Một biểu tượng ngậm ngùi về giáo dục phổ thông
- Nguyễn Quốc Vương
- •
Thật ra thì chuyện học bạ toàn 10 khi xét đầu vào của một trường chuyên gần đây cũng không có gì ghê gớm. Kể cả giáo viên có nâng đỡ, sửa điểm thì trong số đó cũng có rất nhiều cháu rất giỏi và giỏi thật sự.
Tuy nhiên vấn đề nằm ở chỗ này. Cả nước, cả thủ đô, cả nền giáo dục mà lại chỉ trông chờ vào một nhóm nhỏ học sinh “siêu tinh hoa” và lại dựa trên điểm số các môn giáo khoa thì nguy hiểm và buồn bã thật!
Nền giáo dục phổ thông có sứ mệnh tạo ra các công dân cho đất nước và nền tảng để học sinh đi vào con đường nghề nghiệp kia mà.
Nhưng cách thức vận hành của các trường siêu “hot”, siêu tinh hoa rất tiếc không cho thấy điều đó.
Đi sâu vào nội vụ, sinh hoạt, văn hóa trường học và các giờ học thường ngày của các ngôi trường này mới thấy rất nhiều vấn đề. Tiếc thay những người trong cuộc thường im lặng.
Không giống như nhiều người cho rằng giáo dục đại học của ta mới có vấn đề còn giáo dục phổ thông của ta cơ bản là ổn vì học sinh của ta đi du học nước ngoài vẫn học tốt, thi cử quốc tế thành tích vẫn cao, tiếng Tây bằng cấp vẫn lấy, học bổng vẫn giật.
Xin thưa, đừng lạc quan và sai lầm trong phép chọn ngựa thi đấu như vậy.
Đánh giá giáo dục phổ thông phải dựa vào “trung bình cộng” của nó trên diện rộng quốc gia và sự chuyển biến chất lượng con người của toàn bộ quốc gia qua các thế hệ chứ không thể chỉ lấy một nhóm nhỏ “siêu tinh hoa” ra để đánh giá cho cái chung.
Mặt khác khi so sánh quốc tế thì cách nhìn, cách đánh giá trên lại làm ngược. Ấy là lấy nhóm siêu tinh hoa của Việt Nam để so sánh với nhóm trung bình hay nhóm phổ thông, đại trà của quốc tế.
Sao lại đem những người giỏi nhất, ưu tú nhất của giáo dục ta ra so sánh trong các kì thi mà không so giới khoa học Việt Nam với giới khoa học quốc tế, giới kinh tế Việt Nam với giới doanh nhân quốc tế.
Một ví dụ rất gần mà tôi trải nghiệm, chứng kiến là khi du học ở Nhật rất nhiều người Việt có ý coi thường sinh viên Nhật quanh họ nói tiếng anh kém hoặc là không có gì xuất sắc.
Nhận định trên chứa đựng màu sắc rất sai lầm.
Thứ nhất người Nhật rất “khiêm tốn” và luôn “cố gắng khiêm tốn” (tạm không bàn chuyện khiêm tốn đó có phải giả vờ hay một lần khiêm tốn bằng bốn lần tự kiêu hay không) nên không dễ thấy năng lực của họ nếu như không phải là tình huống thực tế đòi hỏi.
Thứ hai, quan trọng hơn, là sai lầm trong phép chọn ngựa để đấu (xin đọc lại truyện xưa). Những người chê người Nhật nói trên thường là các du sinh xuất sắc nhất hay ít nhất cũng là “tinh hoa” vượt qua nhiều kì thi, là cán bộ-giảng viên của các đại học, viện nghiên cứu của Việt Nam sang du học. Để sang được họ phải học tiếng Anh rất nhiều và tiếng Anh là phao cứu sinh duy nhất khi họ đang sống ở nước ngoài. Trong khi những người họ so sánh chỉ là sinh viên Nhật bình thường ở xung quanh.
Nếu muốn thấy mình hoành tráng cỡ nào thì phải so sánh với các sinh viên xuất sắc của Nhật đã giành học bổng đi du học ở các nước khác như châu Âu, Mĩ thậm chí là ngay cả ở Việt Nam.
Nói vui một chút là nếu bỏ thời gian ra nghe các kênh tiếng Anh của NHK và VOV, VTV của Việt Nam một thời gian và so sánh khả năng nói tiếng Tây của biên tập viên, phát thanh viên hai bên thì những người có nhận định như trên sẽ thấy hối hận.
Quay trở lại giáo dục phổ thông Việt Nam.
Giáo dục phổ thông sẽ không thể khá được khi dựa vào “tinh hoa” như đang thấy. Hơn nữa, ngôi trường mà nhiều người đang đổ xô vào cũng chỉ là một bệ đỡ, một phương tiện để “con em bay cao bay xa”. Ảnh hưởng, hay tác động của các ngôi trường đó với giáo dục và xã hội ở hướng tích cực gần như là không có.
Đấy vừa là một sự lãng phí vừa giống như một biểu tượng ngậm ngùi.
Nguyễn Quốc Vương
Đăng lại từ Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Tham khảo các tác phẩm của tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương tại đây
Xem thêm cùng tác giả, dịch giả:
Từ khóa thực trạng giáo dục Việt Nam Nguyễn Quốc Vương