Lý Bạch tự là Thái Bạch, hiệu là Thanh Liên Cư sĩ, là một thi nhân nổi tiếng thời Đường, được mệnh danh là “Thi Tiên” (Tiên Thơ). Nhắc đến Lý Bạch, người người đều biết. Mọi người ngưỡng vọng thành tựu nghệ thuật huy hoàng mà ông đạt được, lại càng kính phục hào khí toát ra từ con người ông.

Ngay từ thuở nhỏ Lý Bạch đã đọc những cuốn sách kinh điển, ái mộ Đạo, trượng nghĩa khinh tài, khâm phục những người có tiết tháo và thường giúp đỡ mọi người xung quanh.

Ông viết:

Thập ngũ du thần tiên,
Tiên du vị tằng tiết.

Tạm dịch:

Tuổi 15 du ngoạn cảnh thần tiên,
Du ngoạn chốn Tiên chẳng ngơi nghỉ.

Hình ảnh Việt Nam qua thơ Ðường, An Nam Ðô Hộ Phủ
(Tranh minh họa: Public Domain)

Khi Lý Bạch tới thành Trường An, gặp được Hạ Tri Chương, vị học sĩ viện Hàn lâm mà mình ngưỡng vọng, ông đã mang một cuốn thơ ra nhờ cậy: “Đây là bài thơ tại hạ viết gần đây, thỉnh tiên sinh chỉ giáo.”

Hạ Tri Chương đọc xong bài “Thục Đạo Nan”, khen rằng: “Thơ này khí phách hùng vĩ.” Lý Bạch lại nói: “Tại hạ còn bài Ô Thê Khúc.” Hạ Trí Chương vội vàng nói: “Hãy mau đọc cho ta nghe.”

Lý Bạch thong dong ngâm xong bài thơ, hạ Trí Chương rơi nước mắt mà rằng: “Bài thơ quá xúc động! Quả thực là một vị Trích Tiên hạ phàm!” Từ đó về sau hậu thế gọi Lý Bạch là “Trích Tiên” – một vị Tiên thơ bị thiên thượng trách phạt mà phải hạ thế làm người.

Hạ Trí Chương đề bạt Lý Bạch với Đường Huyền Tông. Lý Bạch khi đó uy danh lẫy lừng cả triều đình và dân gian. Bấy giờ quân Phiên muốn xâm lược Cao Lệ, Đường Huyền Tông lệnh cho Lý Bạch viết thư trả lời sứ giả quân Phiên. Lý Bạch đã viết bài thơ “Hách Man Thư” (Thư đe dọa quân man di), khiến quân Phiên quy thuận. Vậy là Lý Bạch được phong làm học sĩ viện Hàn Lâm.

Đường Huyền Tông dần rời xa Đạo, tham thú hưởng lạc, gian thần Lý Lâm Phủ, Dương Quốc Trung hoành hành bá đạo, khiến triều chính ngày càng suy bại. Với tính cách bất khuất của mình, dẫu lo lắng, bất an vì việc quốc sự, Lý Bạch cũng không muốn làm một văn nhân nịnh hót cạnh vua.

Ông đã dùng thơ ca phơi bày sự lộng quyền, thậm chí còn chỉ ra những thiếu sót của Đường Huyền Tông, kêu gọi chính nghĩa nơi triều đình. Ông viết:

Đáp Vương thập nhị hàn dạ độc chước hữu hoài

Quân bất kiến Lý Bắc Hải,
Anh phong hào khí kim hà tại!
Quân bất kiến Bùi thượng thư,
Thổ phần tam xích hao cức cư!
Thiếu niên tảo dục Ngũ Hồ khứ,
Kiến thử di tương chung đỉnh sơ.

Dịch thơ:

Trả lời Vương Thập Nhị đêm lạnh uống rượu một mình nhớ ta

Ông biết chăng Lý nơi Bắc Hải,
Rất anh hùng có mãi còn đâu!
Biết chăng ông thượng họ Bùi
Mộ sâu ba thước dãi dầu cỏ gai!
Tuổi xanh mong tới Ngũ Hồ
Thấy gương để bớt mưu đồ giàu sang.

(Bản dịch của Nguyễn Minh)

Lý Bạch viết bài thơ này khoảng năm 752. Khi đó Đường Huyền Tông đang mê đắm Dương Quý Phi, bỏ bê triều chính, khiến loạn An Sử sắp nổi lên. Vương Thập Nhị là một người bạn của Lý Bạch.

Lý Bạch còn kêu oan, biện giải cho Quách Tử Nghi, vị tướng quân nơi biên thùy, giúp vị tướng này thoát khỏi tội chết. Sau này Quách Tử Nghi đã lập công trên sa trường khi bình định Loạn An Sử, phục hưng vương thất nhà Đường.

Chí nguyện của Lý Bạch chẳng thể thực hiện, ông lại càng không muốn cùng đám gian thần trở thành phường ô hợp, nên đã kiên quyết từ quan. Đường Huyền Tông dẫu không nghe lọt tai những lời can gián của ông, nhưng ái mộ tài hoa của Lý Bạch, nên đã tặng kim bài cho ông.

Lý Bạch du sơn tìm Đạo, và đã làm được rất nhiều việc hữu ích cho bách tính muôn dân nhờ tấm kim bài Hoàng đế ban. Khi đi ngang qua huyện Hoa Âm, nghe nói tri huyện Hoa Âm tham tiền hại dân, ông đã cưỡi lừa xung quanh nha môn 3 vòng. Tri huyện thấy vậy thì nổi trận lôi đình nói: “Lại dám đùa giỡn với bản quan sao”, bèn lệnh cho nha dịch bắt Lý Bạch giải lên công đường tra hỏi.

Lý Bạch lấy tấm kim bài ra, tri huyện phải sợ hãi khấu đầu nhận tội. Lý Bạch nói: “Ngươi hưởng tước lộc của quốc gia, sau lại tham tiền tài mà làm hại người dân? Nếu có thể hối cải, ta sẽ miễn tội làm trái thánh chỉ cho ngươi.” Tri huyện nghe vậy vội vàng tạ ơn. Từ đó gột rửa tâm linh, sau này trở thành một vị quan yêu dân.

Lý Bạch vài lần hành sự như vậy, tri huyện các nơi đều cho rằng triều đình để Lý Bạch ra ngoài, tự mình nghe ngóng dân tình, chỉnh đốn triều chính. Nhờ vậy không ít quan lại thời loạn có thể rũ bỏ lòng tham, bỏ ác hành thiện.

Sau khi loạn An Sử nổ ra, Lý Bạch định đầu quân vào đội quân dẹp phiến loạn của Lý Quang Bật, nhưng vì cảnh chiến loạn mà chí nguyện không thành.

Lý Bạch có tâm cảnh cao khiết, ông luôn theo đuổi vẻ đẹp thanh cao thoát tục và cảnh giới trong sạch không vướng bụi trần ai. Giống như những bài thơ non cao sông rộng, khí thế hào hùng và những cảm ngộ nhân sinh của ông vậy.

Thương tiến tửu

Quân bất kiến:
Hoàng Hà chi thuỷ thiên thượng lai,
Bôn lưu đáo hải bất phục hồi!
Hựu bất kiến:
Cao đường minh kính bi bạch phát,
Triêu như thanh ty, mộ thành tuyết.

Tạm dịch:

Xin mời rượu

Há chẳng thấy:
Nước sông Hoàng từ trời tuôn xuống
Chảy nhanh ra biển, chẳng quay về,
Lại chẳng thấy:
Thềm cao gương soi rầu tóc bạc
Sớm như tơ xanh, chiều tựa tuyết?

(Bản dịch của Hoàng Tạo, Nam Trân)

Hay như bài “Tảo phát Bạch Đế thành”

Lưỡng ngạn viên thanh đề bất trú,
Khinh chu dĩ quá vạn trùng san.

Tạm dịch:

Sáng rời thành Bạch Đế

Hai bờ tiếng vượn véo von,
Thuyền lan đã vượt núi non vạn trùng.

(Bản dịch của Tản Đà)

“Hành lộ nan kỳ 1”

Trường phong phá lãng hôi hữu thì,
Trực quải vân phàm tế thương hải.

Tạm dịch:

Đường đi khó kỳ 1

Có khi nương gió vượt ba đào
Kéo thẳng thuyền mây qua biển cả…

(Bản dịch của Lê Nguyễn Lưu)

Hàng nghìn năm qua, Lý Bạch vẫn luôn là thi nhân được hậu thế ngưỡng vọng. Tâm cảnh cao khiết và khí tiết của ông chính là đạo đối nhân xử thế vô cùng đáng quý của một vị Thi Tiên.

Theo Vision Times tiếng Trung
Tác giả: Trí Chân
Quỳnh Chi biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: