Làng Liên Bạt được ví như viên ngọc quý của Bắc bộ xưa kia
- Trần Hưng
- •
Làng Liên Bạt được ví như viên ngọc quý của Bắc hà xưa kia, làng có tên nôm là Kẻ Bặt, nay là một xã thuộc Ứng Hòa, Hà Nội. Đây là làng khoa bảng danh tiếng và cũng là nơi có nhiều giai thoại.
Lịch sử hình thành làng Liên Bạt
Xưa kia làng có 3 cụm dân cư gốc, sau phát triển thành 3 làng là Trù, Ngọ, Trung, gọi chung là ba làng Bặt. Theo tài liệu lưu trữ tại Viện nghiên cứu Hán Nôm thì từ “Bặt” mang ý nghĩa là bặt thiệp (lịch sự, khéo léo trong cách giao thiệp).
Ngày nay xã Liên Bạt có các thôn Vũ Nội, Vũ Ngoại, Lưu Khê, Lương Xá, Đình Tràng, Hoàng Xát, Trù, Đống, Trung.
Liên Bạt xưa kia có tiếng là vùng đất nhân kiệt, theo Văn Chỉ của làng thì tính riêng thời nhà Nguyễn làng đã có 2 Hoàng giáp, 2 Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, 5 Cử nhân và 7 Tú tài.
Theo truyền thuyết và Thần phả còn lưu giữ thì từ cuối đời Hùng Vương thứ 17 đất Liên Bạt đã có dân đến định cư sinh sống. Từ trước công nguyên có ông Đặng Sỹ là châu trưởng đã đến Liên Bạt mở trường dạy chữ, giáo hóa dân chúng; lại giúp dân khai hoang, ổn định cuộc sống. Sau khi Đặng Sỹ mất, hai anh em ruột cũng là em họ của ông là Đặng Xã và Đăng Lang kế tục anh mình.
Khi quân Hán tiến đánh Giao Chỉ, hai anh em đưa quân ra ngoài biên ải chống giữ. Nhưng trước thế giặc mạnh, hai anh em phải rút quân về làng Liên Bạt cố thủ. Quân Hán tấn công vào rồi truy lùng ráo riết, hai anh em phải tự vẫn để không sa vào tay giặc. Tưởng nhớ công lao của 3 anh em, dân làng đã lập miếu thờ phụng.
Sau này làng có nhiều người tài, chủ yếu là hai dòng họ Nguyễn và họ Bùi.
Họ Nguyễn
Theo gia phả của dòng họ Nguyễn thì thủy tổ là ông Nguyễn Bá Đạt, hiệu là An Nhân gốc ở thôn Trù làng Bặt, đến đời cháu nội thì có Nguyễn Phúc Hải khi mất được an táng ở gò Sách, đây là gò có hình chim phượng ngậm cuốn sách, chỗ đặt mộ có hình ống Quyển, sau này con cháu họ Nguyễn trong làng phát đạt nhờ đèn sách.
Đến đời thứ 7 thì dòng họ Nguyễn trong làng có 3 người đỗ Hương cống (tương đương cử nhân). Đến đời thứ 11 thì có Nguyễn Phiên (hay Nguyễn Thượng Phiên) đỗ đại khoa vào thời nhà Nguyễn.
Năm 9 tuổi Nguyễn Phiên mới được cha dạy chữ. Năm 1847 thì ông dự thi Hương ở Hà Nội và đỗ cao thứ 6, được vào học ở trường Quốc Tử Giám và giữ các chức quan khác nhau.
Năm 1865 Triều đình tổ chức kỳ thi Nhã Sĩ để chọn người tài. Nguyễn Phiên đỗ cao thứ 2 tương đương với Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, tức Hoàng giáp.
Nguyễn Phiên là người dạy học cho vua Thành Thái khi còn nhỏ, nên sau này được Vua ban thêm chữ “Thượng”, thành tên là Nguyễn Thượng Phiên. Ộng làm quan đến chức Thượng thư bộ Hình thì nghỉ hưu vào năm 1898.
Nguyễn Thượng Phiên có người con trai là Nguyễn Thượng Hiền. Khoa thi năm 1884 Nguyễn Thượng Hiền đỗ kỳ thi Hương tại trường thi Hà Nội – Nam Định. Năm 1885 ông tiếp tục vượt qua kỳ thi Hội, nhưng chưa kịp xướng danh thì Kinh thành Huế có biến. Phe chủ chiến do Tôn Thất Thuyết chỉ huy bất ngờ tấn công quân Pháp ở đồn Mang Cá và tòa Khâm Sứ. Quân Pháp dựa vào vũ khí hiện đại vượt trội mà đánh lui quân Triều đình và tiến vào Kinh thành. Vua Hàm Nghi và Triều đình phải chạy khỏi Kinh thành.
Trước biến cố này, kết quả khoa thi bị hủy bỏ, vì thế Nguyễn Thượng Hiền dù thi đỗ cũng bị xóa. Đến khoa thi năm 1892 thì ông đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp). Nhận thấy Triều đình hàng Pháp, ông không muốn làm quan, nhưng bị buộc phải ra làm quan. Sau đó ông cương quyết từ quan mặc cho cha phản đối. Ông liên lạc với những người yêu nước, cỗ vũ cho phong trào “Hưng dân khí, mở mang dân trí”, rồi phong trào Đông Du. Cuối cùng ông quyết định vào chùa đi tu.
Họ Bùi
Theo gia phả họ Bùi thì ban đầu là mang họ Nguyễn, nhưng đến thời vua Trần Dụ Tông thì đổi sang họ Bùi.
Họ Bùi gốc Nguyễn làng Liên Bạt từ đời thứ bảy thì có rất nhiều người đỗ sinh đồ, tú tài, có 2 người đỗ tiến sĩ và 2 người đỗ cử nhân.
Tưởng nhớ
Ngày nay cứ vào ngày 15 tháng 3 âm lịch hàng năm, dân làng đều tổ chức lễ tế tự Thành Hoàng là 3 anh em Đặng Sỹ, Đặng Xã, Đặng Lang.
Tương truyền khi vua Lê Đại Hành đưa quân đánh Tống, đã ghé đến miếu thờ nhờ 3 anh em giúp sức, sau đó đã giành chiến thắng. Vua phong cho Đặng Sỹ là Đại đô Thành hoàng thánh đức linh thông Thiện Sĩ thượng đẳng thần, sắc phong Đặng Xã là Đương cảnh Thành hoàng thánh đức nhân từ Xã thần đại vương và Đặng Lang là Hùng liệt Thành hoàng thánh đức Tam Lang quý công đại vương.
Trần Hưng
Xem thêm:
Mồi xem video:
Từ khóa làng Việt Làng khoa bảng