Giám mục Bá Đa Lộc là người phương Tây có mặt lâu nhất trong cuộc nội chiến giữa nhà Nguyễn và nhà Tây Sơn, ít ra cũng từ năm 1776 là thời điểm ông gặp chúa Định vương Nguyễn Phúc Thuần, đến ngày ông mất. Sự đóng góp công sức của ông cho nhà Nguyễn trong suốt thời gian này được tường thuật và đánh giá rất khác nhau, cái chết của ông và lễ tang mà chúa Nguyễn Ánh đã dành cho ông cũng không được chính sử kể lại một cách đầy đủ và chi tiết.

Giám mục Bá Đa Lộc (Evêque d’Adran – Pigneau de Béhaine) gặp chúa Định vương Nguyễn Phúc Thuần vào năm 1776, sau khi chúa và quần thần phải rời bỏ kinh đô Phú Xuân (Huế) chạy vào Nam dưới sức ép của cả nhà Tây Sơn lẫn quân Trịnh. Năm 1777, Định vương, lúc này đã là Thái Thượng vương, bị nhà Tây Sơn sát hại tại Long Xuyên (bây giờ là khu vực Bạc Liêu – Cà Mau), một trong những người thuộc dòng họ các chúa Nguyễn còn lại lúc ấy là Nguyễn Ánh, cháu gọi Nguyễn Phúc Thuần là chú. Mối quan hệ giữa Nguyễn Ánh với Bá Đa Lộc bắt đầu từ đó. Tháng 10.1777, trước sự truy sát ráo riết của quân Tây Sơn, Nguyễn Ánh được Bá Đa Lộc đưa đi trốn lánh trong rừng, rồi sau đó chạy ra đảo Thổ Châu (Poulo Panjang).

Trả lại vai trò thật sự của giám mục Bá Đa Lộc đối với nhà Nguyễn
Giám mục Bá Đa Lộc. (Tranh: Maupérin, Paris Foreign Missions Society, Wikipedia, Public Domain)

Những năm đầu thập niên 1780, trước thế mạnh của quân Tây Sơn, Nguyễn Ánh phải ẩn lánh nhiều nơi và cuối cùng quyết định nhờ Bá Đa Lộc đưa con là hoàng tử Cảnh làm con tin đi sang Pháp đề nghị triều đình Pháp viện trợ người và vũ khí để lật ngược tình thế. Trên đường đi, Bá Đa Lộc ghé lại Pondichéry, thuộc địa của Pháp tại Ấn Độ, và từ đó đến thủ đô Paris của Pháp vào những tháng cuối năm 1787. Ngày 28.11.1787, một hiệp ước hỗ tương được ký giữa Giám mục Bá Đa Lộc, đại diện chúa Nguyễn Ánh, và bá tước De Montmorin, Thượng thư Bộ Ngoại giao, đại diện Pháp hoàng Louis XVI, với hai điều khoản cốt yếu sau:

  • Pháp giúp Nguyễn Ánh 4 tàu chiến và 1.650 quân.
  • Nguyễn Ánh chịu nhượng cho Pháp quyền sử dụng đảo Côn Nôn và hòn đảo hình thành cửa bể Tourane (Đà Nẵng).

Hiệp ước Versailles là một quyết định của Nguyễn Ánh, lợi hay hại, đúng hay sai và ở mức độ nào, là chuyện phải bàn nhiều, song cần khẳng định ngay để đính chính một nhầm lẫn khá phổ biến, đó là hiệp ước này đã chết từ trong trứng nước! Theo kế hoạch thực hiện do triều đình Pháp vạch ra, người chịu trách nhiệm phối hợp thi hành với phía Việt là bá tước de Conway, Thiếu tướng Tư lệnh quân đội Pháp tại Pondichéry (Ấn Độ). Ngay những ngày cuối năm 1787, Bá Đa Lộc xuống tàu đi Pondichéry, nhưng tất cả những gì diễn ra trong cuộc gặp gỡ giữa ông và de Conway là một thất vọng não nề. Trước tiên, de Conway viện nhiều lý do để không thi hành hiệp ước, lời qua tiếng lại, rồi thư đi thư lại hàng chục lá, lời lẽ từ nhã nhặn đến gay gắt rồi không nề hà chuyện xúc phạm nhau (những lá thư đó được đăng gần đầy đủ trong tác phẩm La Geste Française en Indochine của Georges Taboulet – Paris 1955). Không phải là de Conway dám cưỡng lệnh thượng cấp ở Paris, mà trên thực tế, công khố Pháp lúc ấy đã đến hồi khánh kiệt, triều đình Pháp mặc nhiên cho phép ông ta tùy nghi hành xử. Như vậy là không có một điều khoản nào của hiệp ước Versailles được thi hành cả.

Lễ tang giám mục Bá Đa Lộc tại Sài Gòn năm 1799
Tượng đài Bá Đa Lộc nắm tay Hoàng tử Cảnh tại Sài Gòn, vào khoảng năm 1900, gần Nhà thờ Đức Bà. (Ảnh: Wikipedia, Public Domain)

Hiệp ước bất khả thi, Bá Đa Lộc cảm thấy bẽ mặt vì không hoàn thành được sứ mạng do Nguyễn Ánh giao phó. Để vớt vát thể diện, ông ta lưu lại Pondichéry trong hơn một năm để quyên góp tiền, mua tàu và chiêu mộ nhiều người Pháp không còn ràng buộc trong quân đội hay chính quyền Pháp nữa. Họ chỉ gồm khoảng một, hai chục người, trong đó, số người được sách vở và các tài liệu thường xuyên nhắc đến không quá 10 người. Đó là: Philippe Vannier (sau có tên Việt là Nguyễn Văn Chấn), Olivier de Puymanel, Dayot, De Forçant, Laurent de Barisy… Riêng Puymanel, người Việt gọi là ông Tín, nguyên là Đại tá công binh, đã đảm trách việc xây thành Sài Gòn năm 1790, và là người đầu tiên áp dụng mô hình kiến trúc Vauban nổi tiếng của châu Âu vào việc xây dựng thành quách Việt Nam tại nhiều nơi. Về phần J.B. Chaigneau (Nguyễn Văn Thắng), mãi đến năm 1793, ông ta mới tới Đại Việt, không tới một lượt với những người trên như nhiểu tác giả lầm tưởng, kể cả Quốc sử quán triều Nguyễn về sau.

Như vậy, thời gian từ lúc Bá Đa Lộc và phái bộ rời Paris (cuối năm 1787) đến khi về đến Đại Việt (tháng 7.1789) là hơn một năm rưởi.

* *
*

Phái bộ Bá Đa Lộc và Hoàng tử Cảnh về đến Gia Định tháng 7.1789, sau khi Gia Định đã trở về tay quân nhà Nguyễn. Mấy năm tiếp theo đó là những bất đồng khá sâu sắc giữa ông ta và chúa Nguyễn Ánh về ít nhất hai vấn đề: việc quỳ lạy và cúng phẩm vật cho tổ tiên theo phong tục của người Việt, và sự chần chừ của Nguyễn Ánh trong việc đánh thẳng vào dinh lũy của nhà Tây Sơn tại Qui Nhơn. Từ năm 1793, khi hoàng tử Cảnh được phong làm Đông cung Thái tử với một nhóm thầy học là những đại thần bậc nhất như Ngô Tùng Châu, Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định, Bá Đa Lộc cũng được tháp tùng Cảnh trong cương vị trấn thủ thành Sài Gòn và Diên Khánh, song vai trò “sư phó” của ông ta đã không còn như trước. Thậm chí, những năm sau đó, mối quan hệ giữa ông ta và nhiều đại thần của chúa Nguyễn ngày càng tồi tệ, nhiều lần Bá Đa Lộc viết thư cho các giáo sĩ khác bày tỏ sự chán ngán và mong muốn quay về Pháp.

Trả lại vai trò thật sự của giám mục Bá Đa Lộc đối với nhà Nguyễn
Ngôi nhà ở của Bá Đa Lộc do chúa Nguyễn Ánh cho xây cất. (Ảnh: Bùi Thụy Đào Nguyên, Wikipedia, CC BY-SA 3.0)

Ngày 9.10.1799, trong lúc đi theo Đông cung Cảnh tấn công Qui Nhơn, Bá Đa Lộc lâm bệnh nặng và mất tại cửa Thị Nại, thọ 58 tuổi. Nghĩ đến những khó nhọc mà vị giám mục đã trải qua cho sự nghiệp phục hồi cơ nghiệp nhà Nguyễn, ngay khi được hung tín, chúa Nguyễn cho gửi ngay ra Thị Nại một chiếc quan tài lộng lẫy cùng vải lụa để khâm liệm.

Ngày 10.10, quan tài được đưa xuống một chiếc tàu lớn và về đến Gia Định. Ngày 16.10, được quàn trong ngôi nhà mà chúa Nguyễn Ánh đã cho xây dựng làm chỗ ở cho Bá Đa Lộc ngay khi ông mới về nước (ngôi nhà này nay vẫn còn, là nhà nguyện trong khuôn viên tòa Tổng Giám mục Sài Gòn, nằm trên đường Nguyễn Đình Chiểu).

Đông cung Cảnh được chúa Nguyễn Ánh chỉ định chủ trì lễ tang trong thời gian chúa còn bận các cuộc hành quân. Ông cho cất ngay phía trước ngôi nhà quàn một nhà lợp tranh thật rộng, tại đó, hàng ngày ông tiếp các quan lại lương cũng như giáo đến viếng người đã khuất.

Mãi đến ngày 16.12.1799, chúa Nguyễn Ánh mới từ Qui Nhơn vào đến Sài Gòn để tự mình chủ trì lễ tang Giám mục Bá Đa Lộc. Đó cũng là ngày an táng vị giám mục. Quan tài được phủ một tấm vải hoa lộng lẫy, đặt vào một khung có hai bậc, mỗi bậc gắn 25 ngọn nến cháy sáng rực. Tất cả được đặt lên một chiếc cáng dài hơn 6 mét do 80 người khiêng. Một chiếc tán thêu chữ vàng che phủ cáng. Đi đầu đoàn đưa tang là một chiếc thánh giá to, theo sau là 6 chiếc bàn chạm trỗ tinh vi, mỗi chiếc có 4 người khiêng. Chiếc bàn thứ nhất có bốn chữ vàng, chiếc thứ hai lộng hình thánh Saint-Paul, chiếc thứ ba lộng hình thánh Saint-Pierre, chiếc thứ tư lộng hình thần bổn mệnh, chiếc thứ năm lộng hình Thánh nữ đồng trinh, kế đó là một lá cờ vải dài chừng 4,5 mét, trên thêu các chữ vàng là tước hiệu mà hoàng đế Pháp và chúa Nguyễn tặng cho Bá Đa Lộc. Tước ông được chúa ban tặng là Thái tử Thái phó Bi Nhu Quận công (Bi Nhu là âm từ tên Pigneau của Bá Đa Lộc). Trên chiếc bàn thứ 6 đi ngay trước quan tài là cây quyền trượng và chiếc mũ lễ giám mục, theo sau là các thanh niên theo đạo Cơ Đốc.

Theo thư của giáo sĩ Lelabousse gửi về Chủng viện Hội truyền giáo hải ngoại ngày 24.4.1800, toàn bộ đội thị vệ của nhà vua, không kể của Đông cung Cảnh, gồm 12 ngàn người đểu tham dự lễ tang. Họ đều được vũ trang, xếp thành hai hàng, đi đầu là những dàn súng đại bác, 120 con voi có nài và lính bảo vệ đi theo. Trống, kèn của người miền Nam và người Cambodge, pháo bông, đều có đủ. Ít nhất 40 ngàn người, cả lương lẫn giáo, xếp hàng theo sau đoàn người đưa tang. Chúa Nguyễn Ánh cùng quan lại các cấp, bà Quốc mẫu, chị của chúa, bà chánh phi và các bà phi của chúa, các con của chúa… cùng tham dự tang lễ, cùng đi đến nơi an táng Bá Đa Lộc nằm cách trung tâm Sài Gòn 5 cây số. Đám tang khởi hành lúc trời còn tối mịt, người ta thắp sáng 200 chiếc đèn lồng kiểu dáng khác nhau, hợp cùng ánh đuốc và đèn nến soi sáng cả một vùng trời.

Trong phần cuối tang lễ, chúa Nguyễn Ánh đích thân đọc một bài điếu văn dài ca ngợi công lao của Giám mục Bá Đa Lộc. Thư của giáo sĩ Lelabousse kể rằng sau khi bài điếu văn được đọc xong, nước mắt ràn rụa trên gương mặt của chúa. Buổi lễ cúng người đã khuất được chuẩn bị với bò, heo, dê, rượu vang, nhiều đến nỗi các giáo sĩ tham dự cũng phải ngạc nhiên, song họ biết rằng chúa Nguyễn Ánh phải làm thế cho xứng với người đã từng nhiều năm gian khổ vì ông.

Về phần mình, trong tuần cúng tế tiếp theo, Đông cung Cảnh cũng có một bài văn tế thầy học khá thống thiết, sau được tờ Nam Phong Tạp Chí in trên một số báo năm 1917. Giữa mùa Thu năm Canh Thân 1800, người ta dựng lên tại mộ phần Bá Đa Lộc một văn bia ghi tóm lược công lao đóng góp của ông trong hơn 20 năm.

Lễ tang giám mục Bá Đa Lộc tại Sài Gòn năm 1799
Mộ phần Giám mục Bá Đa Lộc, tục gọi Lăng Cha Cả. (Ảnh: John Thomson, Wellcome Library, CC BY 4.0, Manhhai, Flickr)

Hàng trăm năm sau đó, ngôi mộ của giám mục nằm trong một khu vực u tịch, được người dân đương thời gọi là Lăng Cha Cả. Nhiều năm sau, người ta chôn tiếp trong ngôi nhà mồ tráng lệ này các giáo sĩ đã từng theo giám mục nhiều năm.

Ngày 2.3.1983, trên đường đi làm buổi sáng, người viết bài này chợt nhìn thấy rất đông người tụ tập tại Lăng Cha Cả, tò mò ghé lại, thấy có cả mấy người Pháp, sau mới biết đó là các viên chức của Lãnh sự quán Pháp chứng kiến việc bốc hài cốt Bá Đa Lộc cùng các giáo sĩ an táng chung tại đó.

Ngày hôm ấy, người ta chỉ lấy hài cốt các giáo sĩ chôn chung. Qua ngày hôm sau, ghé lại thì nhìn thấy khoảng chục thanh niên lực lưỡng cầm búa tài xồi chuẩn bị đập phá ngôi mộ của Bá Đa Lộc làm bằng ô dước, một chất liệu vô cùng cứng chắc thời đó.

Buổi chiều, trên đường đi làm về, ghé lại xem thì được biết hàng chục chiếc búa tài xồi vẫn không phá nổi toàn bộ núm mộ, chỉ phá được khoảng 3-4 tấc phía trước, đủ để lấy hài cốt ra, phần lớn núm mộ còn lại bỏ đó. Tò mò hỏi, được biết người ta chỉ thấy có một cây thánh giá lớn, không có đồ vật quý giá gì chôn chung trong ngôi mộ. Sau đó, di cốt Bá Đa Lộc được mang về Pháp, chôn trong nhà thờ chủng viện Hội truyền giáo hải ngoại ở Paris.

Vị trí Lăng Cha Cả ngày trước nay đã trở thành giao điểm các con đường Hoàng Văn Thụ, Lê Văn Sỹ, Trường Sơn và Cộng Hòa thuộc quận Tân Bình, hình ảnh một di tích đáng nhớ phai nhạt dần trong ký ức của người Sài Gòn xưa.

Lê Nguyễn
22.12.2018

Đăng lại dưới sự cho phép của tác giả

Xem thêm cùng tác giả: