Lịch sử văn hóa vùng đất Kẻ Noi
- Trần Hưng
- •
Cổ Nhuế ngày nay là một phường ở Hà Nội, nhưng ít ai biết rằng cách đây 2.000 năm nơi đây là vùng sình lầy lội, nhiều “ngòi nước” gọi là “noi nước”. Những người Việt cổ đầu tiên đã đến nơi đây sinh sống bằng nghề trồng lúa mước và bắt cá, dân chúng đông lên và nơi đây được gọi là Kẻ Noi. Đến thời Bắc thuộc, từ Kẻ Noi được Hán hóa đọc thành Cổ Nhuế.
Đông Chinh vương
Thời vua Lý Thái Tổ, Hoàng tử Lý Lực được phong Vương, gọi là Đông Chinh vương, lập nhiều công lao đánh Tống giúp ổn định vùng biên giới.
Một lần Đông Chinh vương nhận lệnh Vua cha đi đánh dẹp quân Tống ở Lạng Sơn, khi qua Kẻ Noi, người dân đến tiễn rất đông, nói rằng sau này nếu như Vương có mất thì xin được thờ.
Sau này trước khi mất, Đông Chinh vương có dặn em gái xây giúp dân Kẻ Noi một ngôi đình. Bà nghe theo cấp đất và xây một ngôi đình rất lớn, từ đó dân chúng chuyển đến nơi đây sinh sống và trở nên đông đúc. Ngôi đình này dân chúng thờ Đông Chinh vương và tôn làm Thành Hoàng.
Công chúa em gái của Đông Chinh vương cũng cấp cho Kẻ Noi số ruộng đất lên dến 1.600 mẫu, đồng thời cho phép dân Kẻ Noi không phải đóng thuế trong suốt Triều đại nhà Lý.
Công chúa Túc Trinh
Đến thời nhà Trần, đại quân Nguyên Mông sang xâm lược Đại Việt, nhà Trần chủ trương “vườn không nhà trống” không để quân Nguyên cướp lương thực, dân chúng cũng lánh nạn. Sau khi chiến thắng, nhiều nơi đất bị bỏ hoang, vua Trần Thánh Tông xuống chiếu kêu gọi Vương Hầu cùng các quan lại tập hợp dân chúng khai khẩn đất hoang.
Con gái thứ 4 của nhà Vua là Công chúa Túc Trinh đến vùng đất cổ Kẻ Noi, tận dụng số đất hoang lập thành trang trại gọi là Cổ Nhuế viên, cấp vốn cho dân chúng dựng nhà lập xóm, biến cánh đồng hoang thành ruộng lúa trù phú.
Công chúa Túc Trinh cũng không lấy chồng mà chọn đi tu, lại cho xây dựng chùa Anh Linh ở thôn Viên và chùa Thánh Quang ở thôn Yên Nội. Sau khi Công chúa Túc Trinh mất, dân chúng nhớ ơn lập miếu thờ bà, trong miếu vẫn còn bài ca nôm, diễn thơ như sau:
Chúa phụng chiếu khai hoang lập ấp
Mộ nhân dân chiêu tập thành gia
Thổ điền quân cấp mỗi nhà
Đội công ơn chúa biết là đến đâu…
Quan Thái y Nguyễn Hữu Đạo
Kẻ Noi có nhà thờ được dựng bằng 36 cột gỗ dâu đen. Tương truyền thời vua Lê Hiển Tông có quan thái y là Nguyễn Hữu Đạo làm quan ở Thái y viện (cơ quan chuyên chữa bệnh cho hoàng tộc trong cung), từng chữa khỏi bệnh cho nhiều người trong đó có cả Hoàng hậu. Ông từng theo quân ra trận. chữa bệnh cho binh lính.
Dù tài giỏi nhưng Nguyễn Hữu Đạo sống rất liêm khiết. Khi ông nghỉ hưu thì nhà Vua có đến thăm và thấy gia cảnh của ông rất nghèo, nhà cửa xơ xác. Khi hỏi vì sao chữa bệnh cho nhiều người mà sao vẫn nghèo thế thì được biết Nguyễn Hữu Đạo xưa nay chữa bệnh vốn không lấy tiền, nhất là của dân, cả đến khi nghỉ hưu vẫn vậy.
Thấy thế vua Lê Hiển Tông quyết định xây ngay cho Nguyễn Hữu Đạo một ngôi nhà, sau khi làm nhà xong Vua tặng cho ông một bài thơ, bài thơ này hiện nay vẫn còn được lưu giữ trong nhà thờ ông.
Lưu giữ bản sắc văn hóa
Ngày nay Kẻ Noi vẫn còn lưu giữ được nhiều đền chùa như chùa Sùng Quang ở thôn Đống 2, tương truyền là do con vua Lý Thái Tổ là Công chúa Minh Hiền góp tiền xây nên, trong chùa có giếng cổ bằng đá được xây năm 1748.
Chùa Anh Linh (hay chùa Viên) ở thôn Viên 10 có chuông được đúc bằng đồng đen năm 1871 thời vua Tự Đức, trong chùa vẫn còn bài vị của Đông Chinh vương.
Chùa Trùng Hưng ở thôn Hoàng 2. Ngoài ra còn có các nhà thờ họ cùng các tấm bia đá ghi lại lịch sử vùng đất Kẻ Noi.
Ngày 10/2 là ngày Đông Chinh vương chiến thắng khải hoàn trở về và nhận thụ phong. Sau khi Đông Chinh vương mất, cứ vào ngày này hàng năm là Kẻ Noi lại mở hội. Mở đầu lễ hộ là chiếng trống, tiến chiêng dồn dập của đội múa sư tử, rồi kiệu Thánh, rước giá văn, rước Phật đình, rước phướn. Cùng với lễ hội là chương trình văn nghệ, chơi cờ tướng, chọi gà… rất nô nức.
Ngoài ra Kẻ Noi vẫn duy trì được lễ tế Thành Hoàng vào ngày 10 tháng 10 âm lịch hàng năm, Lễ cúng thực (Công chúa Túc Trinh) vào ngày 1 tháng 8 cùng lễ Mộc Dục.
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa làng quê Việt