Làng văn hóa khoa bảng Nhật Chiêu
- Trần Hưng
- •
Làng Nhật Chiêu còn được gọi là làng Rau, trước đây thuộc tổng Nhật Chiêu, huyện Bạch Hạc, phủ Vĩnh Tường, trấn Sơn Tây (nay thuộc xã Liên Châu, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc). Lịch sử khoa bảng của làng có 3 người đỗ đại khoa, nhưng số người đỗ trung khoa và làm quan ở các địa phương thì lại rất nhiều.
3 người đỗ đại khoa
Người đỗ đại khoa thứ nhất cho làng Nhật Chiêu là Đào Sùng Nhạc, đỗ đỗ Đệ tam giáp Tiến sĩ khoa thi năm 1490 thời Hồng Đức. Sau khi Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, ông trung thành với nhà Lê chống Mạc và hy sinh.
Người đỗ đại khoa thứ hai là Văn Vĩ, đỗ tiến sĩ khoa thi năm 1496, làm quan đến Đô cấp sự trung ở Hình khoa.
Người đỗ đại khoa thứ ba là Ngô Văn Độ, đỗ tiến sĩ khoa thi năm 1856 thời vua Tự Đức, văn bia năm này cho thấy ông đỗ cao thứ 3, làm quan đến Án sát sứ Nghệ An, Lạng Bằng quân thứ Tán lý, hàm Trung nghị đại phu.
Nhiều người đỗ trung khoa làm quan ở các địa phương
Ngoài ra làng Nhật Chiêu còn rất nhiều người đỗ trung khoa, riêng thời nhà Lê có 30 người đỗ Hương cống, 11 người đỗ Sinh đồ. Thời nhà Nguyễn có 5 người đỗ thi Hương (tương đương cử nhân). Số người đỗ tú tài thì rất nhiều.
Thời xưa những người đỗ trung khoa được bổ nhiệm làm quan ở địa phương, trong đó có rất nhiều người xuất thân từ làng Nhật Chiêu. Nhiều người giữ các chức vụ trọng yếu từ Tri huyện đến Tri phủ, như Ngô Hữu Đường làm Tri phủ Thông Hóa, Lê Đình Tuyển làm Tri phủ Điện Biên, Kiều Năng Thân làm Án sát sứ Tuyên Quang, Ngô Văn Định làm Bố Chánh sứ Cao Bằng, Kiều Văn Xuyển làm Đốc binh Tuyên Quang quân thứ.
Nhật Chiêu có truyền thống hiếu học, có những khoa thi mà cả nhà đều đỗ, như Nguyễn Thúc Giao đỗ đầu kỳ thi Hương tức Giải nguyên, anh ruột là Nguyễn Trọng Linh cũng cùng thi đỗ.
Ngoài ra các kỳ thi Hương khác có năm trong làng có anh em ruột 2, 3 người cùng thi đỗ, có khi cả cha và con cùng thi đỗ, hay có những khoa mà nhiều người trong làng cùng đỗ, nhiều nhất là thời nhà Nguyễn.
Ngoài ra còn có rất nhiều người làm Lang trung các bộ hoặc làm quan lĩnh vực giáo dục như Nguyễn Thúc Giao làm Hàn lâm viện Đông các Tả giảng, hàm Triều liệt đại phu, tước Hiển Trung hầu; Hương cống Nguyễn Bá Thiêm làm Thiêm sự Viện Thiêm sự, hàm Hoằng tín đại phu; Hương cống Lê Nguyên Bá được bổ chức Giảng dụ; Cử nhân Ngô Toại người thôn Thượng, được bổ chức Lang trung ở bộ Hộ.
Gìn giữ truyền thống
Xưa làng có 2 khu đất là Học điền và Đồng quan. Khu Học điền là cho sĩ tử nghèo mà hiếu học, làng sẽ khích lệ và động viên bằng vật chất và tinh thần cho các sĩ tử này, được làng hỗ trợ cơm áo học hành đầy đủ giúp học thành tài. Đồng quan là khu đất làng dành cho những ai đỗ cử nhân, tiến sĩ, đây là phần thưởng dành cho những ai chịu khó trau dồi chữ nghĩa thành tài, phụng sự cho Xã Tắc.
Sau này một người làng là ông Lê Quang Hậu đã dày công sưu tập các tài liệu cùng những ghi chép về làng, để tập hợp lại thành cuốn sách “Sự tích làng Rau” viết về truyền thống văn hóa của làng từ thưở sơ khai đến nay, giúp các thệ hệ hiểu được lịch sử làng mình.
Ngoài ra ông Hậu cũng xuất bản tập thơ “Những chuyến đò nên nghĩa” như một cuốn hồi ký nói về làng Rau, để người làng thêm yêu quê hương mình.
Hiện nay làng Nhật Chiêu vẫn duy trì các hoạt động như mừng thọ cho người cao tuổi, mùng 4 tết hàng năm là trao các phần thưởng khuyến học. Làng có nhà văn hóa với kiến trúc hiện đại, sân vận đông, nơi vui chơi, thư viện giúp dân chúng nghỉ ngơi thư giãn sau thời gian làm việc vất vả. Trường học cũng khang trang rộng rãi đạt chuẩn quốc gia.
Đời sống người dân làng tương đối khá giả, học sinh của làng cũng có thành tích học tập cao, rất nhiều học sinh đều là đạt loại giỏi và vào được các trường đại học lớn.
Trần Hưng
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Làng khoa bảng