Hơi mẹ bên dòng sữa
- Vũ Thế Thành
- •
Sữa mẹ không phải là thứ để so đo về thành phần dinh dưỡng với các loại sữa khác (calo, protid, chất béo…) như thường thể hiện trên nhãn sản phẩm. Sữa mẹ không chỉ là những chất có lợi cho sức khỏe của bé mà còn ẩn chứa nhiều điều kì diệu, vượt ra khỏi hiểu biết của khoa học. Mùa Vu Lan năm nay, tôi muốn nói về sự kỳ diệu của dòng sữa này…
Tôi không được may mắn bú sữa mẹ suốt hai năm đầu đời như khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Sáu tháng sau khi sanh, mẹ tôi trải qua một cuộc giải phẫu lớn, dùng trụ sinh nhiều, không còn sữa. Hồi đó chưa có ngân hàng sữa mẹ cho những em bé thiếu may mắn, mà tôi lại không chịu bú rình.
Không chỉ vì sữa mẹ dồi dào dinh dưỡng mà tổ chức WHO khuyến cáo các bà mẹ nên cho con bú đến hai tuổi đâu. Đến tuổi ăn dặm (trên sáu tháng), sữa mẹ không còn cung cấp đủ dinh dưỡng nữa, về lượng và cũng như về chất, cho em bé. WHO khuyến cáo, chỉ vì hệ miễn nhiễm của bé trong những năm tháng đầu đời còn rất yếu, mà trong sữa mẹ lại có nhiều kháng thể có thể giúp bé chống nhiễm trùng, virus…, do đó có thể phòng chống bệnh được. Đó là chưa kể sữa mẹ còn có nhiều enzyme (men) giúp bé dễ tiêu hóa.
Trẻ được nuôi bằng sữa bò có rủi ro chết vì tiêu chảy và viêm phổi gấp nhiều lần so với trẻ bú mẹ, nếu gặp điều kiện vệ sinh kém. Sữa ngoài, dù bổ dưỡng tới đâu cũng chỉ có thể “vỗ béo”, chứ không thể phòng chống bệnh cho bé như sữa mẹ được.
Đó là một trong nhiều lợi ích của sữa mẹ mà tôi đã đề cập trong bài “Em tôi khát sữa bú tay”, nhưng trong bài này, tôi muốn nói về những điều kỳ diệu của sữa mẹ mà khoa học chưa giải thích được.
Sữa mẹ không có thành phần nhất định mà tự điều chỉnh, thay đổi theo nhu cầu của bé, không chỉ là đói no, là dinh dưỡng, là bảo vệ…, mà như một bản năng yêu thương hoàn hảo.
Lúc còn là thai nhi, bé được mẹ bảo bọc mọi thứ, ăn uống hít thở, phòng chống bệnh… Khi cất tiếng khóc chào đời, bé phải tự lo cho mình. Những giọt sữa đầu đời mà bé bú từ mẹ (sữa non) chứa rất nhiều kháng thể và enzyme tiêu hóa để bé có thể phòng chống bệnh, vì hệ miễn nhiễm ban sơ còn quá yếu. Sữa non cũng chứa nhiều protein để bé “nở” ra sau chín tháng gò bó trong bụng mẹ.
Vài ngày sau, thành phần dinh dưỡng trong sữa mẹ thay đổi, lượng protein giảm bớt xuống để bé “nở” cân đối, nhưng lượng chất béo tăng lên nhiều, nhiều hơn đáng kể so với sữa bò. Sao vậy?
Những năm tháng đầu đời, não của bé phát triển nhanh hơn so với tăng trưởng kích cỡ cơ thể. Thành phần chính của não là chất béo. Sữa mẹ nhiều chất béo, đa số lại là chất béo bất bão hòa, rất cần thiết cho sự phát triển của não, nhất là hai loại chất béo: omega- 3 DHA và omega-6 AA. Sữa bò có ít hai loại chất béo này. Em bé khác con bê ở cái đầu.
Trong sữa có hai loại protein chính là whey và casein. Whey dễ tiêu hóa hơn casein. Mấy tháng đầu, hệ tiêu hóa của bé còn yếu, nên sữa mẹ nhiều whey hơn casein để bé dễ tiêu hóa. Nhưng khi được năm, sáu tháng tuổi, bé cần nhiều sữa hơn. Sữa nhiều whey dễ tiêu hóa thì bé lại mau đói, quậy khóc. Sữa mẹ tự điều chỉnh lượng whey bớt đi, tăng lượng casein lên, tiêu hóa chậm hơn. Bé no lâu, ít khóc nhè quấy mẹ vì đói.
Thành phần sữa mẹ tự điều chỉnh theo từng giai đoạn phát triển của bé còn có thể hiểu được, nhưng thay đổi theo nhu cầu “tại chỗ” mới là điều lạ lùng.
Ít ai biết, trẻ sơ sinh mấy tháng đầu đời không cần uống nước, sữa mẹ lo liệu hết. Lúc bé mới bú, sữa mẹ loãng, nhiều nước để bé khỏi khát. Trẻ đã khát rồi, sữa mẹ mới tăng dần hàm lượng dinh dưỡng như chất béo, đường, đạm… cho đến cuối cữ bú. Chưa hết, nếu thời tiết nóng, bé cần nhiều nước, sữa mẹ lại loãng hơn. Sữa mẹ tự điều chỉnh loãng đặc theo nhu cầu của bé. Sao vậy? Khoa học bó tay.
Dường như có sợi dây huyền nhiệm nào đó, không chỉ là dinh dưỡng cụ thể, mà còn là bảo bọc và chở che, kết nối giữa Mẹ và Con qua dòng sữa, dù đứa con đã chào đời, thậm chí đã trưởng thành khôn lớn. Gà mẹ xù cánh để gà con ẩn nấp, tránh né diều hâu cũng từ bản năng huyền nhiệm đấy mà ra.
Tôi thiếu sữa mẹ, nhưng lại khó nết, không chịu bú bình, dù là sữa hộp Con Chim hay sữa lon Guigoz gì cũng mặc… Bà chị mải chơi, dỗ em không nín, nhét đại đồ ăn mềm mềm, đậu đỏ bánh lọt gì đó vào miệng, miễn là thằng em nín khóc. Ở nhà thương về, mẹ tôi xót ruột, đem con đi bú rình, tôi hẩy ra. Mẹ tôi kể, bà ôm tôi vào lòng cho bú, rồi đánh lừa nhét bình sữa vào miệng. Có hơi mẹ, tôi chịu bú.
Ở tuổi bạc đầu, đọc cả mớ tài liệu về sữa bò, sữa dê, sữa ngựa…, về chế biến sữa, về an toàn thực phẩm, rồi có khi viết bài, đi giảng nói leo về sữa mẹ với những phát hiện mới nhất của khoa học, nào là về dinh dưỡng, về kháng thể, về sự kỳ diệu tự điều chỉnh của sữa mẹ…, nhưng giờ đây tôi mới hiểu, mình còn nói thiếu – Thiếu hơi mẹ bên dòng sữa.
Vũ Thế Thành
Trích “Những thằng già nhớ Mẹ”, tái bản 2022
Đăng lại từ Facebook tác giả
Mời độc giả liên hệ tìm đọc các tác phẩm “Sài Gòn, một góc ký ức và bây giờ” và “Những thằng già nhớ Mẹ” của tác giả Vũ Thế Thành cùng một số tác phẩm khác.
Xem thêm cùng tác giả:
Mời xem video:
Từ khóa sữa mẹ Vũ Thế Thành Những thằng già nhớ mẹ