Người con hiếu thảo cứu cả một thành thoát nạn binh đao
- Thiên Cầm
- •
Cổ ngữ có câu: “Bách thiện hiếu vi tiên”, ý nói rằng hiếu kính với cha mẹ đứng ở vị trí số một trong mọi mỹ đức, bởi ơn khó báo đáp nhất trên thế gian chính là ân nghĩa của cha mẹ. Trong cuốn “Dạ Vũ Thu Đăng Lục” có kể lại câu chuyện về một người con hiếu thảo như sau.
Vào thời nhà Thanh, tại Huyện Ân thuộc tỉnh Sơn Đông có một người con hiếu thảo họ Ngô. Thân thế của ông ta vô cùng đáng thương, từ nhỏ đã mất cha, hơn nữa bản thân lại là một người câm điếc. Nơi ông ở cách nội thành 3, 4 dặm. Gia cảnh bần hàn, nên ông gánh nước thuê cho một gia đình trong thành, tiền công kiếm được ông đưa lại cho mẹ, không bao giờ dám chi tiêu hoang phí mua đồ ăn dẫu chỉ một đồng. Mặc dù ông câm điếc, nhưng lại rất thông minh, có thể hiểu được ý nguyện của mẹ từ thế tay và biểu cảm trên khuôn mặt. Người mẹ sớm đã quen với việc dùng thế tay nói chuyện với ông.
Hàng ngày người con hiếu thảo đều ú ớ xin mẫu thân cho biết bà muốn ăn gì, sau đó vào trong thành mua về. Nếu 4 ngón tay vòng thành một vòng tròn, thì là một chiếc bánh lớn. Nếu ngón tay cùng nhau che lấy cổ tay thì là màn thầu. Ngón tay chếch hình chữ bát thì là bánh sủi cảo, lòng bàn tay đưa thẳng ra thì là cá, rủ xuống như xách đồ thì là thịt…
Mẫu thân ông tuổi cao, lắm bệnh, mỗi lần ăn rất ít lại chậm, ông thầm thương tâm trong lòng. Nhìn thấy người quen, ông dùng thế tay nói chuyện, dường như muốn nói rằng mẹ tôi ăn rất ít, nhíu mày trông rất khổ sở. Nếu mẹ có thể ăn nhiều và thấy ngon miệng, ông cũng sẽ ú ớ với mẹ, như đang hát vậy. Ông còn giang tay nhảy múa, mô phỏng động tác của diễn viên trên sân khấu, khiến mẫu thân vui vẻ. Khi gặp người thân, ông lại vẽ vẽ vạch vạch, dường như đang nói rằng mẹ ăn rất nhiều, và tỏ vẻ hân hoan.
Người con hiếu thảo họ Ngô đã 50 tuổi, ngày nào ông cũng như vậy, chưa từng thay đổi thái độ. Mỗi khi trời lạnh, ông thường dùng cơ thể mình làm ấm chăn của mẫu thân. Sau khi chăn đệm ấm áp, ông lại mặc quần áo vào ngồi dậy, để mẹ ông bỏ bớt quần áo ra ngủ. Ông còn khom lưng nằm ở chân giường, nghe tiếng mẹ thở phì phò vì ngủ say, mới lặng lẽ vào chiếc giường cỏ của mình đi ngủ.
Hàng năm đến mùa hè, trước cửa nhà ông treo chiếc chiếu sậy làm rèm, ông để mẫu thân ngủ trên chiếc sập trúc, còn mình thì cởi trần ngủ ở trước cửa nhà, ý rằng để muỗi đốt mình, chứ không đốt mẫu thân. Điều kỳ lạ là nhà người con hiếu thảo này ở gần cánh đồng hoang, theo lẽ thường mùa hè lẽ ra muỗi rất nhiều, nhưng muỗi lại không hề bén mảng tới nhà của ông. Mọi người đều nói lòng hiếu thuận của ông đã cảm động tới thần linh, nên mới xảy ra kỳ tích này. Mọi người trong thôn đều vô cùng kính ngưỡng phẩm hạnh của ông, thi nhau gọi ông là “Ngô hiếu tử”. Nhưng vì gia cảnh nghèo khó, không ai chịu gả con gái cho ông. Ông cũng tuyệt nhiên không nghĩ tới việc lấy vợ
Một hôm, “Ngô hiếu tử” đang gánh nước vào quầy hàng thì vừa hay gặp công tử nhà họ Mai của huyện Ân mặc quần áo đẹp đẽ quý phái đi tới, không may nước sóng ra ngoài bắn vào quần áo của công tử. Công tử lớn tiếng nạt nộ, hạ nhục ông. Ông lại đứng thẳng, không hề sợ hãi. Lúc này người quản lý trong quầy hàng vội vàng chạy ra, vòng tay xin công tử thứ lỗi rằng: “Công tử đừng nổi giận, đây là vị Ngô hiếu tử nổi tiếng.” Mai công tử kinh ngạc hỏi sự tích về hiếu tử. Sau khi biết chuyện, đang phẫn nỗ cậu lập tức chuyển sang thái độ vui vẻ. Cậu còn mượn 5 xâu tiền của cửa hàng tặng cho hiếu tử. Vị hiếu tử kiên quyết từ chối không dám nhận, vị quản gia giơ ngón tay vô danh lên cho ông xem. Vì lúc đó theo ngôn ngữ của người câm, ngón cái đại diện cho trời, ngón trỏ đại diện cho đất, ngón giữa đại diện cho cha, ngón vô danh đại diện cho mẹ, ngón út đại diện cho vợ con. Ngô hiếu tử thấy vậy, hiểu rằng Ngô công tử thương ông có mẹ già, bèn quỳ xuống đất khấu bái cảm tạ, ú ớ chỉ lên trời dưới đất, vô cùng cảm kích.
Sau khi gánh nước xong, Ngô hiếu tử mang tiền về nhà. Vừa vào đến thôn đã thấy mẹ già dựa cửa chờ đợi, ông vui vẻ gọi chào, bước chân vội vã, con đường đất lại trơn trượt, trông ông như sắp ngã vậy.
Mẫu thân nhìn thấy nhiều tiền như vậy, kinh ngạc hỏi chúng từ đâu đến. Hiếu tử ú ớ dùng ngón tay vẽ vẽ, vạch vạch, nói không rõ lấy một chữ. Mẫu thân e rằng ông vì nghèo khó mà lầm lạc đi ăn cắp ăn trộm, bèn dò hỏi khắp nơi xem tiền ở đâu ra, nhưng không ai biết. Mẫu thân nổi giận trách mắng, ông quỳ xuống, bà vô cùng tức giận nói: “Thà có một cậu con trai gánh nước tàn tật, chứ ta cũng không muốn có một đứa con sinh tà tâm đi trộm cắp!” Bà chống gậy đích thân tới quầy hàng, hỏi người trong cửa hàng, mới biết rằng số tiền này quả thực là Mai công tử tặng. Lúc này bà vừa đi vừa niệm Phật mà quay về.
Mặc dù cả đi lẫn về chỉ có hơn 5 dặm đường, nhưng vì tuổi cao, lại đau ốm, bước chân khó nhọc, chậm chạp, nên rất lâu sau bà mới về đến thôn trang. Chỉ thấy hiếu tử vẫn quỳ trên mặt đất, không hề nhúc nhích. Mẫu thân mỉm cười, an ủi con trai, ông mới lau khô nước mắt, vừa cười vừa nhảy múa kéo lấy áo mẫu thân, đôi mắt nhìn chằm chằm vào giường của bà, ý nói rằng muốn giúp mẹ thay một chiếc chăn mới. Tình cảnh lúc đó thực khiến mọi người xung quanh kính phục, ai nấy đều mừng thay cho ông, thực đáng khen thay!
Sau khi huyện lệnh huyện Ân biết chuyện đã tặng Ngô hiếu tử một bức hoành phi ca ngợi sự hiếu thuận của ông. Nhưng ông cho rằng mình làm vẫn chưa đủ tốt, nên khóc lóc không dám nhận. Người trong thôn đều kính phục ông, do vậy đã treo tấm hoành phi trên cổng con đê của thôn trang, coi như niềm vinh dự của mọi người trong thôn.
Sau này loạn quân Niệp tạo phản chạy tới vùng, suýt chút nữa thì có nạn binh đao, nhưng khi loạn quân nhìn thấy tấm hoành phi của hiếu tử, lập tức chắp tay nói: “Đây là quê hương của hiếu tử, không được kinh động đến ông ấy”. Sau đó họ lại muốn được nhìn phong thái của người con hiếu thảo, bèn tới dưới thành nói rằng: “Nếu chịu để Ngô hiếu tử lên thành, để chúng ta nhìn một lần, chúng ta sẽ lập tức rút quân.”
Bấy giờ Ngô hiếu tử không hiểu việc lắm, chỉ biết trong vùng có nạn, mọi người đều chạy vào thành, nên trước sau vẫn luôn quanh quẩn bên mẫu thân, hai tay vung vẩy không muốn rời đi. Quân Niệp được biết hiếu tử không muốn gặp họ, chẳng bao lâu sau cũng tự động rời đi. Tất cả mọi người trong thành đều nhờ ân đức của hiếu tử mới thoát khỏi nạn khói lửa binh đao lần đó.
Theo Sound Of Hope
Thiên Cầm biên dịch
Xem thêm:
- Một mẹ già nuôi được mấy người con, mấy người con nuôi nổi một mẹ già?
- Trẻ không chịu nhớ, già mới nhớ
Mời xem video: