Một câu chuyện cổ Ấn Độ
- Tracy Trần
- •
Một người bị lạc lối trên sa mạc, đói, khát, và kiệt sức. Một buổi chiều tối, khi hầu như không còn hy vọng về sự sống, ông buông tay chấp nhận bỏ mình trên sa mạc. Sau một cơn ngất lịm, ông tỉnh dậy thấy mình vẫn còn sống và có lại một chút sức lực. Té ra ông may mắn được một người chăn dê mù lòa cứu sống. Ông tỏ lòng cảm kích trước ân nhân, và theo người kia về bản. Trên đường, ông hỏi chuyện:
– Ông ơi, vì sao ông không thể nhìn thấy gì mà vẫn phát hiện ra tôi để cứu?
– À, tôi không nhìn thấy ông nhưng tôi một cái mũi rất thính. Tôi có thể đánh mùi trong gió và biết cái gì đang xảy xung quanh mình.
Người đàn ông chợt nghĩ: “Chà, đúng là ở trong hoàn cảnh nào thì người ta cũng phát triển được những kỹ năng xuất chúng để vượt qua nó thật”.
Khi về tới bản làng của người chăn dê, một cộng đồng nhỏ nằm biệt lập giữa sa mạc, mà người đàn ông có thể nhìn ra bốn phía, hút tầm mắt vẫn là sa mạc mà không có dấu hiệu gì của sự sống khác. Và một điều ngạc nhiên hơn nữa, là tất cả mọi người trong bản đều mù lòa, từ bé tới lớn, từ trẻ tới già.
Sau những giây phút ban đầu ngạc nhiên và ngưỡng mộ những kỹ năng tuyệt vời mà những người trong bản có được trong các hoạt động hằng ngày của mình, thực hiện mọi thao tác đều dễ dàng như những người sáng mắt, mà không có mấy khó khăn. Người lữ hành cũng bắt đầu nhận ra rằng, những con người này dù sao cũng vẫn là những người mù. Có nhiều thứ, rất nhiều thứ, rồi hầu như mọi thứ trong nhận biết của họ so với hình ảnh thực tế thì quá là khác. Mặt trời đối với họ là những hơi ấm lên da, có lúc ấm áp dễ chịu, có lúc bỏng rát. Hoa cỏ đối với họ, vốn đã hiếm, mà cũng chỉ là những chất liệu mềm mềm trong tự nhiên, có cái ăn được, có cái không. Màu sắc thì hoàn toàn nằm ngoài vùng nhận thức. Còn bao nhiêu là điều mà mỗi người cảm nhận mỗi kiểu, lắm lúc mâu thuẫn mà không thể giải quyết, làm cho người lữ hành không khỏi nghĩ về câu chuyện “thầy bói xem voi”.
Người lữ hành quyết định ở lại để giúp đỡ những người trong bản làng này. Ông chỉ đơn giản nghĩ rằng với tư cách là người sáng mắt, ông sẽ diễn giải cho mọi người biết thực chất mỗi sự vật xung quanh là gì, và làm sao để vận dụng hết các công dụng của chúng.
Nhưng sự việc không dễ dàng như người lữ hành nghĩ. Họ không hiểu những gì ông nói. Họ bắt đầu khó chịu với người khách này vì rõ ràng ông ta đang cố làm thay đổi những trật tự cũ, những quan niệm cũ. Người tức giận nhất là thủ lĩnh trong bản, vì lâu nay chỉ có ông mới có thể dạy bảo sai khiến người khác. Mặc dù người lữ hành giúp ích nhiều trong các hoạt động trong bản, người thủ lĩnh chỉ chờ cơ hội để đuổi ông ta đi.
Một hôm, nhân có người vừa sinh em bé trong bản, người lữ hành chứng kiến một buổi lễ của cộng đồng để đón chào thành viên mới. Buổi lễ được tổ chức long trọng dưới một tán cây già cỗi. Sau vài nghi thức, có người hái một quả từ cái cây già cỗi kia, dâng cho người thủ lĩnh. Quả cây mọng nước, người thủ lĩnh vắt nước quả vào miệng em bé. Mọi người vỗ tay reo hò tán thưởng. Em bé được chính thức làm một thành viên mới.
Người lữ hành chưa từng thấy cái cây và quả này bao giờ, vì nó được che chắn kỹ. Quá tò mò, và với lợi thế của người sáng mắt duy nhất, người lữ hành nán lại sau buổi lễ để hái trộm một quả ăn thử. Không ngờ, sau một vài miếng đầu tiên vào miệng, mắt người lữ hành mờ dần rồi mù hẳn. Sau lúc choáng váng vì bất ngờ, ông hiểu ra mọi chuyện và không kìm được cảm xúc, ông la to:
– Tôi biết rồi, mọi người ơi! Tôi biết rồi! Quả cây này gây mù lòa, mọi người đừng cho em bé tiếp theo ăn nữa!
Tất cả người dân trong bản tập hợp đến, vừa tức giận vừa kinh hãi. Đây là một cái cây được xem như bảo bối lưu truyền của bản, là linh hồn của bản. Đối với tất cả bọn họ, nó là thiêng liêng và là điều bất khả xâm phạm, huống hồ gì là nói một cái gì đó không được tốt đẹp về nó.
Người thủ lĩnh ra lệnh bắt người đàn ông kia, bây giờ cũng đã trở thành một người mù lòa nên không còn lợi thế gì hơn nữa. Sau một hồi đánh đập, họ đưa ông đến một hang núi đá, tống vào đó và chặn cửa hang. Người đàn ông tuyệt vọng, không biết làm sao cơ sự lại xảy đến với mình như thế, vì ông chỉ muốn điều tốt cho họ.
Sau một ngày nằm mệt, ông bắt đầu lần mò trong hang xem có gì ăn được uống được. Ông lần sâu vào trong hang, thấy không khí mát dần, dường như có hơi nước. Mặt dù vẫn chưa có gì ăn nhưng hơi mát làm ông dễ chịu, ông cứ lần theo hướng ấy, bò mãi. Đến ngày hôm sau thì tay ông chạm phải cái gì như cỏ, theo bản năng ông ngắt vài lá cho vào miệng nhai thử. Lá cỏ có vị dễ chịu, ông ăn thêm. Rồi sau một lúc đột nhiên mắt ông như bắt lại được ánh sáng, lúc đầu tờ mờ sau rõ hẳn. Ông vui mừng khôn xiết. Đây chính là thứ có thể giúp mọi người trong bản kia. Nhưng ông kịp trấn tĩnh để không vội vàng, ông biết điều gì sẽ xảy nếu ông chạy ngay về mách bảo. Chẳng những không ai nghe ông, mà ông có thể còn bị đánh đập, thậm chí giết chết và loại cỏ quý này cũng có thể bị tiêu diệt hết nữa. Ông bình tĩnh tìm cách.
Sau vài ngày, không còn cách gì hơn, ông quyết định sẽ bắt cóc những người trong bản, từng người một để nhốt vào hang, cho họ ăn thứ cỏ quý này. Vì ông là người sáng mắt duy nhất ở đây, nên việc này không quá khó khăn. Bắt đầu từ người thủ lĩnh, đến các thuộc hạ của ông, rồi đến các trai trẻ trong bản. Khi những người có thế và lực đã sáng mắt cả, ông mới mở miệng hang cho họ ra. Họ ngỡ ngàng nhìn xung quanh, những thứ mà họ lần đầu nhìn thấy. Từng sự vật một họ nhận ra rằng người lữ hành đã không lừa dối…
Tracy Trần
Tác giả gửi Trí Thức VN
Xem thêm cùng tác giả:
Mời xem video:
Từ khóa chuyện cổ