Hoàng Phủ Mật: Từ thanh niên ham chơi đến học giả châm cứu
- An Hòa
- •
Châm cứu là một phương pháp điều trị của y học truyền thống, ngoài tác dụng giảm đau còn có tác dụng điều trị các khối u, xuất huyết và các bệnh khác, thậm chí là cấp cứu, đều có hiệu quả rất tốt. Đây là một phương pháp vượt ra ngoài con đường lý luận và học thuật của Tây y. Tuy nhiên, hầu hết các kỹ thuật châm cứu thời cổ đại đều được giữ bí mật, không truyền ra ngoài. Trước thời Ngụy Tấn, những kiến thức về châm cứu vẫn còn chưa được hệ thống, mãi cho đến khi Hoàng Phủ Mật viết tác phẩm “Hoàng Đế tam bộ châm cứu giáp ất kinh”.
“Hoàng Đế tam bộ châm cứu giáp ất kinh” của Hoàng Phủ Mật có tên gọi tắt là “Châm cứu giáp ất kinh”, nói cụ thể về nội tạng, kinh lạc, huyệt đạo trong cơ thể con người và các phương pháp điều trị bằng châm cứu đối với các bệnh khác nhau. Đây là tác phẩm “chuyên ngành” sớm nhất về châm cứu học, cho đến nay nó vẫn là cuốn sách hướng dẫn thực hành về châm cứu được sử dụng.
Hoàng Phủ Mật (215 – 282) xuất thân từ gia đình danh môn thời Đông Hán. Hầu hết những người thân của ông đều giàu có và danh giá, các đời đều có người làm quan lớn, nhưng ông lại chọn sống thanh bần, không xuất sĩ, không làm quan, từ chối mọi đề cử của Hoàng đế. Ông lấy việc viết sách, biên tập sách làm niềm vui.
Sau khi Hoàng Phủ Mật ra đời thì mẹ mất, từ nhỏ ông đã được gia đình người chú nhận nuôi làm con thừa tự. Lúc nhỏ, ông sống như ngựa hoang, suốt ngày rong chơi lêu lổng, không có ý định học tập, và bị coi như một đứa trẻ ngu ngốc. Người thím cũng là mẹ nuôi rất thương yêu Hoàng Phủ Mật, nhìn thấy con nuôi đã 20 tuổi mà suốt ngày lông bông lêu lổng thì trong lòng rất sốt ruột nhưng chỉ tiếc rèn sắt không thành thép.
Mãi cho đến một hôm, Hoàng Phủ Mật vui mừng mang quả dưa mình lấy được về cho người thím của mình. Người thím đã khóc và nói: “Trong Hiếu kinh nói rằng, ‘tam sinh chi dưỡng, do vi bất hiếu’, con đã lớn như thế rồi cũng không chịu đọc sách, biếu mấy quả dưa và trái cây là có thể an ủi được ta hay sao?” Hoàng Phủ Mật nghe xong thì cảm thấy rất hổ thẹn, từ đó về sau bắt đầu đọc sách, học tập. Trong sách “Nhan Thị gia huấn” ghi chép rằng Hoàng Phủ Mật năm 20 tuổi bắt đầu học “Hiếu kinh” và “Luận ngữ”, “Tứ thư”, “Ngũ kinh” cùng các tác phẩm của bách gia chư tử.
Sau khi trưởng thành, Hoàng Phủ Mật xem nhẹ danh lợi, coi trọng cuộc sống giản đơn của cổ nhân. Cả đời ông lấy sáng tác làm sự nghiệp, con đường làm quan được ông coi như bụi đất mà thôi, không đáng ngoảnh nhìn. Nhiều lần được triều đình chiêu mộ, ban chức tước nhưng ông đều mượn cớ này cớ khác để chối từ. Dù người có đức độ và chính trực tiến cử nhưng ông cũng không chịu nhận, thay vào đó, ông xin mượn sách của Tấn Vũ Đế. Tấn Vũ Đế đáp ứng, gửi cho ông một xe chở đầy sách.
Đến tuổi trung niên, Hoàng Phủ Mật bị phong thấp viêm khớp, thân thể ốm yếu, bán thân bất toại nhưng ông vẫn nằm trên giường đọc sách nghiên cứu, hơn nữa còn biên soạn ra các cuốn sách như: “Lịch đại đế vương thế kỉ”, “Cao sĩ truyện”, “Dật sĩ truyện”, “Liệt nữ truyện”, lưu lại cho người đời sau rất nhiều đạo lý về làm người. Ngoài ra, ông cũng biên soạn sách y học “Châm cứu giáp ất kinh”, cho đến nay vẫn là sách quý quan trọng được giới y học châm cứu sử dụng. Ông đã có những đóng góp không thể xóa nhòa cho sự phát triển của châm cứu.
Trước triều nhà Tấn, hầu hết các sách y học về châm cứu đều mang tính bí truyền và khó hiểu, hơn nữa còn thường có sự không thống nhất với nhau. Hoàng Phủ Mật đã lần lượt vượt qua khó khăn, tìm tòi và đọc rất nhiều sách y học sau đó tổng hợp, chỉnh lý lại những sáng tác y học nổi tiếng thời cổ đại, kết hợp với kinh nghiệm lâm sàng của chính bản thân mình và hoàn thành nên kiệt tác về châm cứu “Châm cứu giáp ất kinh”.
“Châm cứu giáp ất kinh” xác định rõ quy kinh và vị trí các huyệt vị, thống nhất tên gọi các huyệt vị, phân biệt chính danh và biệt danh. Cuốn sách cũng giới thiệu hàng trăm bệnh và kinh nghiệm điều trị châm cứu về nội khoa, ngoại khoa, phụ khoa, nhi khoa… mối quan hệ giữa ngũ tạng và ngũ quan, mối quan hệ giữa tạng phủ và các cơ quan bề mặt cơ thể, sự vận hành của nước bọt, triệu chứng bệnh tật, sự tương ứng giữa con người và thiên nhiên, tạng phủ âm dương phối hợp, nhìn sắc khám bệnh, trạng thái tinh thần, sự ảnh hưởng của âm nhạc đối với khí quan nội tạng, đặt nền móng cho lý thuyết châm cứu học.
Hoàng Phủ Mật mặc dù không phải y học gia chuyên nghiệp nhưng đã dụng công thâm hậu biên soạn ra tác phẩm kinh điển về châm cứu mang lại lợi ích cho thế hệ sau. Hậu nhân kính trọng Hoàng Phủ Mật bởi tính cách cao thượng, chính trực và kiệt xuất của ông, đồng thời còn lấy biệt danh “Huyền yến tiên sinh” để đặt cho ông với ý chỉ một học giả, một ẩn sĩ trong núi rừng.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Hoàng Phủ Mật Trung y Châm cứu