Lịch sử làng Kẻ Đáy và Kẻ Giàn ở Hà Nội
- Trần Hưng
- •
Kẻ Đáy và Kẻ Giàn là 2 ngôi làng cổ ở Hà Nội. Ngày nay cả hai ngôi làng này đều thuộc phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Làng Kẻ Đáy
Làng Hòa Mục xưa kia có tên là Kẻ Đáy, đây ngôi làng chứng kiến rất nhiều dấu ấn lịch sử của dân tộc từ thời Hai Bà Trưng.
Năm 43 SCN, Mã Viện đưa quân tiến đánh Lĩnh Nam. 2 nữ tướng Lĩnh Nam đã hy sinh tại nơi đây và được dân chúng lập miếu thờ gọi là miếu Hai Cô. Miếu này hiện nay vẫn còn, trong miếu có tấm bia đá ghi lại việc trùng tu miếu.
Năm 713, Mai Thúc Loan đánh đuổi quân Đường, lên ngôi Vua, hiệu là Mai Hắc Đế. Hoàng hậu Phạm Thị Uyển có 2 em trai là Phạm Miện và Phạm Huy. Một lần hai ông du ngoạn đến Kẻ Đáy thì thấy nơi đây thấy phong cảnh rất đẹp lại ở gần sông Tô Lịch thì liền dựng hành cung, đưa thêm dân đến nơi đây định cư, làm ruộng. Chẳng bao lâu thì hai ông mất, dân làng lập đền thờ.
Sau này nhà Đường cho 30 vạn quân tiến đánh An Nam, quân Đường vượt qua các phòng tuyến trên sông Hồng tiến vào thành Tống Bình (tức thành Thăng Long sau này). Tương truyền Hoàng hậu Phạm Thị Uyển chỉ huy một cánh quân mai phục quân Đường bên bờ sông Tô Lịch. Do quân địch quá đông, quân An Nam rơi vào thế cùng, Hoàng hậu quyết không để sa vào tay giặc đã nhảy xuống sông Tô Lịch.
Xác của Hoàng hậu Phạm Thị Uyển trôi đến Kẻ Đáy thì được người dân vớt lên chôn cất rồi lập đền thờ phụng, tôn là Đại Ả Nương thờ chung cùng 2 người em trai. Ngôi đền sau này được đặt tên là đền Dục Anh.
Đến thời nhà Lỳ thì làng Kẻ Đáy được gọi là Trang Nhân Mục. Tương truyền thủ lĩnh nghĩa quân Lam Sơn là Lê Lợi đã đến đền Dục Anh thắp hương xin tiền nhân giúp đỡ nghĩa quân đánh quân Minh. Sau khi đánh đuổi xong quân Minh, Lê Lợi quay trở lại đền Dục Anh cảm tạ ân đức của các bậc tiền nhân và ban 3 sắc phong cho ngôi Đền này, đến nay 3 sắc phong này vẫn còn được giữ nguyên vẹn.
Đến thời nhà Lê năm 1506, ở Nhân Mục Môn (làng Quan Nhân) có người con gái xinh đẹp là Trịnh Thị Tùng được tuyển vào cung làm vợ của vua Lê Uy Mục. Nhưng Lê Uy Mục không lo việc triều chính, suốt ngày chỉ biết uống rượu tiêu khiển. Tương Dực được nhiều người ủng hộ khởi binh tiến vào Kinh thành bắt Lê Uy Mục. Trịnh Thị Tùng sợ hãi trốn đi, nhưng bị truy đuổi nên thắt cổ tự tự. Quân của Tương Dực truy tìm đến tận quê bà ở Nhân Mục Môn. Dân chúng không biết nhưng bị ép phải khai nên chỉ đại sang Trang Nhân Mục ở bên cạnh. Binh lính kéo đến Trang Nhân Mục nhưng tìm không thấy người, truy bức dân làng, cuối cùng thảm sát cả làng, chỉ còn vài người sống sót bỏ đi biệt xứ.
Vua biết chuyện đã minh oan cho làng, lại cho cắt 16 mẫu đất từ Nhân Mục Môn chuyển thành đất của Trang Nhân Mục. Dân làng còn sống sót rủ nhau trở về, đổi tên làng thành Nhân Mục Tàn để ghi nhớ sự kiện thảm sát này. Sau này thấy tên gọi tang thương quá, dân làng lại đổi tên thành Hòa Mục.
Làng Kẻ Giàn
Dân gian vẫn truyền tụng câu “Lắm lúa Kẻ Giàn, lắm quan Kẻ Mọc”. Kẻ Giàn còn có tên là làng Trung Kính Hạ, từng là làng thuần nông cung cấp lúa gạo cho cả nước.
Đây là ngôi làng cổ, xưa có tên là Kính Chủ. Theo ghi chép từ thần phả thì vào thời vua Hùng Duệ Vương, Kính Chủ là một Trang rất đẹp, dân cư đông đúc.
Các đời Vua Hùng 17 và 18, phía tây thường có giặc, có ông Hùng Nộn thuộc dòng dõi Vua được phong làm Chủ trưởng Ô Châu đã đem quân đóng ở Kính Chủ để chặn giặc.
Hùng Nộn lấy người con gái ở Kính Chủ là Nguyễn Thị Cẩn làm vợ. Ông lập dinh tại Kính Chủ, cai quản rất tốt, dân đến nơi đây sinh sống rất đông, dần dần tách ra thành một làng riêng gọi là Kẻ Giàn hay Trung Kính Hạ.
Theo suốt chiều dài lịch sử, người Kẻ Giàn làm nông rất giỏi, năng suất lúa thường cao nhất. Không chỉ làm lúa giỏi, làng còn có nghề làm hương sạ nức tiếng tiếng gần xa.
Hỡi cô thắt cái bao xanh
Có về Trung Kính với anh thì về
Trung Kính có quán có quê
Có sông Tô lịch, có nghề làm hương.
Hiện tại giữa làng vẫn còn ngôi đền thờ tổ nghề, hàng năm những người hành nghề đều đến đây làm lễ tưởng nhớ tổ nghề.
Làng có chùa Báo Ân không rõ dựng từ bao giờ, trong chùa hiện có quả chuông đúc từ năm 1392 ghi tên những người đúc chuông, trong đó có tên của các vương phi và quận chúa.
Làng cũng có văn chỉ, nhưng người làng chủ yếu làm nông nên lịch sử không có ai đỗ đạt khoa bảng. Vào ngày đinh tháng 2 và tháng 8 hàng năm, hội Tư Văn của làng vẫn theo truyền thống đến tễ lế các vị tiên hiền, thể hiện truyền thống trọng đạo.
Trần Hưng
Xem thêm:
- Phạm Trọng Yêm: Thà lên tiếng mà chết chứ không im lặng mà sống
- Chuyện cụ Tả Ao tìm huyệt quý cho họ Đàm Thận làng Me
Mời xem video:
Từ khóa làng Việt