Kẻ Mọc là vùng đất ở phía tây nam thành Đại La xưa, nằm bên bờ nam sông Tô Lịch, gồm 5 ngôi làng là Giáp Nhất, Quan Nhân, Chính Kinh, Cự Lộc và Phùng Khoang. Vùng đất này nay là phường Nhân Chính (quận Thanh Xuân) và phường Trung Văn (quận Nam Từ Liêm).

Theo “Quốc sử tạp lục” thì các làng nơi đây đều có cây mọc như rừng, nên từ cổ xưa nơi đây có tên gọi là Kẻ Mọc, sau này đọc theo Nôm là Mộc Cự, sau đó đổi tên là Nhân Mục. Vùng đất này đã chứng kiến trận thắng của nghĩa quân Lam Sơn khi tiến ra bắc đánh quân Minh vào năm 1426.

Nơi diễn ra trận đánh chống quân Minh

Theo ghi chép lại, ngày 20 tháng 9 năm 1426, tướng quân Minh là Trần Trí đưa quân tiến đánh nghĩa quân Lam Sơn ở Kẻ Mọc. Nghĩa quân rút vào các làng, đợi quân Minh qua cầu rồi mới bất ngờ xông ra đánh khiến quân Minh thảm bại. Số quân Minh may mắn chưa qua cầu thì chạy thoát.

Đến tháng 10 năm 1426, Tổng binh Vương Thông đưa thêm 5 vạn quân từ trong nước đến, hợp với 5 vạn quân ở Giao Chỉ tất cả là 10 vạn quân. Vương Thông lên kế hoạch chia quân làm 3 đạo tấn công nghĩa quân Lam Sơn.

Một cánh quân Minh theo cầu Nhân Mục ở Kẻ Mọc (nay là cầu Mọc) tiến ra Thanh Oai. Khi quân Minh bị thất bại thảm hại, có một cánh phải rút lui về qua cầu Nhân Mục. Đội dân binh Kẻ Mọc chặn không cho quân Minh qua cầu, khiến quân Minh tử trận rất nhiều. Chủ tướng Mã Kỳ liều mạng cưỡi ngựa chạy thoát vào thành Đông Kinh.

“Lắm quan Kẻ Mọc”

Kẻ Mọc có nhiều người nhờ buôn bán mà giàu có, vì thế mà có câu “Tiền Kẻ Mọc, thóc Mễ Trì”. Nơi đây cũng có nhiều người đỗ đạt làm quan, vì thế mà có câu: “Lắm lúa Kẻ Giàn, lắm quan Kẻ Mọc”.

Trước cửa đình làng Chính Kinh ở Kẻ Mọc là gò đất như nghiên mực, cạnh đấy là ao bút, nhiều người cho rằng nhờ thế phong thủy này mà làng có nhiều người đỗ đạt. Làng có 1 tiến sĩ và 8 cử nhân ngạch văn, 4 cử nhân ngạch võ.

Làng Chính Kinh còn có Nguyễn Khắc Uẩn được phong tước Thái bảo, Đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng quân, Thượng trụ quốc. Con thứ của ông là Nguyễn Khắc Trung sang làng Giáp Nhất (Lý Thôn) thi đỗ khoa thi năm 1583. Con trai ông là Nguyễn Tuấn học giỏi và thi đỗ làm quan cho Triều đình. Ngoài ra còn nhiều người đỗ đạt nữa như cha con Lê Đình Cử, Lê Đình Đại.

Kẻ Mọc xũng là nơi xuất sinh nhiều danh sỹ như Đặng Trần Côn là tác giả của “Chinh phụ ngâm” bất hủ, nhà văn Lê Đình Dao với tác phẩm “Nhân trai văn tập” khá nổi tiếng đầu thế kỷ 19, họa sĩ kiêm thi sĩ Lê Thúc Hoạch với nhiều bức tranh kèm với bài thơ mô tả cuộc sống của nông dân. Các nhà văn nổi tiếng thế kỷ 20 như Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Tuân, Lê Tràng Kiều đều ở Kẻ Mọc.

Nét đẹp văn hóa

hoi moc 2
Hội Mọc. (Ảnh: Cổng thông tin điện tử Thành phố Hà Nội, Hanoi.gov.vn)

Kẻ Mọc có nhiều công trình cổ xưa như Đình Giáp Nhất là nơi thờ Phùng Luông – người đi theo Phùng Hưng đánh quân Đường, mang lại độc lập cho dân tộc.

Đình Quan Nhân thờ Trung Nghĩa Đại Vương là Hùng Lãng Công có công đánh giặc Nam Chiếu, và phu nhân là Trương Mỵ Nương, vốn là người con gái của làng.

Làng Chính Kinh và Cự Lộc có chung ngôi đền thờ Lã Đại Liệu – đây là vị tướng quân phò giúp Ngô Quyền. Khi Kiều Công Tiễn giết Dương Đình Nghệ ở thành Đại La (tức Thăng Long sau này) nhằm cướp ngôi. Ngô Quyền ở Ái Châu (Thanh Hóa ngày nay) nghe tin dữ liền tiến quân ra thành Đại La. Lã Đại Liệu đóng quân ở làng Chính Kinh chờ đón Ngô Quyền rồi theo cùng tiến đến thành Đại La diệt Kiều Công Tiễn. Sau đó ông lại theo Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng. Hàng năm dân làng Chính Kinh và Cự Lộc đều tế lễ ông vào ngày 12 tháng Giêng và ngày 18 tháng 10.

Kẻ Mọc có phiên chợ một năm chỉ họp một lần vào ngày 27 tháng Chạp. Thời nhà Lý, cứ sau ngày 23 tháng Chạp hàng năm, các chợ trong Kinh thành đóng cửa khiến hàng hóa ở Kẻ Mọc và quanh vùng không thể đưa vào Kinh thành bán được. Vì thế Đoàn Thượng đã cho mở chợ ở Kẻ Mọc vào ngày 27 tháng Chạp để dân chúng bán hết hàng cuối năm, yên tâm đón tết. Đây cũng là dịp để những ai thấy còn thiếu gì thì đến mua sắm ở phiên chợ cuối năm.

hoi moc 1
Lễ hội của 5 làng ở kẻ Mọc. (Ảnh: Cổng thông tin điện tử Thành phố Hà Nội, Hanoi.gov.vn)

Hội Mọc có từ lâu đời, diễn ra vào tháng 2, được lưu lại vào ca dao:

Làng Mọc mở hội tháng hai
Rước hôm mười một, mười hai rõ ràng
Nào là hương án long đình
Phường bồng, phường trống rập rình theo sau…

Hội Mọc là lễ hội lớn nhất ở Kẻ Mọc, 5 năm tổ chức một lần, mỗi lần tổ chức thì chọn 1 làng đăng cai tổ chức. Mỗi lần tổ chức Hội Mọc là lại mời 2 làng khác tham gia, là làng Hoà Mục (làng kết chạ với làng Giáp Nhất) và làng Triều Khúc (tức Kẻ Đơ) vốn có quan hệ tốt với làng Phùng Khoang.

Lễ hội được tổ chức với trò chơi dân gian, lễ rước Thành Hoàng du xuân, cầu cho quốc thái dân an. Lễ hội diễn ra tại đình của các làng.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: