Vị tướng quân Đại Nam kháng lệnh, 2 lần tiêu diệt chỉ huy Pháp (P2)
- Trần Hưng
- •
Trong bối cảnh Hoàng Kế Viêm giúp Đại Nam giữ được Bắc Hà, thì lúc này tại Pháp, Đệ nhị Đế chế sụp đổ và nước Pháp chuyển sang Đệ tam cộng hòa. Giới lãnh đạo chính trị Pháp có nhiều liên hệ gắn bó với ngân hàng và công nghiệp, xem vấn đề chinh phục thuộc địa là một vấn đề sinh tử của nước Pháp, mà Đại Nam cũng nằm trong số đó.
- Tiếp theo phần 1
Quyết tử cùng thành Hà Nội
Tháng 3/1992, đại tá Henri Rivière được cử làm chỉ huy, đưa đội quân với trang bị vũ khí đầy đủ ra Bắc hà. Viên Thống đốc dân sự đầu tiên của Pháp ở thuộc địa Nam Kỳ giải thích với Triều đình Huế rằng hành động này chỉ là để bảo vệ Pháp kiều.
Trước tình thế đó Hoàng Kế Viêm cùng Tổng đốc Hà Ninh (Hà Nội – Ninh Bình) là Hoàng Diệu cùng ký vào bản sớ dâng vua Tự Đức xin cho quân Triều đình ở Sơn Tây ra chống cự. Thế nhưng nhà Vua lại cho rằng Hoàng Diệu “giữ địch, phòng địch không phải lúc”, trách Hoàng Kế Viêm “làm rối rít tình thế”, Vua cũng lệnh rằng “nên rút đi thì hơn”.
Hoàng Diệu rất lo lắng xây dựng tuyến phòng thủ chống Pháp. Từ năm 1880 đến 1882 ông 3 lần dâng sớ về Triều đình xin chi viện nhưng không nhận được hồi âm. Dù thế Hoàng Diệu vẫn nỗ lực củng cố tuyến phòng thủ.
Ngày 25/4/1882, H.Riviere gửi tối hậu thư yêu cầu Hoàng Diệu giải binh, thế nhưng Hoàng Diệu khước từ. Quân Pháp tấn công dưới sự yểm trợ của đạn pháo. Hoàng Diệu và các tướng sĩ cùng người dân Hà Nội đã dũng cảm quyết ngăn quân Pháp, khiến quân Pháp bị thiệt hại nặng và phải rút ra ngoài.
Trong lúc cuộc chiến diễn ra ác liệt, quân Pháp có phần bất lực trước sự kháng cự của thành Hà Nội, thì Việt gian bị Pháp mua chuộc đã làm nổ tung kho thuộc súng trong thành. Khói bụi bay mù khắp thành, nhờ đó quân Pháp phá được cổng phía tây thành Hà Nội và tràn vào trong. Quân sĩ Triều đình nhiều người hoảng sợ và bỏ chạy.
Trong tình thế khó khăn, Hoàng Diệu vẫn bình tĩnh cùng binh lính cố ngăn quân Pháp. Thế nhưng một số quân Triều đình hoảng sợ đã bỏ thành mà chạy khiến quân số còn lại không đủ để giữ thành. Biết không thể giữ được thành, Hoàng Diệu lệnh cho binh sĩ rút hết, ông dùng máu đỏ viết tờ di biểu tạ tội rồi tuẫn quốc.
Đoạn cuối tờ di biểu của Hoàng Diệu viết rằng: “Thành mất không sao cứu được, thật hổ với nhân sĩ Bắc thành lúc sinh tiền. Thần chết có quản gì, nguyện xin theo Nguyễn Tri Phương xuống đất. Quân Vương muôn dặm, huyết lệ đôi hàng.” (theo Việt sử toàn thư).
Cái chết của Hoàng Diệu khiến đông đảo sĩ phu và người dân Bắc hà thương tiếc. Ông được người Hà Nội đưa vào “đền trung liệt” để thờ cùng Nguyễn Tri Phương trên gò Đống Đa.
Nhà văn Sơn Nam viết rằng: “Đi thăm mộ Hoàng Diệu, (nghe) lúc làm quan, có lần ông gửi về cho mẹ một vóc lụa. Bà mẹ không nhận, gửi trả lại cho con, kèm theo một nhánh dâu, tượng trưng cho ngọn roi, để cảnh cáo đứa con đừng nhận quà cáp gì của dân”.
Hoàng Kế Viêm kháng lệnh Vua, cùng dân Bắc hà chống Pháp
Noi gương Hoàng Diệu, người dân Hà Nội và Bắc hà thành lập các đội quân chống Pháp gọi là quân “vũ dũng”. Hoàng Kế Viêm tận dụng các đội quân này, phối hợp để chống Pháp.
Lúc này vua Tự Đức nghĩ có thể thương thuyết để người Pháp rút khỏi Bắc hà giống như năm 1873, nên lệnh cho Hoàng Kế Viêm rút về Mỹ Đức và giải tán các đội quân “vũ dũng” do các sĩ phu lập để chống Pháp. Hoàng Kế Viêm đã giải trình với Vua rằng người Pháp muốn thôn tính cả Giang Sơn, với trách nhiệm là Thống đốc quân vụ đại thần ông không thể rút lui “nếu tuân theo Dụ rút hết ‘đoàn dũng’ về Thái Nguyên, còn quân lính của thần thì rút về Thục Luyện, thế thì khi lâm sự khó mà ứng phó được”. Vua Tự Đức tức giận cho rằng Hoàng Kế Viêm dám trái lệnh Vua: “Có phải ngươi tự cho là tướng ngoài cõi không cần tuân lệnh Vua gửi tới phải không?”
Thế nhưng Vua Tự Đức là cháu nội Minh Mạng, trong khi Hoàng Kế Hoàng lấy con gái vua Minh Mạng tức cô ruột vua Tự Đức. Ngoài quan hệ vua tôi, thì trong gia đình vua Tự Đức gọi Hoàng Kế Viêm là bác dượng và xưng là cô gia. Vì thế dù rất tức giận Vua cũng không quên mối quan hệ thân tộc trong gia đình: “Hôm nay xin đánh, mai lại xin đánh, nếu đánh mà không thắng, mẹ con nhà ta biết lấy đất nào mà nương tựa đây?”
Cuối cùng thì Hoàng Kế Viêm vẫn kháng lệnh vua, tiếp tục cùng quân và dân Bắc hà chống lại cuộc xâm lược của người Pháp.
Trận Cầu Giấy: Thêm một chỉ huy Pháp tử trận
Sau khi chiếm thành Hà Nội, Henri Rivière cho quân tiến đánh Nam Định. Quân Triều đình ở Nam Định kiên cường chống trả khiến quân Pháp dù chiếm được thành nhưng bị thiệt hại nặng nề, nhiều binh sĩ tử trận trong đó có trung tá Carreau.
Việc mất đi những sĩ quan cao cấp khiến chính phủ Pháp lo lắng và hạ lệnh quân Pháp ở Bắc hà chỉ can thiệp khi thấy cần thiết. Quyết định này cho thấy người Pháp lưỡng lự trước những thiệt hại khi đưa quân ra Bắc hà.
Khi quân Pháp tiến đánh Nam Định thì 4.000 quân Triều đình tấn công thành Hà Nội. Rivière phải về Hà Nội cố thủ đồng thời xin thêm viện binh.
Thời gian này Hoàng Kế Viêm huy động 15 đến 20 ngàn quân Triều đình, quân Cờ Đen và đội quân “vũ dũng” mới lập trong dân liên tục tấn công quân Pháp.
Nhận được thư cứu viện của Henri Rivière, chỉ huy hải quân Pháp ở Trung Quốc là đô đốc Mayer lập tức đưa quân Pháp tới ứng cứu. Quân tiếp viện đến Hà Nội ngày 14/5/1883. Có thêm viện binh, quân Pháp có ý định phản công.
Thấy quân Pháp lo phòng thủ chặt thành Hà Nội, quân Cờ Đen đã cho người đột nhập vào thành, dán yết thị khiêu chiến, thách quân Pháp ra khỏi thành đến cánh đồng ở phủ Hoài Đức để cùng quyết chiến một phen.
Tối ngày 18/5/1883, Henri Rivière cảm thấy thành Hà Nội bất an, đã thông báo với các sĩ quan quyết định sẽ rút khỏi thành Hà Nội vào ngày 19 để đến Phủ Hoài (nay là phường Dịch Vọng thuộc quận Cầu Giấy) theo hướng Sơn Tây. Tuy nhiên kế hoạch của quân Pháp đã bị một người hầu gốc Hoa nghe được.
Quân Cờ Đen biết được kế hoạch này đã chuẩn bị ngay một trận địa mai phục ở khu vực làng Hạ Yên Khê (còn gọi là Hạ Yên Quyết) bên trái Cầu Giấy.
4 giờ sáng ngày 19/5, quân Pháp lên đường đến Phủ Hoài theo kế hoạch, đến 6 giờ sáng quân Pháp đụng độ với quân Cờ Đen ở gần Cầu Giấy. Khi quân Pháp lọt vào trận địa mai phục, quân Cờ Đen nổ súng khiến sĩ quan cao cấp Berthe de Villers thiệt mạng.
Quân Cờ Đen có chuẩn bị sẵn đã chặn luôn đường rút của quân Pháp. Henri Rivière phải cho quân vừa đánh vừa lùi về lại thành Hà Nội. Một loạt lính Pháp cùng hai sĩ quan Brisis và Clerc bị giết, một số khác bị thương.
Đúng lúc đó một khẩu đại bác của Pháp bị rơi xuống ruộng lúa. Henri Rivière chỉ huy quân kéo khẩu đại bác này lên vì không muốn vũ khí hiện đại của Pháp lọt vào tay quân Cờ Đen. Quân Cờ Đen bám sát theo quân Pháp tiến đến và nổ súng, chỉ huy Rivière cùng viên đại úy Jacquin tử trận tại chỗ.
Mất chỉ huy, quân Pháp cố gắng vừa chống cự vừa rút lại về thành trong sự truy đuổi của quân Cờ Đen. Đến 9h30 quân Pháp vào được thành Hà Nội cố thủ và cho người đến Hải Phòng xin thêm viện binh. Henri Rivière cùng một số sĩ quan và hàng trăm binh sĩ pháp tử trận.
Chiến thắng này khiến quân Pháp ở Đại Nam lẫn chính quốc hoang mang, trong khi đó các đội quân của Đại Nam sĩ khí rất hăng.
Tuy nhiên Vua Tự Đức vội lệnh cho Hoàng Kế Viêm phải triệt thoái quân để đàm phán với người Pháp, chủ trương của Triều đình đã cứu quân Pháp đang trong tình thế hoảng loạn.
Quân Pháp tấn công cửa biển Thuận An
Tháng 8/1883, vua Tự Đức qua đời, Triều đình Huế lục đục trong việc tìm người thay thế. Lợi dụng tình hình đó quân Pháp tấn công vào cửa biển Thuận An.
Ngày 17/8/1883, các chiến hạm của Pháp tiến sâu và nã pháo vào các pháo đài của quân Triều đình. Quân Triều đình dù bắn trả nhưng do vũ khí quá lạc hậu nên cuối cùng các pháo đài đều bị phá hủy. Quân Triều đình có khoảng 2.500 binh tướng bị chết hoặc bị thương, trong khi đó quân Pháp chỉ có vài chục người bị thương.
Thua trận nặng nề, Triều đình nhà Nguyễn phải ký Hòa ước Quý Mùi năm 1883. Theo hòa ước này Triều đình nhà Nguyễn công nhận sự bảo hộ của người Pháp, quân Triều đình ở Bắc hà phải triệt hồi, quân Pháp có toàn quyền xử lý quân Cờ Đen.
Hoàng Kế Viêm không tuân theo Hòa ước, tiếp tục chống Pháp
Bất chấp hòa ước này, Hoàng Kế Viêm vẫn cùng Bắc hà kiên cường chống Pháp. Hai trung tâm chống Pháp mạnh nhất nằm ở Sơn Tây và Bắc Ninh. Tình thế khiến quân Pháp phải xin thêm viện binh.
Ngày 3/12/1883, viện binh của Pháp kéo sang 3.600 quân, cộng với số quân hiện có, quân Pháp có 9.000 quân. Tuy nhiên tướng chỉ huy toàn quyền Bắc kỳ là Courbet cho rằng vẫn chưa đủ nên xin thêm quân nữa.
Các cuộc chiến ở Bắc hà diễn ra rất ác liệt, nhưng Triều đình Huế thì đã buông xuôi. Khi Sơn Tây, Hưng Hoá thất thủ, Hoàng Kế Viêm mới tuân lệnh Triều đình về Kinh thành chờ lệnh. Nhưng biết không thể dựa vào Triều đình để chống Pháp nên ông đã từ quan về quê sống ẩn dật.
Dù thế nhưng người Pháp e ngại Hoàng Kế Viêm nên thúc Triều đình phải điều ông về Huế nhằm dễ quản thúc. Hoàng Kế Viêm đành về Huế với chức quan Thượng thư bộ Công nhưng thực chất là bị kiểm soát. Ông sống ở ngôi nhà của người vợ đã mất là công chúa Hương La ở làng Lại Thế.
Ngầm giúp đỡ các cuộc khởi nghĩa
Đến tháng 7/1885, người đứng đầu phe chủ chiến ở Triều đình là Tôn Thất Thuyết đã bất ngờ cho quân tấn công quân Pháp ở Huế nhưng không thành. Tôn Thất Tuyết phải đưa vua Hàm Nghi chạy ra sơn phòng Tân Sở (Quảng Trị). Tại đây ông thay mặt Vua hạ chiếu Cần Vương kêu gọi cả nước chung lòng chống Pháp.
Từ đó các cuộc khởi nghĩa nổ ra khắp nơi, trong đó tại vùng quê Quảng Bình của Hoàng Kế Viêm nghĩa quân hoạt động mạnh. Lúc này quân Pháp muốn lợi dụng Hoàng Kế Viêm, yêu cầu vua Đồng Khánh phong cho ông là An phủ sứ Hữu trực kỳ để chiêu dụ các cuộc khởi nghĩa đang nổ ra khắp nơi.
Không thể từ chối vì đang nằm trong sự kiểm soát của người Pháp và Triều đình, Hoàng Kế Viêm đành nhận lời nhưng lại ngầm giúp đỡ các nghĩa quân. Ông đã tìm kế hoãn binh nhằm che chở cho các cuộc khởi nghĩa ở quê nhà Quảng Bình; ngầm giúp đỡ cho nhóm nghĩa quân Hoàng Phúc, Đề Én, Đề Chích, giải vây cho nghĩa quân này ở căn cứ Kim Sen – Lèn Bạc (Quảng Ninh, Lệ Thủy).
Lấy lý do cần đánh các quân Cần Vương không chiêu dụ được, Hoàng Kế Viêm yêu cầu Pháp cho mình 500 lính người Việt có trang bị súng trường. Biết người Pháp sẽ không bao giờ tin tưởng mà đáp ứng điều này, nhưng ông vẫn yêu cầu nhằm từ chối chống lại các cuộc khởi nghĩa, tránh bị lợi dụng.
Các bức điện trao đổi giữa Toàn quyền Đông Dương và Khâm sứ Huế cho thấy người Pháp đã cay đắng thừa nhận không thể lợi dụng được Hoàng Kế Viêm và đành chấp nhận yêu cầu được nghỉ hưu của ông.
Là đối thủ lớn và lợi hại của người Pháp, Hoàng Kế Viêm đã khiến người Pháp phải kính nể mình và gọi ông là người ”bất khả diệt, bất khả tin”.
Sau này Hoàng Kế Viêm về quê sống đến năm 1909 thì mất, hưởng thọ 89 tuổi.
Trần Hưng
Xem thêm:
- Người Trung Quốc nương nhờ người Việt, tham gia chống ngoại xâm
- Cuộc hải chiến giữa người Việt và người Tây phương vào thế kỷ 17
Mời xem video:
Từ khóa lịch sử Việt Nam Danh nhân lịch sử nhà Nguyễn Hoàng Kế Viêm chiến tranh Việt Pháp