhị giáp cao đề khả hậu tri.
Nghĩa là:
Thi đậu cả 3 kỳ thi, mở ra một con đường trước
Tên tuổi của Hoàng giáp được đề rõ ở chốn cao để cho hậu thế đều biết.
Vũ Diệm góp công lớn cho Triều đình khi cầm quân dẹp loạn, ông thu phục lòng người, giành được thắng lợi mà không làm binh sĩ phải đổ máu, đối phương thì phải chịu phục.
Sau này ông dạy học ở Kinh thành, đào tạo ra nhiều trò giỏi làm quan thanh liêm đảm nhận chức vụ cao.
Kể từ thời nhà Trần, họ Vũ khi nào cũng có người đỗ đạt làm quan to giúp nước. Nơi họ Vũ có nhiều người đỗ đạt làm quan nhất là làng Mộ Trạch. Thời chúa Trịnh Tráng làng Một Trạch có 17 người làm quan trong Triều mà hầu hết là họ Vũ, vì thế mà có câu: “Mộ Trạch họp việc làng giữa kinh đô”.
(Hết)
Trần Hưng
Xem thêm:
- Chuyện vua Lê Thánh Tông vi hành trong dân gian
- Con đường khoa bảng thời xưa
- Nguồn gốc tên gọi Tam khôi – Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa
Mời xem video:
Từ khóa khoa bảng dòng họ Vũ dòng họ khoa bảng