Muốn độc lập phải biết lắng nghe
- Nguyễn Quốc Vương
- •
Khi người lớn làm các công việc như quản lý nhân sự, đào tạo, giáo dục và chịu trách nhiệm về sự phát triển của con người, người lớn sẽ nhận ra sức mạnh của tư tưởng ở cá nhân.
Khi cá nhân không có tư tưởng hoặc tư tưởng mù mờ, mọi thứ từ tư duy, việc làm, thái độ của cá nhân đều yếu ớt và mang tính vô mục đích.
Tư tưởng được tạo ra từ nhiều thứ như trải nghiệm, đọc sách, môi trường, giáo dục…
Xét riêng ở khía cạnh đọc sách, khi làm các công việc trên, người lớn sẽ nhận ra đọc sách quan trọng thế nào.
Việc học sinh, trẻ em không đọc sách đã tạo ra những thói quen rất xấu ở thanh niên như thiếu tập trung, lười suy nghĩ, yếu trong năng lực biểu đạt và đọc hiểu tâm lý đối phương… Kết quả là khi tập hợp lại thành một tập thể hay đám đông, học sinh, thanh niên trở thành một đám tự phát khổng lồ.
Ở đó một việc đơn giản nhất là “lắng nghe khi người khác nói” và “biết nói khi người khác sẵn sàng nghe” trở thành một công việc khó khăn, nặng nề, thậm chí là bất khả!
Đọc là chìm đắm vào suy tư, tập trung và tĩnh lặng.
Người không đọc và không biết đọc thường thích gây ồn ào hoặc gây ồn ào trong vô thức.
Muốn cho trẻ em, thanh niên biết trầm tư, tập trung, tôn trọng lời nói của người khác thì không gì hay hơn là cho các em đọc, suy ngẫm và tập biểu đạt.
Tình trạng học sinh, sinh viên rất ồn ào trong khi người khác như giáo viên đang nói hiện nay rất phổ biến. Khi quan sát lớp học, trường lớp người ta sẽ thấy hiện tượng này rất phổ biến dù là ở ngoài sân trường hay lớp học.
Trên thực tế để làm một việc đơn giản nào đó như cất ghế, đặt ghế, tập hợp thành hàng, di chuyển vài mét, giáo viên và học sinh Việt Nam phải mất rất nhiều thời gian trong một sự ồn ào và hỗn loạn khủng khiếp. Ai không quen với nghề làm giáo viên khi nghe sẽ cảm thấy căng thẳng vô cùng. Đa số các trường hợp, hoặc là giáo viên phải dùng sức mạnh quyền lực hoặc là phó mặc cho thời gian để cho tình hình lắng xuống.
Trường học Việt Nam đang trải qua một giai đoạn khủng hoảng khi chuyển từ tình trạng “thầy nói gì trò nghe thế và ngồi im thin thít” sang tình trạng “thi nhau nói chẳng ai thèm nghe ai”.
Ở ngoài xa hội người ta nhầm tưởng sự ồn ào đó là độc lập về tư duy, là thể hiện sự tự do biểu đạt của trò. Một sự nhầm lẫn tai hại!
Khi chuyển đổi không thành công sang biết tôn trọng và lắng nghe nhau sẽ dẫn đến tình trạng “tan vỡ lớp học” mà nước Nhật đã trải nghiệm những năm 90 và kéo dài tới gần đây. Giáo viên cứ dạy còn học sinh cứ nghịch, cứ nói, cứ gào thét, cứ ồn ào, thậm chí còn chạy nhảy ra ngoài.
Đó không phải là độc lập! Cũng không phải giáo dục!
Hai thầy cô sáng lập phong trào “Đọc sách buổi sáng” được tôn vinh một phần là vì nó đem đã đem lại “trật tự có tính giáo dục” trong lớp và trường học. Nhờ đọc sách, học sinh và thầy cô đã biết lắng nghe, tôn trọng và cất tiếng nói đúng lúc, đúng chỗ.
Ở Việt Nam, tình trạng “tan vỡ lớp học” đang từ từ diễn ra và trở nên trầm trọng. Hơn nữa, ở Việt Nam nó còn được thúc đẩy thêm bởi tư duy “học phải vui” tức là người ta trông cậy hoàn toàn vào tính giải trí của học tập. Kết quả học sinh chỉ thích trò vui và giáo viên coi “game”, “trò chơi” như là cứu cánh (mục đích cuối cùng) của giáo dục và phương pháp giáo dục.
Nguyễn Quốc Vương
Đăng lại từ Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Tham khảo các tác phẩm của tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương tại đây
Xem thêm cùng tác giả, dịch giả:
Mời xem video:
Từ khóa Giáo dục Việt Nam Nguyễn Quốc Vương