Lại bàn về văn hóa tranh luận
- Nguyễn Thị Bích Ngà
- •
Hôm trước, khi mình nói chuyện với một người bạn về cách đối xử với nhau trong gia đình giữa vợ chồng, anh bảo, “Anh thích cách ứng xử ‘vợ chồng tương kính như tân’. Vợ chồng mãi đối đãi nhau được vậy thì cho dù có chuyện này chuyện nọ xảy ra vẫn có thể giải quyết nhanh chóng, yêu thương nhau lâu bền, không bị tổn thương.”
Mình hiểu chữ “tân” trong câu này là “mới”. Nghĩa là vợ chồng yêu thương nhau và đối đãi nhau lúc nào cũng như ngày mới yêu mới cưới. Anh hiểu chữ “tân” là “khách”. Nghĩa là vợ chồng dùng lễ đối nhau kính trọng như đối với khách quý. Hai bên tranh luận qua lại, bên nào cũng có lý lẽ để bảo vệ cho cách hiểu của mình, đồng thời cũng công nhận lý lẽ của bên kia có phần đúng. Sau, mình bảo, “Thôi để lúc rảnh Voi coi lại từ điển Thiều Chửu xem chữ tân trong câu là khách hay mới nhé.” Anh ừ. Hôm nay tra từ điển, anh nói đúng, “tân” trong câu là “khách”. Mình đã hiểu sai lâu nay.
Nhiều lần, mình theo dõi các cuộc tranh luận trên mạng của nhiều giới khác nhau: trí thức, văn nghệ sĩ, người tranh đấu, trong và ngoài nước, khoa học, bình dân…. mình thường thất vọng nhiều hơn vui hay học hỏi được điều gì.
Đa phần người Việt coi tranh luận là cãi nhau để giành phần thắng, không phải để tìm ra chân lý. Bởi cốt để giành phần thắng nên người ta vứt văn hóa đi, không còn tôn trọng nhau, không coi chân lý ra gì, không tôn trọng những nguyên tắc cơ bản trong tranh luận, sẵn sàng lấy thịt đè người như đấm bốc, tấn công cá nhân, sỉ nhục, ngụy biện dưới mọi hình thức… miễn sao cho đối phương phải im tịt thì mới thỏa.
Thậm chí người ta còn dám dùng sự khuyết tật hình thể của người khác để nhục mạ trong tranh luận. Khi người theo dõi lên tiếng nhắc về những lỗi ngụy biện thì lại lập tức quanh co, tiếp tục ngụy biện bằng hình thức khác, thậm chí quay ra chửi luôn người nhắc.
Mình ít tham gia tranh luận, kể cả trên trang của mình, vì mình không lên facebook thường xuyên để có thể tranh luận qua lại liên tục. Vả lại mình không thích hợp với kiểu tranh luận chửi bới nhục mạ, ngụy biện, cãi chầy cãi cối nên thường chỉ sau ba, đến bốn còm là mình ngưng. Nhưng mình rất thích theo dõi các cuộc tranh luận, bởi qua đó mình nhìn ra rất nhiều thứ: tính cách con người, nhân sinh quan, quan điểm, văn hóa, tâm, tầm, bản lĩnh,… và như mình nói ở trên: thất vọng. Nhiều lúc mình có cảm giác như đãi cát tìm vàng vậy.
Đãi cát tìm vàng. Xúc hết rổ này tới rổ kia đãi hoài đãi miết, vàng có vài hạt nhỏ mà cát đã thành cái núi. Bạn nghĩ mình hâm, làm việc vô ích cũng được.
Bạn biết không, những cuộc tranh luận đó chính là nơi ta nhìn rõ nhất văn hóa dân tộc, sự mâu thuẫn nội tại, sự chung chiêng, sự thoái trào, sự tiến bộ, sự hiểu biết hay ngược lại của các thành phần và cá nhân. Đó là nơi để trắc nghiệm xã hội rất rõ, không kém những cuộc trắc nghiệm thực tế trên đường phố.
Mình đã đăng đi đăng lại rất nhiều lần những bài viết về văn hóa tranh luận. Hồi trước, mình nghĩ do người ta chưa biết về văn hóa tranh luận nên mới phạm nhiều lỗi mà không biết nên mình viết và đăng tới đăng lui hoài, nhắc hoài. Nhưng về sau này thì mình thấy giới bình dân như mình ngày càng ít mắc lỗi ngụy biện, mà một số người tự xưng trí thức, tự xưng tinh hoa, triết gia thì… họ mở mồm câu nào mình lại thấy họ quá vô lễ với tri thức, phỉ nhổ vào kiến thức, hỗn láo với chính trị, khinh bỉ đồng loại mà họ coi không cùng đẳng với họ. Đó không còn là sự gàn dở nữa mà họ đã tự biến bản thân thành những kẻ cuồng say chiến thắng, dù chỉ là trong một cuộc tranh luận.
Cái đáng buồn tiếp theo là đám đông vây quanh “tinh hoa”. “Tinh hoa triết học” nói đúng hay sai gì cũng tung hô. Mình lướt cả trăm còm, cố tìm cho ra một người phản biện lại một điều sai của họ mà không có. Chẳng biết do đám đông sợ cái bóng hay sợ cái thói của họ. Chắc cả hai, nên tung được thì tung, không tung được thì im tịt.
Tất nhiên, nghiên cứu chỉ là những nghiên cứu nhỏ trong phạm vi giới hạn, mình không dùng nó để đánh giá toàn xã hội, nhưng nó cũng phản ánh nhiều phần và nhìn chung nó thật thảm hại.
Làm sao để văn hóa tranh luận được tôn trọng? Làm sao để không gian sinh hoạt văn hóa, chính trị, học thuật,… được sạch sẽ hơn, văn minh hơn? Bởi nếu không tranh luận thực thụ mà cứ cãi nhau như hiện nay thì chẳng bao giờ người Việt có thể khá hơn được.
Theo facebook Nguyễn Thị Bích Ngà
Đăng có chỉnh sửa dưới sự cho phép của tác giả
- Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Nền tảng giáo dục gia đình” tại đây.
- Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Thói xấu người Việt” tại đây.
- Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Những tổn thương vô tình gây cho con” tại đây
Xem thêm:
Mời nghe radio:
Từ khóa Tranh luận Nguyễn Thị Bích Ngà thói xấu người Việt