Trong dân gian có một câu chuyện được lưu truyền rộng rãi về việc lòng hiếu thảo của Hoa Mộc Lan, kể rằng có một cô gái chưa lập gia đình tên là Mộc Lan, cha già bị gọi đi lính nhưng không còn đủ sức ra chiến trường. Người con trai duy nhất trong nhà là em trai của Mộc Lan, vẫn còn nhỏ tuổi. Với lòng hiếu đễ của mình, Mộc Lan đã cắt tóc, giả nam để lên đường đi lính thay cha.

Mulan 01
Tranh vẽ Hoa Mộc Lan của họa sĩ Cừu Anh thời Minh. (Public Domain)

Trong suốt 12 năm chiến tranh, Mộc Lan đã phải chịu đựng mưa gió cay đắng, nhớ nhung cha mẹ, như trong bài thơ “Mộc Lan từ” mô tả:

Đán từ gia nương khứ,
Mộ túc hoàng hà biên.
Bất văn gia nương hoán nữ thanh,
Đãn văn Hoàng hà lưu thuỷ thanh tiễn tiễn.

Tạm dịch:

Sáng từ biệt mẹ cha đi,
Chiều ở bên Hoàng Hà.
Không nghe thấy cha mẹ gọi con gái,
Chỉ nghe tiếng nước Hoàng Hà ầm vang.

Mulan 03
Bích họa về câu chuyện của Mộc Lan ở chùa Bảo An, Đài Bắc, Đài Loan. Họa sĩ Chu Di Nam. (Ảnh: Pow951753, Wikipedia, CC BY-SA 3.0)

Trên chiến trường, Mộc Lan dũng cảm và đã lập được nhiều chiến công. Trong suốt thời gian đó, cô giữ được bí mật về giới tính của mình với những người lính xung quanh.

Sau 12 năm, đoàn quân của Mộc Lan chiến thắng trở về. Hoàng đế đã rất ấn tượng và muốn phong chức quan cho Mộc Lan. Nhưng Mộc Lan đã khéo léo từ chối, chỉ thỉnh cầu được nhanh chóng về nhà đoàn tụ với cha mẹ già. Khi Mộc Lan trở về gặp cha và thay quần áo thì những người khác mới biết hóa ra Mộc Lan là một cô gái.

Mulan 02
Tranh vẽ Hoa Mộc Lan của họa sĩ Hách Đạt Tư thời Thanh. (Public Domain)

Câu chuyện Mộc Lan thay cha tòng quân này đã được dựng thành phim, được các chương trình nghệ thuật biểu diễn và nổi tiếng trên toàn thế giới, khiến cho hết thảy những ai đã từng đọc qua, nghe qua hay xem qua đều vô cùng cảm động. Vì sao câu chuyện về Mộc Lan lại được lưu truyền rộng rãi ở cả phương Đông và phương Tây, đồng thời lại khiến người xem cảm động đến như vậy? Chính là bởi vì người ta đã cảm nhận được lòng yêu thương và hiếu thảo của Mộc Lan đối với cha mẹ.

Văn hóa truyền thống giảng rằng làm người cần bắt đầu làm tốt từ mối quan hệ thân thiết nhất rồi mới có thể làm tốt những điều khác; từ tu thân, tề gia, trị quốc rồi mới đến bình thiên hạ. Khi biết làm thế nào sống hòa mục vui vẻ với cha mẹ thì chúng ta sẽ biết làm thế nào để yêu thương chăm sóc anh chị em mình. Khi biết được làm thế nào để sống yêu thương chăm sóc gia đình thì khi tiến vào xã hội, chúng ta sẽ biết cách chung sống với bạn bè và những người xung quanh. Vậy thì, việc sống hòa thuận với cha mẹ là nền tảng cơ bản để xã hội an định. Cho nên, trong văn hóa truyền thống, mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái là mối quan hệ quan trọng bậc nhất. 

Sách “Luận Ngữ” viết: “Người mà hiếu kính cha mẹ, yêu thương anh em mà lại thích xúc phạm đến bậc trên, người như thế rất ít có. Người không thích xúc phạm đến bậc trên mà lại thích làm loạn, người như thế thì không có. Người quân tử chú trọng vào cái gốc, gốc được tạo dựng rồi thì đạo sẽ sinh ra. Hiếu kính cha mẹ, yêu thương anh em, đây là cái gốc của đức nhân từ”.

Bồi dưỡng phẩm chất tốt đẹp, trước tiên là ở trong nhà phải hiếu kính cha mẹ, yêu thương anh em. Một người ở nhà thực hành được hiếu đễ thì ra ngoài xã hội mới có thể thực hành được nhân nghĩa. Cho nên hiếu đễ là cái gốc của nhân nghĩa.

Thời cổ đại triều đình có thiết lập chế độ “Cử hiếu liêm”, tiến cử người hiếu thảo và liêm khiết. Hàng năm triều đình đều yêu cầu mỗi địa phương đề cử người hiếu kính và công chính liêm khiết lên. Việc làm này một mặt là để khảo sát xem phẩm hạnh của xã hội, mặt khác là để bồi dưỡng nhân tài. Đây là con đường làm quan không thông qua khoa cử thời xưa.

Trong xã hội xưa, việc khen thưởng xứng đáng cho những người có phẩm hạnh tốt đẹp, đặc biệt là hiếu đễ, khiến bầu không khí trong toàn xã hội đi theo chiều hướng tốt đẹp, lương thiện. Đồng thời nó cũng có tác dụng rất lớn trong việc làm ổn định lòng người, an định và hài hòa xã hội.

Theo Epoch Times tiếng Trung
Tác giả: Nhã Lan
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: