Người xưa rất tin vào số mệnh, họ thường nói: “Sống chết có số, phú quý do Trời”. Điều gì trong số mệnh đã được định là có thì nó sẽ đến, còn điều gì không được định sẵn, thì đừng cưỡng cầu, bởi cưỡng cầu mà làm điều xấu thì sẽ bị báo ứng. Trong lịch sử cũng từng ghi lại những câu chuyện đáng suy ngẫm về câu nói này.

Một ghi chép kỳ lạ về quan niệm "phú quý do Trời"
(Tranh: Bích họa tại Hà Bắc, Fanghong chụp, Wikipedia, CC BY-SA 4.0)

Trong bộ “Đường dật sử” mục “Úy Trì Kính Đức” có kể một câu chuyện kỳ lạ về Úy Trì Kính Đức, vị tướng quân nổi tiếng là công thần khai quốc của nhà Đường.

Chuyện viết rằng cuối thời nhà Tùy, ở Thái Nguyên có một người thư sinh, làm nghề dạy học kiếm sống qua ngày, hoàn cảnh gia đình rất nghèo khó. Nhà anh rất gần kho bạc của quan phủ. Có lần anh ta lẻn vào kho bạc, thấy trong kho có mấy vạn quan tiền, dằn lòng chẳng đặng bèn lấy trộm một ít. Đúng lúc đó, một người tay cầm thương, khoác một bộ giáp vàng xuất hiện và nói với anh ta: “Anh cần tiền, có thể đến chỗ ngài Úy Trì xin một tờ chi phiếu, tiền này là của Úy Trì Kính Đức”.

Người thư sinh thấy kỳ lạ thì không dám lấy trộm nữa, bèn về, đi khắp nơi hỏi thăm Úy Trì Kính Đức, nhưng mãi vẫn chưa tìm được.

Một ngày anh ta tới một tiệm rèn, nghe nói ở đây có một người thợ rèn tên là Úy Trì Kính Đức. Người thư sinh vào tiệm thì thấy Úy Trì Kính Đức cởi trần, đầu tóc rối bù đang nện búa. Người thư sinh không nói gì, mãi đến lúc Úy Trì Kính Đức nghỉ ngơi mới vội vàng bước tới chào hỏi.

Úy Trì bèn hỏi anh ta: “Tại sao anh lại tới đây?”

Anh ta trả lời: “Gia đình tôi rất túng quẫn, ngài lại rất giàu sang, tôi muốn xin 500 quan tiền, chẳng biết có được không?”

Úy Trì tức giận nói: “Tôi là một người thợ rèn, sao lại giàu sang được chứ?”

Người thư sinh nói: “Nếu ngài có thể thương xót tôi, chỉ cần viết cho tôi một mảnh giấy chứng là được rồi, về sau ngài sẽ biết đầu đuôi chuyện này là như thế nào.”

Úy Trì chẳng biết làm sao, đành để người thư sinh viết mảnh giấy. Trên mảnh giấy ghi rằng: “Nay giao cho 500 quan tiền”, đưa Úy Trì ký tên. Người thư sinh cảm ơn xong cầm mảnh giấy đi. Úy Trì và mấy người thợ phụ vỗ tay cười nghiêng ngả, cho là thư sinh này vô lý quá.

Người thư sinh mang mảnh giấy trở về kho bạc, gặp lại người mặc áo giáp vàng trình mảnh giấy lên. Người ấy xem xong cười và nói: “Được”. Sau đó ông ta bảo người thư sinh mang mảnh giấy treo trên xà nhà, rồi cho phép thư sinh lấy tiền, nhưng chỉ cho 500 quan tiền thôi.

Mấy năm sau, Kính Đức phò tá Đường Thái Tông Lý Thế Dân lập được công lao rất lớn. Khi ông về quê, Hoàng đế phê chuẩn cấp cho ông nguyên một kho tài vật còn phong kín. Thuộc hạ của Úy Trì Kính Đức mở kho, kiểm tra số lượng theo sổ sách kế toán, phát hiện thiếu 500 quan tiền. Đang lúc muốn xử phạt người coi kho, đột nhiên phát hiện mảnh giấy treo trên xà nhà. Kính Đức xem qua thì đó là mảnh giấy viết từ thời còn làm thợ rèn.

Úy Trì Kính Đức vừa kinh ngạc vừa tán thán suốt mấy ngày liền, phái người âm thầm đi tìm người thư sinh năm xưa. Khi tìm được người thư sinh, anh ta liền đem hết đầu đuôi sự việc kể lại cho Úy Trì Kính Đức nghe. Ông bèn trọng thưởng cho người thư sinh, còn đem tài vật trong kho chia tặng cho bạn bè mình ngày trước.

Đời người có lúc vui lúc buồn, lúc lên lúc xuống, gia tộc có lúc hưng thịnh, cũng có lúc suy tàn, quốc gia cũng có thời kỳ thịnh trị, và cũng có lúc thay ngôi đổi chủ, đây chính là sự xoay vần của tạo hóa, cũng là ứng với duyên phận, nghiệp báo của sinh mệnh. Vì thế không cần phải oán trách ông trời không công bằng, vì hết thảy duyên phận là đều có lý do.

Kỳ thực “sống chết có số, phú quý do trời” không có nghĩa rằng một người nên phó mặc cuộc đời của mình, không nên nỗ lực cố gắng. Nó có ý nghĩa rằng phải nỗ lực mới đạt được, không nỗ lực thì không đạt được, nhưng những điều đạt được đều là có định số, đều là có điểm tới hạn, dẫu có nỗ lực gấp đôi cũng không thể cải biến. Muốn cưỡng cầu vượt qua giới hạn ấy thì chỉ có thông qua điều ác mới đạt được thôi. Nhưng nếu không có trách nhiệm với cuộc đời của mình, lười biếng, thậm chí gian lận làm điều ác, thì phúc phận cũng theo đó mà giảm đi, điều đạt được sẽ nhanh chóng chẳng còn, những gì hẳn là sẽ có trong tương lai cũng theo đó mà rơi rụng mất. Nó là một mối quan hệ qua lại như vậy.

Con người ta vốn là nên hướng đến cái thiện, rời xa cái ác, đó cũng là đạo Trời. Một người nếu có thể hiểu được “số phận”, họ sẽ thản nhiên đối mặt với những an bài của số phận, không vì những “được mất” và lợi ích mà sinh ra phiền não, mà bất chấp lương tri. Họ có thể dùng một loại tâm thái độ lượng đối đãi với cuộc đời mà có một cuộc sống tiêu dao tự tại.

Dựa theo “Văn hóa Thần truyền: 500 quan tiền”
Đăng trên Minghui.org
Tác giả: Linh Nhi

Xem thêm:

Mời xem video “Người giàu chân chính làm gì với tiền của họ?”: