Huỳnh Thúc Kháng – Bậc “Uy vũ bất năng khuất” (Phần 3)
Khi tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp những chí sĩ yêu nước xuất thân từ Trung Kỳ người ta thường nhận thấy khí chất rất đặc trưng của người Quảng đó là tính phản biện mạnh mẽ và sự vô tư nhiệt thành. Cụ Huỳnh Thúc Kháng là một trong những người như vậy. Cụ yêu nước, thương dân và không cam tâm làm tay sai cho giặc dữ, nhưng cụ cũng không muốn dân tham gia vào những chiến trận thương vong. Cụ chọn cách giúp dân mình mở mang trí thức thông qua các hoạt động chính trường, và sau đó là việc làm báo.
Làm báo
Tờ báo Tiếng Dân và “công ty cổ phần” Huỳnh Thúc Kháng
Báo Tiếng Dân là tờ báo quốc ngữ đầu tiên ở Trung kỳ. Mặc dù ra đời muộn hơn báo chí miền Nam và Bắc, song báo Tiếng Dân đã có đóng góp rất lớn khi công khai nói lên tiếng nói của người Việt yêu chuộng hòa bình, độc lập, tự do và tự chủ(1).
Tờ báo này ban đầu được sử dụng như một sự hẫu thuẫn cho cụ Huỳnh Thúc Kháng khi trong cương vị Viện trưởng Viện Dân biểu Trung kỳ. Cái tên Tiếng Dân là do cụ Huỳnh tham vấn ý kiến của cụ Phan Bội Châu mà ra. Một cái tên thuần Việt và rõ ràng lý tưởng. Sau này dù không còn tham gia làm Dân biểu, nhưng cụ Huỳnh vẫn tiếp tục làm báo Tiếng Dân. Người đương thời và thế hệ sau này đều xem cụ là một nhà báo lừng lẫy, chân chính, mẫu mực.
Cụ Huỳnh Thúc Kháng là đại khoa Tiến sĩ Nho học, nhà Duy tân, nhà cách mạng công khai, nhà báo lẫy lừng, chuyện đó thì hẳn ai cũng biết. Nhưng khi gọi cụ là doanh nhân thì nhiều người sẽ ngạc nhiên. Kỳ thực việc này không tách rời khỏi việc làm báo của cụ, bởi thời đó muốn làm báo thì cũng cần phải có một công ty in ấn.
Tháng 9/1926, cụ Huỳnh cử Đào Duy Anh đi Sài Gòn tìm hiểu công việc làm báo, nhất là cách tổ chức Bộ biên tập. Ở Sài Gòn khoảng 3, 4 tháng thì Đào Duy Anh trở lại Đà Nẵng để tiếp tục cùng mọi người tổ chức công ty. Về phần mình, cụ Huỳnh Thúc Kháng đích thân ra Huế đến Tòa Khâm sứ Trung Kỳ gửi đơn trình bày xin phép thành lập tờ báo.
Sau khi huy động đủ số vốn ban đầu và thảo xong điều lệ, công ty in Huỳnh Thúc Kháng chính thức ra đời. Cụ Huỳnh Thúc Kháng tuy lúc này không có tiền nhưng được những người khác cho mượn cổ phần góp vốn và đồng ý cử làm người đứng đầu công ty. Quyết định cho phép thành lập tờ báo Tiếng Dân đã được Toàn quyền Đông Dương Pasquier ký ngày 12/02/1927, nhưng với điều kiện tòa soạn phải đặt tại Huế.
Ngày 10/8/1927, báo Tiếng Dân ra số báo đầu tiên tại địa chỉ số 123 đường Đông Ba, phố Hàng Bè (nay là số 193 đường Huỳnh Thúc Kháng). Từ đây, cụ Huỳnh Thúc Kháng, một nhân sỹ xứ Quảng đã trở thành nhân vật nổi tiếng của đất “thần kinh”(2), vừa là Viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ (nhiệm kỳ 1926-1928), Quản lý điều hành Công ty in Huỳnh Thúc Kháng và Chủ nhiệm kiêm Chủ bút tờ báo Tiếng Dân.
Trong 4 tháng đầu tiên hoạt động (từ ngày 10/8/1927 đến cuối năm 1927), cụ Huỳnh Thúc Kháng đã tỏ ra là một nhà quản lý tài năng, quản lý công ty hoạt động hiệu quả: số báo bán được là 152.512 tờ, tiền lãi cuối năm đạt 1,453,01 đồng(3).
Một nhà báo chân chính
Một nhà báo chân chính là nhà báo đứng về phía chính nghĩa, biết dùng ngòi bút của mình để bảo vệ cái đúng, phơi bày cái sai, giúp đỡ kẻ yếu, lên án kẻ bạo tàn.
Cụ Huỳnh Thúc Kháng quan niệm: “Trăm vạn quân không bằng một tờ báo”. Cụ cũng nói rằng: “Tôi là nhà cách mạng công khai, tôi đấu tranh cho quyền lợi của dân tộc Việt Nam một cách công khai. Vì đất nước Việt Nam có biên cương và lãnh thổ công khai trên bản đồ thế giới. Cho nên, tôi cũng công khai nói lên tiếng nói của người Việt Nam yêu chuộng hòa bình, độc lập, tự do và tự chủ…”(4)
Cụ Huỳnh Thúc Kháng phát nguyện ba điều: “Quyết mở tờ báo đầu tiên cho xứ Trung Kỳ, giữa kinh đô nước Việt Nam, dầu ra được 5-7 số mà chết cũng vui lòng; Theo thuyết chính danh của Khổng Tử, làm đúng như tên Tiếng Dân, thà chết, quyết không để cho cái gì lay chuyển hay lôi kéo đi đường khác; Giữ cái tinh thần phương Đông ‘quốc hữu’ cùng nuôi đốm lửa nhiệt thành ái quốc của các nhà tiên thời trong đống tro tàn, không để đứt mất”(5).
Đặt giữa Kinh đô Huế, dưới sự giám sát chặt chẽ của chính quyền thực dân Pháp thì việc đối mặt với sự uy hiếp và kiểm duyệt là điều khó lòng tránh khỏi. Cụ Huỳnh đã viết lời tuyên ngôn của tờ Tiếng Dân trong số báo đầu tiên như sau: “Nếu không có quyền nói tất cả những điều mình muốn nói thì ít ra cũng giữ được cái quyền không nói những điều người ta ép buộc nói”.
Mỗi số báo cụ Huỳnh phải nộp trước cho Sở Liêm phóng hai bản bằng hai thứ tiếng Việt và Pháp để họ kiểm duyệt. Quy định là nếu bài nào bị Sở Liêm phóng đục bỏ thì phải thay thế bằng bài khác cho vừa ý họ, nhưng tòa soạn của cụ Huỳnh không chấp hành theo cách ấy.
Tài liệu chép lại rằng, ngày 29/12/1940, cụ Phan Bội Châu qua đời tại Huế, báo Tiếng Dân mỗi ngày nhận hàng trăm điện văn, câu đối, lời điếu của người dân cả nước gửi về. Trên mỗi số báo Tiếng Dân của cụ Huỳnh đều dành để đăng những tình cảm đó của đồng bào. Nhiều nội dung bị Sở Liêm phóng Trung kỳ đục bỏ không thương tiếc. Cụ Huỳnh vẫn cho in và xuất bản những trang báo với ô trống như thế. Để nguyên những trang báo với ô trống đục bỏ chính là bày tỏ một thái độ với chế độ cầm quyền cai trị. Mặt khác các thư ký tòa soạn của Tiếng Dân đã lấy các số báo lưu lại tòa soạn và lấy bút viết lên những khoảng trống ấy những câu chữ đã bị cắt bỏ khi kiểm duyệt.
Tờ báo của cụ Huỳnh Thúc Kháng hoạt động 16 năm, đến 1943 thì bị đình bản, riêng công ty in của cụ hoạt động hiệu quả mãi đến năm 1946 mới dừng do chiến tranh.
Lời kết
Xuất thân từ miền quê nghèo khó, ra sức học hành đến ngày đỗ đạt, cụ lại từ bỏ công danh, tư lợi rồi chọn một đời nói tiếng dân. Ủng hộ chủ trương bất bạo động nhưng cụ ngoan cường, quyết liệt trên chính trường, trên lĩnh vực truyền thông. Cụ Huỳnh đã để lại một hình mẫu tham chiếu cho lớp trí thức, người yêu nước, người làm quan chức, người làm nghề báo sau này.
Thành tựu to lớn của cụ Huỳnh Thúc Kháng khó lòng mà kể hết. Suốt cuộc đời cụ đã trải qua biết bao nhiêu vai diễn, mỗi vở diễn phải đối mặt với bao nhiêu thử thách khó khăn. Sau này có lúc cụ làm đến quyền Chủ tịch nước, rồi có người bảo cuối cùng cụ cũng được “thỏa nguyện bình sinh”. Nhưng đằng sau thì mấy ai thấu hiểu về sự đau buồn mà cụ Huỳnh đã trải qua cho đến tận lúc chết. Có lẽ điều này thì phải là người bỏ công phu tầm cứu mới rõ được.
Dẫu sao trong suốt cuộc đời Huỳnh Thúc Kháng đã nhẫn chịu hết thảy những thử thách khắt khe của định mệnh, trước danh lợi không hề bị cám dỗ, cảnh cơ hàn không làm cụ lung lay, sức mạnh và bạo tàn của cái ác không làm cụ lùi bước. Quả xứng là bậc “Uy vũ bất năng khuất” xưa nay.
Đà Nẵng, 7/2021
Nam Trân
Tác giả gửi Trí Thức VN
Chú thích:
- Vai trò của Huỳnh Thúc Kháng với sự ra đời báo Tiếng Dân, đăng ngày 09/8/2016, tại baotanglichsu.vn
- Huế
- Huỳnh Thúc Kháng từng là… doanh nhân, tác giả Lê Thí, đăng ngày 18/4/2021 tại baoquangnam.vn
- Báo Tiếng Dân số ngày 1.5.1929
- Ý kiến ông Huỳnh Thúc Kháng đối với thời cuộc, Nxb. Tiếng Dân, 1945, tr. 22, 23
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Huỳnh Thúc Kháng