Hoằng Hóa: Vùng đất cổ sinh ra nhiều anh tài
- Trần Hưng
- •
Hoằng Hóa (thuộc Thanh Hóa) là vùng đất cổ được hình thành từ việc bồi đắp phù sa của sông Mã, lại có sông Dọc (nay đã bị vùi lấp) chảy qua khiến nơi đây thành nơi quần tụ sinh sống của người Việt từ cổ xưa.
Hoằng Hóa có 3 điểm khảo cổ học nằm ở làng Quỳ Chử, các nhà khảo cổ học kết luận cách đây 3.500 năm đã có người Việt đến đây sinh sống, còn có các di vật tìm được như mảnh đồng, búa đồng, quả cân gốm, đồ trang sức, rìu, giáo…
Theo thần phả và gia phả thì đến thời nhà Lê các quan và dân chúng thấy nơi đây có nhiều ao thì đến đây làm nhà định cư, thả cá từ chính những cái ao có sẵn này.
Đất học sinh anh tài
Hoằng Hóa là đất học, có nhiều người đỗ đạt nhất ở Thanh Hóa. Người đỗ khai khoa là Lưu Diễm (có tài liệu ghi là Lưu Bính), khoa thi năm 1232 thời vua Trần Thái Tông, ông đỗ cao thứ hai tức Bảng nhãn.
Bảy năm sau, đến khoa thi năm 1239, anh trai của Lưu Diễm là Lưu Miễn đỗ đầu tức Trạng nguyên.
Việc hai anh em đỗ cao nhất nhì là Trạng nguyên và Bảng nhãn là rất hiếm. Từ đó tiếng thơm Hoằng Hóa bay xa, trở thành tấm gương cho con cháu trong vùng noi theo, vì thế mà có thêm nhiều người đỗ đạt. Trong lịch sử khoa bảng nơi đây có đến 48 người đỗ đại khoa.
Một điều khá thú vị là làng nào ở Hoằng Hóa có nhiều người đỗ đạt thì làng đó có nghề canh cửi. Gia đình nào chăm con học được thành tài thì người làng đều nể trọng, ưu tiên, ví như làm nghề buôn bán thì sẽ được ưu tiên cho có chỗ ngồi sạch sẽ, mát mặt với bà con lối xóm.
Là nơi có nhiều ngôi làng cổ, Hoằng Hóa cũng là vùng đất văn học – nghệ thuật dân gian đặc sắc, nơi đây còn lưu lại nhiều tư liệu văn học như thần thoại, truyền thuyết, cổ tích, truyện cười, truyện ngụ ngôn, ca dao, dân ca, tục ngữ, chèo chải, vè…
Nơi đây cũng có nhiều kiến trúc di tích phong phú đặc sắc như nghè, đình, chùa, văn chỉ… là nơi để dân chúng thể hiện niềm tin tín ngưỡng của mình, đồng thời tôn vinh truyền thống khoa bảng.
Hoằng Hóa cũng có nhiều lễ hội dân gian truyền thống với hát tuồng, hát chèo, hội trống quân, trò chèo chải, v.v…
Đô thống Thượng tướng quân Lê Phụng Hiểu
Ở Hoằng Hóa nhiều đình làng chọn thờ Đô thống Thượng tướng quân Lê Phụng Hiểu từ thời nhà Lý. Đây là người con xuất sắc của Hoằng Hóa, sinh ở xã Hoằng Sơn.
Từ bé dù không được đi học nhưng Lê Phụng Hiểu rất khỏe lại ham mê võ nghệ, lớn lên thì chỉ một mình đã đánh bại tất cả các trai làng, nổi tiếng là một đô vật có sức khỏe phi thường.
Sách cổ có ghi chép câu chuyện giữa 2 làng Cổ Bi và Đàm Xá. Người làng Đàm Xá đông hơn nêm chiếm luôn miếng đất màu mỡ mà đáng ra phải là của làng Cổ Bi. Lê Phụng Hiểu giúp làng Cổ Bi giữ đất. Lúc trai làng Đàm Xá đến thì bị ông đánh cho khiếp sợ, từ đó làng Đàm Xá không dám tranh miếng đất ấy nữa.
Danh tiếng về đô vật có sức khỏe phi thường truyền đến tai vua Lý Thái Tổ. Vua bèn cho người gọi ông đến bổ sung vào đội túc vệ thành Thăng Long. Đến Kinh thành, Lê Phụng Hiểu chăm lo luyện võ, dần dần được thăng lên giữ chức Võ vệ tướng quân.
Năm 1028, vua Lý Thái Tổ mất, truyền ngôi cho Thái tử Phật Mã, nhưng các Hoàng tử khác là Vũ Đức Vương, Dực Thánh Vương và Đông Chinh Vương đem quân đến vây thành nhằm tranh ngôi.
Khi quân hai bên chạm mặt nhau thì Võ vệ tướng quân Lê Phụng Hiểu chạy đến cửa Quảng Phúc rồi hô to lên rằng: “Bọn Vũ Đức Vương ngắp nghé ngôi báu, không coi Vua nối vào đâu, trên quên ơn Tiên đế, dưới trái nghĩa tôi con, vì thế thần là Phụng Hiểu xin đem thanh gươm này để dâng” (Đại Việt Sử ký Toàn thư).
Dứt lời Lê Phụng Hiểu xông vào trận tiến đánh rồi chém được Vũ Đức Vương ngay giữa trận. Binh sĩ tam vương sợ hãi chạy toán loạn, hai vương còn lại cũng sợ hãi mà tháo chạy.
Sau cuộc binh biến, Thái tử Lý Phật Mã lên ngôi, phong cho Lê Phụng Hiểu là Đô thống Thượng tướng quân, tước hầu, nắm giữ toàn bộ quân đội nhà Lý.
Năm 1044, Vua thân chinh xuống phía nam dẹp giặc Chiêm Thành, đưa Lê Phụng Hiểu đi theo. Phụng Hiểu lập công đầu khi nghĩ ra kế sách đánh bại Chiêm Thành. Vua liền ban thưởng chức tước bổng lộc nhưng ông khước từ, xin được trèo lên núi Băng Sơn quê ông rồi quăng đao đi, đao rơi đến đâu thì xin cho được ban đất làm sản nghiệp đến đó.
Lê Phụng Phiểu quăng đao xa 10 dặm, được ban cho đất trong tầm ném đao và miễn cho khoản thuế phải nộp. Từ đó, triều Lý đặt ra lệ “Thác đao điền” (ruộng ném đao) để thưởng công cho các đại thần, và dân chúng gọi ruộng thưởng công là ruộng thác đao.
Sau khi Lê Phụng Hiểu mất, dân chúng khắp Hoằng Hóa lập đền thờ ông.
Vào tháng 2 âm lịch hàng năm, các làng xã thuộc Hoằng Hóa diễn ra rất nhiều lễ hội, thể hiện được truyền thống văn hóa dân gian đặc sắc của vùng đất cổ.
Trần Hưng
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Văn hóa làng quê Làng khoa bảng