Lê Bật Tứ: Từ trẻ chăn trâu mồ côi đến quan Tể tướng đầu Triều
- Trần Hưng
- •
Dù mồ côi cả cha mẹ khi còn bé, vất vả chăn trâu kiếm kế sinh nhai, nhưng nối tiếp truyền thống khoa bảng của gia đình, Lê Bật Tứ thi đỗ và làm quan đến chức Tể tướng.
Trẻ chăn trâu mồ côi cha mẹ
Họ Hứa là dòng họ có tiếng về khoa bảng, xưa kia có 8 đời đỗ tiến sĩ với nhiều người làm đại quan. Đến đời thứ 9 có Hứa Duy Đàn vì để tránh kỵ húy dưới triều Trần mà phải đổi sang họ Lê.
Năm 1562 dòng họ sinh được Lê Bật Tứ tại thôn Đoài xóm Bính, Cổ Định, Tân Ninh nay là thị trấn Nưa (Triệu Sơn, Thanh Hoá), đây là đời thứ 11 của dòng họ. Dù đây là dòng họ khoa bảng nhưng đến thời điểm này rất khó khăn.
Lê Bật Tứ sinh ra chỉ được 7 ngày thì cha mất, người mẹ phải đưa các con đến làng Lưu Xá, huyện Kim Bảng, xứ Sơn Nam nuôi dưỡng. Khi Lê Bật Tứ lên 8 tuổi thì đến lượt mẹ qua đời. Gia đình lâm cảnh khó khăn, Lê Bật Tứ phải chăn trâu kiếm kế sinh nhai.
Thi đỗ đại khoa
Khi cuộc sống khó khăn thì anh cả của Lê Bật Tứ ở quê đến giúp đỡ, tìm thầy giỏi cho các em được học nhằm nối tiếp truyền thống khoa bảng của gia đình. Nhờ đó Lê Bật Tứ được học hành, tham gia 2 khoa thi Hương năm 1584 và 1592 đều đỗ cao nhất nhì.
Năm 1598, vua Lê Thế Tông mở khoa thi Hội, nhiều thí sinh tham dự nhưng chỉ lấy đỗ 5 người. Lê Bật Tứ vượt qua tứ trường và lọt vào kỳ thi cuối cùng là thi Đình. Tại kỳ thi cuối cùng ông đỗ cao thứ ba.
Sau khi thi đỗ Lê Bật Tứ nhận chức Hàn lâm Hiệu lý. Đến năm 1600 ông được thăng làm Hộ khoa Cấp sự trung, đến huyện Đan Phượng giúp dân đo đạc đất trồng dâu nuôi tằm. Khi vua Lê Kính Tông lên ngôi, ông được phong làm Diễn Gia hầu.
Năm 1606 ông được cử làm Chánh sứ sang nhà Minh, đến năm 1608 thì hoàn thành nhiệm vụ về nước và được phong làm Tả Thị lang bộ Hộ.
Trở thành Tể tướng điều hành đất nước
Năm 1610, ông có tờ khải dâng chúa Trịnh Tùng, được Chúa khen ngợi nhưng lại không thực hiện theo. Đến năm 1618, ông cùng Ngô Trí Hòa lại dâng tờ khải lên Chúa 6 việc:
- Xin sửa đức chính để cầu mệnh trời giúp.
- Xin đè nén kẻ quyền hào địa phương để nuôi sức dân.
- Xin cấm phú dịch phiền hà để đời sống của dân được đầy đủ.
- Xin bớt xa xỉ để của cải trong dân được thừa thãi.
- Xin dẹp trộm cướp để dân được yên.
- Xin sửa sang quân chính để bảo vệ dân.
Chúa Trịnh Tùng khen và lần này đã thực hiện theo.
Năm 1619, vua Lê Thần Tông lên ngôi và phong cho ông làm Thượng thư bộ Binh tức chỉ huy toàn bộ quân Triều đình. Nhưng ít lâu sau ông được vào Phủ Chúa và lãnh chức Tham tụng (tương đương Tể tướng đầu Triều).
Từ đó Lê Bật Tứ làm quan đầu Triều giúp Chúa xây dựng và ổn định Đàng Ngoài. Năm 1623, chúa Trịnh Tùng mất, con là Trịnh Tráng nối ngôi, ông vẫn giữ chức Tham tụng, lại được ban tước Thiếu bảo, tiếp tục điều hành đất nước.
Năm 1627, Lê Bật Tứ đi tuần thú phương nam, khi về quê nhà đóng quân nghỉ ngơi ở đây. Năm ấy lũ kéo về, ông đã kịp thời giúp dân tránh lũ. Lại cho đào nối sông Lãng chảy sang sông Hón, chảy xuôi theo sông Nổ Hẻn rồi chảy vào sông Hoàng Giang ra biển.
Ông cũng giúp làng xây khu văn hóa ở Cồn Chợ, lại có lớp học để con em có chỗ học hành, từ đó trẻ em nơi đây được học tại quê mà không phải đi học ở nơi khác nữa.
Tưởng nhớ
Ngày 15/10/1627, Lê Bật Tứ đột ngột mất khi đang tại nhiệm. Vua Lê Thần Tông vô cùng thương tiếc, cho Triều đình nghỉ triều phục 3 ngày, ra chỉ dụ xây nhà thờ và bia đá ghi công. Vua lại ban tặng tước Thái Bảo Diễn quận công, ban tên thụy là Hòa Nghĩa.
Văn bia tại đền thờ Lê Bật Tứ do Triều định lập có đoạn như sau:
“Bậc cựu thần công cao ở quốc gia, khi sống thì được sủng dụng, lúc chết thì điếu lễ vỗ về, toàn vẹn giữ trọn ơn nghĩa trước sau.
Lê tướng công là bậc phương viên tiết tháo, mưu lược tế thế kinh bang, nghĩa lý thấm đượm lòng người, chí học hành thấu hiểu đạo thánh, văn chương xuất chúng, hiển đạt khoa danh cả hai hàng văn võ, tên tuổi nổi danh, trải qua nhiều triều hiển đạt, lại càng sánh như các bậc tể tướng thời Đường, tham gia giúp đỡ nhà vua nơi màn chướng, qui củ rõ rệt như các lương tướng thời Tống, lại thêm tốt đẹp hoà mục có công lao với xóm làng, công thành sự nghiệp giúp triều đình nổi rõ như sao bắc đẩu, lúc sống tước vị cao quí, mong cho tướng công được hưởng phúc lành của đất nước.
Nào ngờ chỗ dựa tin cậy mới được tạo dựng đã vội ra đi, thế là sai mệnh quan đến chính tế Tướng công, điếu phúng kính dâng, lễ nghi vỗ về, như thế cũng là an ủi tiếng thơm vĩnh hằng vậy. Lại cấp cho giáp một, giáp hai, giáp ba trong xã cùng ban lộc điền. Lại chuẩn ý cho con trưởng cùng các con cung kính phụng thờ và được ơn sủng thịnh dầy.
Nay xét về gia đình tướng công, tất cả con cháu được phân định ban phong tập ấm theo luật của triều đình. Khả Giáo do là Nho sinh trúng thức được nhận chức Tư vụ ở bộ Lại, thăng lên Viên ngoại lang. Năm Kỷ Mùi (1619) đi thi Hội trúng Tam trường, thăng Bản bộ Lang trung, tước Xuân Đài tử. Lại được vâng cấp lộc điền ở hai xã. Con rể là Hứa Lập, do là Giám sinh nên được nhận chức Tri huyện…
Lại xét gia phả dòng họ Lê Bật Tứ vốn có nguồn gốc nho quan, từ thuỷ tổ trở lại luôn có các quan kế nối. Tương truyền tướng công thuở nhỏ khổ cực, về sau hiển đạt, há lại chẳng phải thiên tướng trời định giao việc cho người ắt nên trước tiên bắt phải khổ cực để cho gân cốt được khỏe mạnh đảm nhận công việc mai sau.
Khoa danh được đăng cao, đảm nhận công việc dám nói thẳng nói thật, giúp vua thương dân là người anh tài, đời xưng là bậc Tiến sĩ được đông đảo quần chúng nhớ về ơn huệ, công danh tài chí nổi danh khắp thiên hạ, trung nghĩa khắp cả ba triều, chức vụ vượt hơn các quần thần, công lao để lại hậu thế là ngôi sao bắc đẩu của trời Nam được vinh hiển thịnh dầy, ấy cũng là do tổ tiên thịnh đạt luôn làm việc thiện mà vun trồng cây đức”.
Trần Hưng
Xem thêm:
- Trí tuệ của cổ nhân: Thành thật làm người, làm đến tể tướng
- Vài giai thoại về tể tướng Nguyễn Văn Giai
Mời xem video:
Từ khóa nhà Lê Trịnh dòng họ khoa bảng Tể tướng khoa bảng