Không có vật gì vô dụng
- MATSUSHITA Kônosuke
- •
Không có vật gì vô dụng
Điều 20: Nhận thức mạnh mẽ không có gì vô dụng trên đời và tích cực tìm cách phát huy hữu hiệu mọi thứ sẽ giúp bạn có lẽ sống và thành công (1).
Tác giả: MATSUSHITA Kônosuke (*)
Người dịch: Nguyễn Sơn Hùng
***
Tất cả mọi vật có trong đời này đều có ích lợi cho đời sống con người. Bạn nên có nhận thức căn bản này và nỗ lực phát huy từng mỗi vật (2).
Tiến bộ gần đây của kỹ thuật và khoa học thật tuyệt vời đến mức phải kinh ngạc! Những thứ mà con người chưa hề nghĩ đến lần lượt được chế tạo và sản xuất. Sống vào thời đại như thế này, tôi nghĩ rằng chúng ta cần phải mài giũa trí tuệ con người của chúng ta hơn lên. Nếu không, tôi nghĩ rằng có lẽ có khả năng cao là kết cuộc chúng ta không phát huy hết được tiến bộ của kỹ thuật, khoa học và phát triển của văn minh.
Tôi nghĩ rằng đại khái các thứ tồn tại hiện hữu trong đời vốn đều là dành cho con người, là những thứ giúp ích cho sinh hoạt của con người. Bởi vậy phải chăng từ đầu vốn là không có thứ hoặc vật nào vô dụng.
Dù nói vậy nhưng dĩ nhiên không phải ở thời điểm hiện tại con người chúng ta đã sử dụng hữu hiệu tất cả mọi thứ, mọi vật đang tồn tại. Ngày nay, ở chung quanh chúng ta không ít có nhiều thứ chúng ta vứt bỏ vì không ích lợi hoặc do có hại. Tuy nhiên trong tương lai với sự tiến bộ từng bước của trí tuệ con người, từng vật một sẽ trở thành thứ ích lợi cho chúng ta. Trong thực tế, phải chăng lịch sử con người có thể nói là sự tiến bộ từng bước của việc sử dụng hữu hiệu vạn vật của tự nhiên.
Thí dụ loài nấm mốc màu xanh (penicillium) (3) ngày xưa được xem là có hại cho con người. Tuy nhiên ngày nay loại nấm này trở nên hữu ích rất lớn dưới dạng dược liệu penicilin để trị bệnh.
Đối với than đá và dầu lửa ngày xưa có lẽ cũng chỉ được con người xem như là loại đá màu đen, loại chất lỏng màu đen nhưng theo tiến bộ của thời đại, trước tiên than đá được sử dụng làm năng lượng, và kế đến dầu lửa không những được dùng làm nguồn năng lượng mà còn được dùng hữu hiệu để chế tạo nhiều loại sản phẩm như dược liệu hoặc hóa chất như nhựa (plastic).
Tất cả các kết quả trên không ngoài do sự tiến bộ của kỹ thuật và khoa học và sự lên cao của trí tuệ con người.
Do đó trong tương lai những vật mà hiện nay chúng ta bỏ đi không đoái hoài đến, tôi nghĩ rằng sẽ tuần tự được con người sử dụng hữu hiệu để nâng cao sinh hoạt của con người. Và như vậy, mọi con người chúng ta có một sứ mệnh quan trọng là với nhận thức căn bản “tất cả mọi thứ, mọi vật trên đời này đều hữu dụng” để chúng ta phát huy, tận dụng hữu hiệu sự vật nhiều hơn từng thứ một. Và tôi nghĩ rằng phải chăng đó cũng là ý nghĩa tồn tại của học thuật gồm có kỹ thuật, khoa học, v.v..
Tuy nhiên tôi cảm thấy gần đây nhận thức, cách suy nghĩ nói trên hơi yếu kém đi hoặc có mặt quá tiêu cực. Lý do là mặc dù may mắn đã phát minh ra được nhưng trong 10 ngàn bộ phận chỉ có một bộ phận có khiếm khuyết thì được xem như hoàn toàn không dùng được, hiện nay đang có khuynh hướng như vậy. Trong 10 ngàn bộ phận, nếu chỉ có một bộ phận khiếm khuyết thì 9.999 bộ phận khác là không sao, nên chỉ cần tu sửa một bộ phận khiếm khuyết là được nhưng trong thực tế người ta vì một bộ phận khiếm khuyết mà xem tất cả là không được (4). Làm như vậy thì những cái mặc dù tốt nhưng không được phát huy để sử dụng, những việc như vậy xảy ra không ít. Tôi nghĩ rằng điều này không tốt.
Trường hợp của loài cá nóc, một thực phẩm có hương vị mà vào mùa đông nhiều người yêu thích nhưng nếu vì sợ cá có độc tránh đi thì không thể thưởng thức hương vị này. Tuy nhiên, tiền nhân (người đi trước) của chúng ta đã biết bộ phận nào của cá có độc và biết cách xử lý khi làm cá như thế nào thì ăn không trúng độc.Với cách suy nghĩ tích cực và bỏ công nhiều công nghiên cứu, và nhờ vậy mà ngày nay chúng ta an tâm thưởng thức hương vị ngon lành của loài cá này.
Ngoài ra, độc của loài cá này dù ngày nay người ta phải bỏ đi nhưng trong tương lai sẽ được sử dụng hữu hiệu vào việc gì đó cũng không chừng. Hiện nay trong lĩnh vực y học người ta đang nghiên cứu và nếu thành công ngoài việc cá nóc được quý chuộng do hương vị ngon, và độc của cá sẽ hữu dụng hơn giá trị thực phẩm hiện nay.
Một khi thử suy nghĩ như đã trình bày, tôi nghĩ chúng ta cần phải ý thức mạnh mẽ rằng “không có vật gì trên đời này vô dụng”, và nên tích cực tìm cách sử dụng hữu hiệu tất cả mọi thứ, mọi vật hơn cả tiền nhân đã thành công trong việc nấu ăn an toàn loài cá nóc.
Trong sinh hoạt hàng ngày chúng ta vừa bồi dưỡng, nâng cao trí tuệ lẫn nhau vừa nỗ lực phát huy hữu hiệu các sự vật, phải chăng đó là một trong các bổn phận quan trọng mà làm người cần nên làm.
Nguyễn Sơn Hùng, 19/12/2022
Đăng lại từ Diễn Đàn Khai Phóng (diendankhaiphong.org)
(*) Nguồn: MATSUSHITA Kônosuke: NHÂN SINH TÂM ĐẮC THIỆP (人生心得帖), Viện Nghiên Cứu PHP xuất bản 1984 khổ A5, xuất bản 2001 khổ A6.
Xem thêm cùng tác giả:
Nhận xét của người dịch
Con người được xem linh trưởng (ưu tú nhất) trong các động vật bởi vì con người biết suy nghĩ, xem xét. Trong việc suy nghĩ xem xét thì cách nhìn sự vật là một yếu tố rất quan trọng bởi vì yếu tố này có thể quyết định phương hướng, phạm vi suy xét của chúng ta. Do đó, cách nhìn sự vật tích cực mà tác giả đã đề nghị trong bài viết này giúp chúng ta có thêm một cách nhìn mới. Người dịch nhận thấy trong 28 bài viết của tác phẩm, hầu hết tác giả đề nghị cụ thể cho chúng ta những nhìn sự vật tích cực hơn đừng bị ràng buộc hoặc cố chấp những cách nhìn thông thường. Người dịch tin chắc rằng đây là một yếu tố chính giúp tác giả thành công lớn hơn người thông thường.
Sống trong xã hội con người cần phải tôn trọng thường thức của xã hội con người nhưng cách suy nghĩ xem xét sự vật thì không phải vậy, bởi vì có cách suy nghĩ, cách nhìn mới, cách nhìn khác thông thường mới giúp chúng ta tìm kiếm được lợi ích mới cho xã hội. Cái mới tìm ra cần phải hợp với quy định, thường thức của xã hội là điều khỏi phải nói vì có như vậy mới được xã hội chấp nhận. Điều này rất quan trọng không được sai lầm.
Cách tư duy mà tác giả đề nghị không phải lúc nào cũng thành công nhưng giúp chúng ta một khả năng thành công lớn. Thử nghĩ nếu bạn tìm ra một cách dùng hữu ích của một vật hay một tài liệu vật chất nào đó mà mọi người đều xem là vô dụng thì sẽ đem lại cho bạn lợi ích như thế nào.
Đối với thí dụ một bộ phận khiếm khuyết trong 10 ngàn bộ phận mà tác giả đã nêu ra trong bài viết, người dịch không biết tác giả muốn nói đến thí dụ cụ thể nào. Tuy nhiên thiết nghĩ chưa hẳn trong thực tế người ta bỏ hết tất cả 9.999 bộ phận còn lại mà không dùng vào việc khác hoặc cải tạo tu sửa 1 bộ phận có khuyết điểm trong những bước nghiên cứu kế tiếp.
Có một điều cụ thể là lúc trước các thực phẩm quá thời hạn ở Nhật Bản người ta đem bỏ rác không bán. Nhưng hiện nay người biết rằng thời hạn ghi tiêu thụ của thực phẩm phần lớn là thời hạn cho biết khoảng thời gian mà thực phẩm còn giữ được hương vị đã định và quá hạn định thực phẩm cũng có thể sử dụng an toàn dù phẩm chất không còn như đã định nên có một số sản phẩm còn có thể sử dụng được đem bán với giá rẻ hơn. Điều này vừa sử dụng hữu hiệu tài nguyên vừa tránh được lượng rác lớn phải xử lý. Những thực phẩm không còn ăn uống được người sử dụng để chế tạo các sản phẩm khác như phân bón v.v..
Tác giả cũng thường nói “Chúng ta có thường tự cho rằng “việc này không thể thực hiện, cái này không thể làm được” không? Nếu từ đầu đã có thành kiến như vậy thì việc có thể làm cũng trở nên không thể làm. Do đó, chúng ta cần phải cách xa mọi thành kiến, và nhìn, xem xét sự vật với tâm tự nhiên (trung thực một cách tự nhiên). Nếu chúng ta bắt đầu từ trạng thái của tờ giấy trắng, không ít trường hợp con đường sẽ mở rộng cho chúng ta một cách bất ngờ.”
(Viết xong ngày 10/3/2023)
Ghi chú:
(1) Tựa bài dịch theo nguyên bản. Tựa phụ trong ( ) do người dịch đặt thêm để quý độc giả dễ nhớ và tổng kết các điều trọng yếu mà tác giả đề xuất để chúng ta có cuộc sống tốt đẹp hơn.
(2) Đại ý của bài viết. Trong nguyên tác, đại ý được viết ở đầu của mỗi bài.
(3) Chữ nhỏ viết trong ( ) để giải thích nghĩa hoặc từ đồng nghĩa.
(4) Các sản phẩm xưa của Panasonic
Từ khóa MATSUSHITA Kônosuke