Một chuyện Hoàng đế tuyển chọn thái tử
- Quang Minh
- •
Thời xưa, thái tử được giáo dục và tuyển chọn như thế nào từ các hoàng tử luôn là điều được cả triều đình coi trọng. Bởi thái tử sẽ là người kế vị, nên không chỉ phải được dưỡng dạy thành một người tài đức mà sau này khi lên ngôi còn phải thành một vị minh quân. Mặc dù địa vị thái tử thường thường là do con trưởng nắm giữ, nhưng cũng không thiếu những trường hợp Hoàng đế phế thái tử này lập thái tử khác, hoặc có nhiều hơn một lựa chọn.
Tống Cao Tông tên húy là Triệu Cấu, là Hoàng đế đầu tiên của nhà Nam Tống. Bấy giờ, nhà Bắc Tống bị quân Kim tiêu diệt, Triệu Cấu trốn thoát, được các đại thần hợp sức tôn làm Hoàng đế. Tuy nhiên do quá trình chạy nạn gian nan, Triệu Cấu mất khả năng có con. Do việc này, từ sớm Cao Tông đã hạ chiếu tuyển 10 đứa trẻ trong tông thất vào cung nuôi dưỡng, phân phát cho các hậu phi dạy dỗ.
Sau đó từ mười trẻ được chọn ban đầu, Cao Tông chọn ra hai trẻ ưu tú nhất là Triệu Viện và Triệu Cứ, mong muốn bồi dưỡng thêm để chọn lấy một làm thái tử.
Cao Tông muốn xem xét tính tình của hai vị công tử, bèn triệu vào gặp. Lúc đó có một con mèo đến ngồi cạnh án. Viện vẫn thản nhiên đứng đó, còn Cứ thì bước tới đá con mèo. Từ đây, Cao Tông cho Cứ là nghiêm khắc khó gánh vác việc lớn. Sau chuyện này Triệu Viện được phong là Phổ An vương.
Lại một lần Cao Tông chép tay hai bản Lan Đình Tự rồi đưa cho hai công tử, yêu cầu mỗi người chép tay 500 bản dâng lên. Mấy ngày sau Triệu Viện chép được 700 bản đem dâng còn Triệu Cứ nói không có thời gian nên không chép lấy một chữ.
Nguyên khi gặp mặt, về tình cảm thì Cao Tông thấy yêu quý Triệu Cứ hơn, nhưng về lý trí thì ông chọn Triệu Viện. Do vậy, sau này Cao Tông lại phong cho Triệu Cứ là Ân Bình vương và do dự chưa tuyên bố ngôi vị thái tử.
Lại một lần khác, Cao Tông ban cho hai vị vương mỗi người 10 cung nữ. Một năm sau ông cho triệu hồi các cung nữ này lại hỏi han. Ông phát hiện ra Phổ An vương đối với các cung nữ vô cùng giữ lễ, còn cung nữ ở phủ Ân Bình vương thì đều đã không còn là trinh nữ. Thế là Cao Tông trong lòng đã quyết định chọn lập Phổ An vương làm người kế vị.
Vì Cao Tông không có con, nên đầu tiên Phổ An Vương được lập làm hoàng tử, qua vài năm lại được lập làm thái tử. Cuối cùng khi chiến sự với nhà Kim chấm dứt, Cao Tông mệt mỏi, nhường ngôi cho thái tử, lịch sử gọi là Tống Hiếu Tông.
Quang Minh biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa đạo trị quốc