Hoa Kỳ lập quốc: Không phải và không muốn là nền dân chủ
- Thiên Cầm
- •
Hoa Kỳ là một nền cộng hòa chứ không phải một nền dân chủ. Cộng hòa có nghĩa là một chính quyền gồm những người được bầu lên đại biểu cho người dân, và thực hiện quyền lực dựa trên hiến pháp, thượng tôn pháp luật. Điều cần làm rõ ở đây là trong mắt những vị cha lập quốc, Hoa Kỳ là một nền cộng hòa, không phải là một nền dân chủ.
- Tiếp theo loạt bài Hoa Kỳ lập quốc
Dân chủ là gì? Dân chủ có thể hiểu là sự tham gia của người dân trong việc ra quyết định cho đất nước, mọi người đều bày tỏ quan điểm của mình và cuối cùng đạt được một kết quả, đây được gọi là dân chủ. Tuy nhiên, lịch sử đã chứng minh rằng các thể hệ “dân chủ” thực sự thường không hiệu quả và đoản mệnh.
Nơi đầu tiên dân chủ khởi tác dụng chỉ giới hạn ở các tiểu quốc có quy mô thành phố nhỏ của Hy Lạp. Nhưng ngay cả khi đó, chính trị bạo lực thường xuất hiện, bởi vì khi hầu hết mọi người la ó và xúi giục, mọi người đều nói, chạy theo đám đông, thì kết quả cuối cùng là bắt nạt hoặc coi thường thiểu số. Những người không đồng ý căn bản không thể thể hiện, vì vậy nền dân chủ không thể bảo vệ an toàn và tài sản cá nhân.
Tâm lý đám đông khiến cho sự lựa chọn của quá bán không hẳn là sự lựa chọn sáng suốt nhất. Bởi vì mọi người đều rất bận rộn với cuộc sống thường ngày, ai nấy đều bận bịu với công việc cá nhân, họ không có thời gian để nghiên cứu chính sách cộng đồng. Hơn nữa tụ họp mọi người lại với nhau, để mọi người biểu đạt ý kiến của riêng mình, và ý kiến đa số trở thành chính sách, nghe thì có vẻ hợp lý, nhưng thường sẽ dễ bị lợi dụng, tạo ra một mớ hỗn độn, gây ra sự hỗn loạn và xung đột. Hơn nữa, số lượng người càng lớn thì càng khó làm. Một cuộc họp hàng chục ngàn người thì phải làm thế nào?
Vì vậy, những nhà lập quốc Hoa Kỳ từ lâu đã nói rằng Hoa Kỳ không phải là một nền dân chủ.
Những nhà lập quốc muốn có một thể chế cộng hòa. Cộng hòa có nghĩa là, đầu tiên, quyền lực của người có trách nhiệm là đến từ người dân, do đa số người dân quyết định. Thứ hai, các đại biểu này lại dựa trên quyền lực đó để đưa ra quyết định, thực hiện chính sách và cai trị đất nước. Đại diện này phải có nhân cách tốt, cộng với sự giới hạn nhiệm kỳ.
Hiện nay chúng ta nghe có vẻ bình thường, nhưng ban đầu, đây là một hoạt động tiên phong. Bởi vì quan chức là đại diện dân ý do dân bầu, lại có nhiệm kỳ, nên sẽ không còn là quan chức trong một khoảng thời gian nhất định; hơn nữa họ còn phải cư xử tốt khi là một quan chức, nếu không họ sẽ không được phép tiếp tục ngồi tại vị trí này.
Chính phủ cai trị theo cách này không cần tất cả mọi người phải tranh cãi nữa. Bạn có vài trăm ngàn người, chọn ra một người làm đại diện, thay mặt cho họ. Đây chính là nước Mỹ ngày nay: Đại diện dân biểu các cấp thay mặt người dân cai quản đất nước, cai quản các quận, thành phố, thị trấn. Đây chính là Cộng hòa.
Hơn 200 năm trước, những nhà lập quốc Hoa Kỳ luôn muốn làm rõ vấn đề về thể chế của họ. Họ nói rằng chúng ta không phải dân chủ, và điều chúng ta muốn là cộng hòa.
Tại sao Hoa Kỳ ngày nay lại bị gọi là “quốc gia dân chủ”? Việc này xảy ra như thế nào?
Khái niệm dân chủ thực sự liên quan đến phong trào cộng sản. Năm 1905, một số nhà xã hội chủ nghĩa từ 6 trường đại học Mỹ đã hợp tác với nhau thành lập một tổ chức gọi là “Hội xã hội chủ nghĩa đại học”. Họ chủ trương chính phủ phải chịu trách nhiệm cho các hoạt động kinh tế khác nhau và sắp xếp mọi vấn đề xã hội một cách thống nhất. Họ tin rằng điều này sẽ tránh được nhiều bất lợi và xã hội sẽ trở nên “có trật tự”.
Ý tưởng này đã thu hút và làm say mê một nhóm lớn trí thức. Tổ chức này đã phát triển nhanh chóng ở Hoa Kỳ và đã lan rộng đến hàng chục trường đại học trên cả nước. Nó cũng đưa ra một khẩu hiệu ở Hoa Kỳ, nghe rất “bùi tai”, là “Sản xuất không phải vì tiền, mà là vì sự hữu ích”. Họ nói rằng việc sản xuất tại Hoa Kỳ không nên theo đuổi lợi nhuận, lợi nhuận không tốt, chúng ta phải theo đuổi sự hữu ích.
Nói một cách thẳng thắn, đây là một điều không tưởng. Những khái niệm kiểu chủ nghĩa xã hội này thời đó chẳng phải đã làm mê hoặc, khiến rất nhiều người sập bẫy và bị lừa hay sao? Mục đích cuối cùng của sản xuất chính là tài sản, và được sở hữu tài sản do mình làm ra là quyền bất khả xâm phạm của con người. Lệch khỏi giá trị này, chính là lệch khỏi luật của Chúa, cũng lệch khỏi nền tảng hiến pháp Hoa Kỳ. Nó cũng tương tự như câu “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu” vậy.
Song song với sự xuất hiện của chủ nghĩa xã hội ở Mỹ không lâu thì Cách mạng Tháng Mười diễn ra và “Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết” được thành lập. Tuy nhiên, sau khi Liên Xô thành lập, nạn đói và tàn sát lan rộng đã khiến thuật ngữ “chủ nghĩa xã hội” trở nên khét tiếng.
“Liên minh xã hội chủ nghĩa đại học” ở Hoa Kỳ nhận ra rằng cái tên “chủ nghĩa xã hội” này rất khó nghe và họ muốn đổi tên, đổi thành từ “dân chủ” và gọi là “Liên minh dân chủ công nghiệp”. Dân chủ là ý kiến của tất cả mọi người, nghĩa là chúng ta điều hành các ngành công nghiệp quốc doanh và khiến ai nấy đều hạnh phúc. Nói tóm lại, đó vẫn là khái niệm của chủ nghĩa xã hội, được thể hiện bằng từ “dân chủ”.
Nhóm người này sau Thế chiến thứ nhất, trong giới chính trị, kinh doanh, truyền thông và học thuật của Hoa Kỳ, lần lượt lên chức và chiếm vị trí quan trọng. Khi Tổng thống Woodrow Wilson dẫn dắt Hoa Kỳ trong Thế chiến thứ nhất, ông bị vây quanh bởi một nhóm người từ “Liên minh Dân chủ Công nghiệp”. Tổng thống Wilson, theo sự ảnh hưởng của họ, đã hô khẩu hiệu “Đấu tranh cho Dân chủ Thế giới”, nói rằng Hoa Kỳ tham chiến là để bảo vệ nền dân chủ cho thế giới, làm cho thuật ngữ này trở nên tích cực và đường hoàng.
Sau chiến tranh thế giới thứ hai, phe Cộng sản cũng bắt đầu gọi đất nước của họ là “Cộng hòa Dân chủ”, nào là “Cộng hòa Dân chủ Đức” (Đông Đức), “Cộng hòa Dân chủ Triều Tiên” (Bắc Triều Tiên), v.v.. Mọi người từ đó bắt đầu phân biệt giữa “dân chủ Hoa Kỳ” và “dân chủ xã hội chủ nghĩa”, tạo ra sai lầm cơ bản về khái niệm. Cùng với sự phá sản của thực tiễn cộng sản, khái niệm “dân chủ xã hội chủ nghĩa” cũng bị phá sản, đồng thời, “dân chủ Hoa Kỳ” đã trở thành đại diện cho thể chế chính trị tại Hoa Kỳ. Sau này, càng gọi càng trở nên thuận tai, nền dân chủ và Hoa Kỳ ngày càng bị gắn chặt vào nhau, “dân chủ” gần như đã trở thành một từ đại diện cho thể chế của Hoa Kỳ.
Và chúng ta thấy cụm từ “dân chủ” này đã làm ảnh hưởng sâu sắc đến Hoa Kỳ như thế nào. Chẳng hạn trong kỳ trước chúng ta đã nhắc đến vấn đề nợ công của Hoa Kỳ quá cao, và hoàn toàn đi ngược lại với tầm nhìn lập quốc (Xem bài: Nguyên tắc lập quốc của Hoa Kỳ: Nỗ lực, tiết kiệm, không nợ nần). Ngày nay, khi các nghị sĩ cánh hữu đề xuất phải kiềm chế bản thân, lập pháp để thiết lập trần nợ và cắt giảm chi tiêu của chính phủ thì họ bị các nghị sĩ cánh tả phản đối. Các nghị sĩ phản đối đã thông qua nhiều biện pháp, vận động để khiến cho khu vực bầu cử của các nghị sĩ cánh hữu phản đối ông ta, mà nguyên nhân phản đối chủ yếu là bởi vì cắt giảm phúc lợi xã hội tới từ chính phủ (Xem thêm: Hoa Kỳ lập quốc: Bảo vệ tư hữu, phúc lợi không đến từ chính phủ). Mọi người đều biết rằng không giảm nợ cũng không được, nhưng vẫn phản đối vì họ không muốn làm giảm tiền của bản thân, hoặc muốn lợi dụng để có thể thắng cử trong khu vực. Cuối cùng việc phản đối sẽ khiến các nghị sĩ cánh hữu chùn chân, và không giải quyết được điều gì. Đây chính là việc lợi dụng các giá trị “dân chủ” để làm suy yếu nền cộng hòa, cũng là yếu điểm chí mạng của nền cộng hòa sau khi bị tả hóa.
Xét từ chiều sâu của lịch sử, những nhà lập quốc Hoa Kỳ không hề muốn tiến hành dân chủ, mà là muốn thiết lập một nền cộng hòa. Sau này, sự xuất hiện của từ “dân chủ” cũng không đại diện cho Hoa Kỳ, mà về nguồn gốc còn xuất phát từ những điều mà giá trị Hoa Kỳ chân chính luôn luôn đối lập.
Mặc dù Hoa Kỳ ngày nay vẫn là một nước tư bản vẫn đang ở trên địa vị lãnh đạo thế giới tự do, nhưng Hoa Kỳ đã chịu ảnh hưởng rất lớn từ sự thâm nhập của chủ nghĩa xã hội. Nhiều người Mỹ đã không nhận ra rằng rất nhiều nơi trên đất nước của họ đã đi chệch quá xa khỏi tầm nhìn của các vị cha lập quốc.
Theo Sound Of Hope
Thiên Cầm biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Hoa Kỳ lập quốc nền dân chủ nền cộng hòa