Halloween: Từ những lời cầu nguyện tốt đẹp trở thành ngày lễ ma quái
- Hy Vọng - Lê Trai
- •
Halloween ngày nay đã trở thành thú vui, hóa trang sao cho càng giống ma quỷ càng tốt, từ hành động, lời nói, thậm chí cả ý nghĩ cũng nương theo ma quỷ. Nhưng trong quá khứ, ngày lễ Halloween mang một hàm ý khác.
Có sự không thống nhất về nguồn gốc của ngày lễ Halloween. Halloween có thể có nguồn gốc từ các lễ hội cổ xưa của người Celtic, những người đã sống cách đây 2.000 năm trong khu vực mà ngày nay là Ireland, Vương quốc Anh và miền bắc nước Pháp.
Người Celtic cho rằng hàng năm có một thời điểm mà ranh giới giữa thế giới của sự sống và cái chết trở nên mờ nhạt. Vào đêm 31/10, những hồn ma của người chết có thể trở về nhân gian. Để chuẩn bị cho sự kiện này, các gia đình đều dập tắt lửa. Các tu sĩ Druid dựng lên một đống lửa thiêng lớn, nơi người dân tụ tập làm lễ cho các vị Thần Celtic. Trong buổi lễ, người ta mặc trang phục, thường gồm đầu thú và da, và nói về vận mệnh của nhau. Khi buổi lễ kết thúc, họ đốt lại lò sưởi bằng lửa từ đống lửa thiêng để cả gia đình được bảo vệ trong suốt mùa đông sắp tới.
Tuy nhiên hầu hết mọi người đều công nhận rằng Halloween có xuất xứ từ Kitô Giáo. Ngoài tên gọi phổ biến, Halloween còn được biết đến qua những cái tên như “Hallowe’en”, “Allhalloween”, “All Hallows’ Eve”, hay “All Saints’ Eve”.
“Halloween” hay “Eve of All Hallows”, là một ngày lễ kỷ niệm trong dịp ngày Lễ các Thánh và Lễ các Đấng linh hồn. Halloween ngày nay được tổ chức vào 31/10, còn trong Kitô giáo, ngày Lễ các Thánh được tổ chức vào 1/11, còn ngày Lễ các Đấng linh hồn được tổ chức vào ngày 2/11, hoặc cũng có nơi việc kỷ niệm đã diễn ra từ 31/10.
Mục sư Richard Donohoe thuộc Tổ chức từ thiện Công giáo giáo phận Birmingham đã mô tả ngày Lễ các Thánh là “ngày kỷ niệm sự hiệp thông của các thánh, những người đang ở trên Thiên đàng, thông qua những việc làm tốt và sự ân sủng của Chúa”.
Những ngày này là lúc mà người Công giáo cầu nguyện. Trong Lễ các Thánh, giáo dân nhớ lại về các vị Thánh của Kitô giáo để nhắc nhở bản thân phải sống như thế nào. Còn trong Lễ các Đấng linh hồn, người ta nói về tất cả các linh hồn và xin lòng thương xót của Chúa đối với họ.
Halloween được du nhập vào Mỹ, theo chân những người Ireland di cư từ nạn đói năm 1846. Đến những năm 1920 và 1930, Halloween đã trở thành một ngày lễ thế tục chứ không chỉ của riêng giáo dân, với các cuộc diễu hành và các trò giải trí đặc trưng của cả cộng đồng. Tất nhiên điều này cũng có nguyên nhân, bởi vì thời đó đại đa số người Mỹ đều theo Kitô giáo.
Halloween truyền thống của Mỹ đặc trưng bởi tập tục “Trick Or Treat”. Xưa kia, trong dịp này, các gia đình sẽ tặng cho những người nghèo đi xin ăn bánh ngọt, được gọi là “bánh linh hồn”, để đổi lấy lời hứa cầu nguyện cho người thân đã khuất của gia đình. Dần dần điều này biến đổi thành việc những đứa trẻ đi gõ cửa nhà hàng xóm để được phát bánh, kẹo, hay cho tiền, nếu không sẽ phá phách.
Ngày nay, đối với nhiều quốc gia ở Mỹ, châu Âu, Halloween đã trở thành lễ hội vui chơi hàng năm cho trẻ em và cả người lớn, đặc biệt là đối với giới trẻ.
Có thể thấy lúc đầu, ngày lễ Halloween có mục đích là để nhắc nhở người sống có đức tin và xin lòng thương xót của Chúa đối với các linh hồn. Ngoài ra, theo tập tục của người Celtic, ý nghĩa của ngày này là để bảo vệ người sống khỏi những âm hồn quay trở lại dương thế.
Tuy nhiên ngày nay, Halloween đã trở thành thú vui của giới trẻ. Những đồ vật ma quái được bày bán khắp nơi, và nhiều bạn trẻ hóa trang sao cho càng giống ma quỷ càng tốt, từ hành động, lời nói, thậm chí cả ý nghĩ cũng nương theo ma quỷ.
Ở một ý nghĩa nào đó, ngày lễ Halloween có những điểm tương đồng với Tết Thanh minh của người Việt. Vậy thì chúng ta thử nghĩ xem, nếu như vào ngày Tết Thanh minh, thay vì tưởng nhớ đến người đã khuất và tưởng nhớ đến truyền thống của ông cha, giới trẻ lại tham gia vào những lễ hội ma quái với tâm lý vui đùa, hù dọa nhau, thì những bậc ông bà, cha mẹ sẽ nghĩ như thế nào?
Ngay cả theo tập tục của người Celtic, thì mục đích mặc trang phục hóa trang chính là để tránh âm hồn, ma quỷ, trong tâm của những người mặc trang phục này luôn có một niệm bài trừ âm hồn, ma quỷ. Hơn nữa không khí trang trọng quanh đống lửa thiêng của người Celtic cũng có tác dụng này. Nhưng ngày nay mấy ai khi mặc bộ đồ ma quỷ đó mà trong tâm có ý thức bài trừ ma quỷ?
Trong quan niệm truyền thống, “thân” và “tâm” là có sự tương thông với nhau, những gì không tốt ở thân thì rất có thể là do tâm đưa đến, vì thế người xưa mới có câu “tướng tùy tâm sinh”. Một số bạn trẻ thuận theo quan niệm hiện đại nói chung, có xu hướng thích những đồ vật kỳ quái, thích xem phim kinh dị, thích đọc các truyện tranh hay xem các bức tranh với những hình ảnh máu me, thậm chí là đóng vai các nhân vật rùng rợn, ma quái. Về lâu dài, việc này sẽ ảnh hưởng đến ngoại hình và tính cách, tạo nên một ngoại hình xấu xí, một tính cách biến dị.
Hãy nhớ rằng, trong khi điều tra về tên sát thủ Zodiac khét tiếng ở Mỹ, những người điều tra thừa nhận y bị ảnh hưởng lớn từ những tranh truyện và phim ảnh thời còn bé. Đây là một ví dụ điển hình cho thấy mức độ ảnh hưởng của việc lựa chọn các hình thức nghệ thuật tới tâm trí của con người.
Có thể nói rằng, con người như một bình nước, đổ nước bẩn vào thì sẽ được gọi là bình nước bẩn, đổ nước sạch vào thì chính là bình nước sạch. Chỉ có điều sự tích lũy những điều tốt – xấu xảy ra trong một thời gian dài, khiến chúng ta không cảm giác được mà thôi. Đến khi nhận ra thì có thể đã muộn rồi. “Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời”, khi tính cách đã bị biến đổi thì rất khó để khiến bản thân trở nên tốt hơn. Lúc bấy giờ chỉ có tìm đến sự thiện lương lớn lao của đức tin thì may ra mới có thể hóa giải được kiếp nạn.
Hy Vọng – Lê Trai
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa lễ hội Halloween tâm linh Kitô giáo