Sách “Kiến trúc đình làng Việt”: Nghe đình làng kể chuyện
- Nghinh Xuân
- •
Mảng chạm Voi bay của đình Tây Đằng nổi tiếng trong điêu khắc cổ Việt Nam, được chạm trên ván Gió thuộc Chái phía Đông. Cũng trên ván Gió thuộc Chái phía Đông có chạm nổi hình một con voi và một chiếc cày ở phía sau, kể lại truyền thuyết, huyền tích Vua Thuấn đi cày…
Đó là lời mô tả được viết trong cuốn sách “Kiến trúc đình làng Việt” đối với hai trong số hàng nghìn hoa văn chạm khắc của đình làng Tây Đằng – ngôi đình được xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia đặc biệt vào năm 2013.
Nét chạm khắc nơi mái đình cổ đang kể lại chuyện Vua Thuấn đi cày. Huyền tích xưa kể rằng Đế Nghiêu muốn tìm người truyền hiền, Thuấn vì được lòng vua, được gả con gái mà trở thành phò mã. Người em ghen ghét nghĩ kế gian hãm hại. Thuấn vì lòng trung, hiếu, không oán không hận, khiến trời đất cảm động, sai voi lớn cày đất, chim con nhặt cỏ, ngày thu hoạch rộn ràng yên vui. Vua Nghiêu cảm nhận được nghĩa khí mà nhường vị và truyền ngôi cho Thuấn.
Đình Tây Đằng có niên đại từ thế kỷ 16 (thời Mạc) – tính ngược trở về trước so với thời Đế Nghiêu, Đế Thuấn thì đã là xa lắm. Huyền tích về Nghiêu – Thuấn được người Việt xưa chọn khắc trên chái đình làng Tây Đằng như thể hiện mong ước về một xã hội thịnh trị, Vua Sáng – Tôi Hiền.
Nền kiến trúc gỗ cổ truyền đất Việt vì thế mà hiện lên sinh động với những điển tích, huyền tích gắn liền với đời sống dân gian. Và nếu chú tâm ngắm nhìn, thì còn hàng nghìn chi tiết điêu khắc, các cấu kiện, các ô chữ chạm nổi hay khắc chìm… dày đặc trên mỗi ngôi đình.
Nghe đình làng kể chuyện, nghe những “Ngựa bay”, “Tiên cưỡi rồng”, “cúc phù dung”… kể chuyện, rằng người Việt xưa quý trọng trời đất, cuộc sống cộng đồng chan hòa. Những mảng chạm, phù điêu tinh tế cho thấy người xưa đã có một đời sống tinh thần và kỹ thuật tạo tác rất đẹp ra sao.
Từ hàng chục năm về trước, những họa viên, kiến trúc sư đã soi đèn, nến để vẽ bằng tay kiến trúc, điêu khắc-trang trí của hàng trăm ngôi đình, ngôi chùa… để lưu lại những dấu tích lịch sử của văn hóa dân tộc. Đến hôm nay, sau nhiều nỗ lực của nhiều thế hệ, cuốn sách tư liệu quý giá “Kiến trúc đình làng Việt qua tư liệu Viện Bảo tồn di tích – Tập I” (NXB Văn hóa dân tộc, 2017) được ra đời.
Trong lời tựa cuốn sách, GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính kể chuyện:
“Từ cuối những năm 70 thế kỷ trước, Xưởng Bảo quản Tu sửa di tích Trung ương (tiền thân của Viện Bảo tồn di tích – PV)… đã kiên trì theo đuổi công việc vừa tốn công, tốn sức, lại ít gắn với toan tính tiền bạc – tiến hành nghiên cứu, điều tra, ghi chép và chụp ảnh hiện trạng gần hai trăm ngôi đình làng, từ Quảng Nam trở ra.
Những năm đầu, anh chị em họa viên và một số ít kiến trúc sư đã đo vẽ thủ công, soi đèn dầu, thắp nến, kẻ ô vuông bằng phấn nên các bức chạm, vẽ trên giấy croquis và can lên giấy nến bằng bút sắt chấm mực tàu mài […]
Các ngôi đình Tây Đằng, Phù Lão, Lỗ Hạnh, Thổ Tang, Thổ Hà, Yên Phụ… được hồ sơ hóa từ thời ấy, trở thành những tư liệu lịch sử. Giả dụ, L. Bezicier không cho vẽ ghi chùa Phật Tích hơn 70 năm trước, chúng ta hẳn không còn cơ sở nào để phục dựng nó.”
Đi qua thời kỳ bao cấp vô cùng thiếu thốn, soi đèn, vẽ phấn, những vẩy, những hoa văn, trèo lên nóc kẻ vẽ kiên trì… đó không chỉ còn là những công trình thể hiện cá tính, kỹ năng của từng họa viên, mà là những di sản của sự nỗ lực thực sự. Khó có thể cân đong được ý nghĩa của việc làm đó. Như lời của GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính trong buổi ra mắt sách:
“Tôi nghĩ là chúng ta dù có nhiều tiền hơn nữa, nhiều khả năng hơn nữa, có thể dùng phương tiện để bảo tồn vài trăm di tích, vài chục ngôi đình đi chăng nữa thì vẫn không thể truyền tải đến mai sau, đến với lịch sử, với con cháu.
Những tài nguyên quý báu đó vẫn sẽ tan biến, suy chuyển.”
Gửi gắm lại những tích lũy từ hàng nghìn bản vẽ, đó là dấu ấn của sự nỗ lực và nghiêm túc thầm lặng của những cá nhân không mong lưu danh đã làm từ hàng chục năm về trước. Để đến hôm nay, những dấu ấn ký ức đang kể lại những câu chuyện về tinh hoa văn hóa dân tộc, dù rằng nhiều di tích đã mai một, không còn do thời gian, do sự ứng xử chưa phải…
Giữ lại, lưu lại cho mai sau là những lời mà GS Kính nhắc lại nhiều lần. Với sự ra mắt của tập I cuốn sách, 15 ngôi đình làng đầu tiên được lưu ghi bằng bản vẽ, ảnh chụp cùng bài viết chuyên khảo sinh động và súc tích – được chọn ra mắt. Còn hàng trăm ngôi đình, ngôi chủa, ngôi đền… với hàng trăm bản vẽ bằng tay và bằng máy các di tích kiến trúc Chăm từ những năm 80 của thế kỷ trước, GS cho hay Viện đã có kế hoạch công bố tuần tự những tư liệu này.
Có lẽ, trân quý lịch sử trước tiên là cần trân quý hiện tại, không phải chỉ với di tích bởi vì quỹ tài nguyên di tích vốn dễ bị suy chuyển, bị biến đổi, bị tàn lụi. Đó là việc đi tìm lại tiếng nói cho thế hệ hôm nay, đi tìm lại di sản, chỉ dẫn nhau đọc, học, tích lũy tri thức mà góp phần vào việc giữ lại vẻ đẹp thuần phác và dung dị của văn hóa truyền thống Việt.
Nghinh Xuân
Xem thêm:
Từ khóa Văn hóa Việt Nam đình làng