Người ta thường nói: “Phụ nữ ở Nhật Bản không có quyền”. Đúng như vậy. Khi nam nữ cùng sống chung một nhà, ở mặt nào đó, người ta thấy phụ nữ Nhật Bản tự hạ thấp mình, lúc nào cũng như núp dưới bóng nam giới. Tuy nhiên, nếu quan sát từ mặt khác, có nhiều trường hợp mà người bên ngoài không thể biết được, quyền hành của phụ nữ Nhật Bản tự nhiên trở nên rất lớn. Người nước ngoài hay ngay chính cả người Nhật thường dễ dàng không nhận ra thực tế này nên tác giả muốn nhắc nhở ra ở đây.

Nam trọng nữ khinh ở Nhật Bản chỉ là hình thức bên ngoài
(Ảnh minh họa: SasinTipchai, Shutterstock)

Có trường hợp người ta thấy vị trí của phụ nữ Nhật Bản rất thấp kém so với phái nam đến mức độ vô lý nhưng đó chỉ là hình thức bên ngoài. Nếu để ý xem xét nội dung bên trong thì sẽ thấy sự thật không phải như vậy mà có lúc hay có trường hợp quyền hạn của phụ nữ Nhật Bản rất lớn mạnh. Đó là không kể đến các trường hợp ngoại lệ nhưng thường có như câu tục ngữ “gà mái báo sáng” hay từ vựng “nữ đại tướng”, “nữ tướng quân” trong tiếng Nhật để chỉ người nữ xem nhẹ, khinh dễ người chồng, nắm quyền thế trong gia đình.

Ngoài ra, trong gia đình quyền hạn của người mẹ đối với con cái gần như tuyệt đối. Dù là nam giới nhưng một khi đối nghịch với ý kiến của mẹ bị xem là bất hiếu và xã hội sẽ không tha thứ chấp nhận. Đây không phải là trường hợp ngoại lệ mà rất phổ biến trong các gia đình ở Nhật Bản.

Qua các thí dụ trên, quyền hạn của phụ nữ Nhật Bản thuộc loại đặc biệt so với phong tục, tập quán Tây phương. Trong khoảng thời gian chưa có con, đối với chồng phụ nữ Nhật Bản hạ thấp mình, ngoan ngoãn nghe lời chồng nhưng đó chỉ là hình thức bên ngoài, trong thực tế người vợ tự mình chi phối, nắm quyền hạn trong gia đình. Thông thường là như vậy. Thí dụ, trong giao thiệp buôn bán, thương mại khi xem xét, điều tra lai lịch của đối tác, việc xem xét người vợ là người thế nào rất quan trọng. Nếu là người vợ đàng hoàng người ta sẽ tin cậy, giao phó công việc hay cho vay mượn để buôn bán làm ăn. Như vậy chúng ta có thể thấy thực quyền ở phái nam hay phái nữ.

Trường hợp quê quán của chồng và vợ khác nhau, có tập quán ăn uống, phong tục ăn mặc không giống nhau thì phong tục, thói quen của gia đình họ thường theo ý của người vợ. Con cái thì không phải nói, ngay cả người chồng cũng theo sở thích của vợ từ lúc nào không biết. Từ việc chọn quần áo theo thời tiết đến mùi vị mặn lạc, ngọt cay của thức ăn.

Tóm lại, việc phụ nữ Nhật Bản đối với nam giới có thái độ nhún nhường và quyền lợi, quyền hành của họ thấp là sự thật. Tuy nhiên, quan hệ nam nữ trong thực tế ở Nhật Bản không tồi tệ như thấy ở hình thức bên ngoài mà đôi lúc và tùy trường hợp quyền hành thực chất của phụ nữ Nhật Bản còn mạnh hơn phụ nữ Tây phương rất nhiều.

Bởi vậy khi luận về quyền lợi của phụ nữ, đừng khinh xuất chủ trương quyền hành, quyền lợi của phụ nữ là thấp kém, làm vấn đề to lớn lên. Thay vì tranh cãi, đòi hỏi trực tiếp quyền hạn, quyền lợi của nam nữ phải như thế nào, thì trước hết nên hướng về việc cải thiện hình thức ứng xử của nam giới đối với phụ nữ ở Nhật Bản. Hãy giữ nguyên nét ưu mỹ của phụ nữ Nhật Bản đã có từ trước, và nam giới khi giao tiếp với phụ nữ nên hạ thấp phần “nam trọng” của quan hệ “nam trọng nữ khinh” xuống thì quan hệ nam nữ tự nhiên trở nên bình đẳng và không còn khác biệt hay khó coi khi so sánh với Tây phương. Thí dụ, dù là vợ chồng nhưng vẫn giữ lời nói lễ phép, không thô tục, chồng nên gọi tên vợ với từ “san” (tương đương với em, cô, bà) chứ không chỉ gọi cụt ngủn bằng tên. Khi viết thư cũng không nên viết cộc lốc hay viết như kiểu người ở cấp bậc cao viết cho thuộc cấp hay cấp dưới.

Tác giả: FUKUZAWA Yukichi
Người dịch: Nguyễn Sơn Hùng, Tháng 6/2017

Truyện số 36 trong quyển “Phúc Ông Trăm Truyện” của Fukuzawa Yukichi, 1897, Thời Sự Tân Báo Xã phát hành.

Đăng lại từ Diễn Đàn Khai Phóng (diendankhaiphong.org)

Xem thêm:

Mời xem video: