Người Hồng Kông “không chia rẽ” và câu chuyện từ ngàn năm trước
- Thiên Cầm
- •
Cuộc biểu tình ôn hoà tại Hồng Kông phản đối Luật dẫn độ đã kéo dài nhiều tháng qua. Đáng chú ý trong các khẩu hiệu của những người Hồng Kông là ba từ “bất cát tịch”. “Cát tịch” nghĩa là cắt chiếu, không ngồi chung, hay nghĩa bóng là chỉ sự chia cắt. Từ này bắt nguồn từ đâu?
Người Hồng Kông “không chia rẽ”
Trong các khẩu hiệu của cuộc biểu tình tại Hồng Kông có một câu là “Hạch bạo dã bất cát tịch”, nghĩa là dẫu đạn nổ cũng không chia rẽ. Đứng trước cường quyền, khi gặp lúc nguy nan, cũng không vì cách làm khác nhau mà mâu thuẫn nội bộ.
Từ sau cuộc cách mạng Dù Vàng năm 2014, không ít người Hồng Kông cho rằng một trong những nguyên nhân thất bại của cuộc biểu tình này chính là vì mâu thuẫn và sự chia rẽ trong nội bộ. Mọi người cũng dần dần nhận rõ Đảng cộng sản Trung Quốc đứng sau thao túng chính phủ Hồng Kông ưa thích nhất là gây chia rẽ người Hồng Kông, khiến cho người Hồng Kông đấu đá nội bộ với nhau.
Do vậy ngay những ngày đầu khi hình thành cuộc biểu tình chống Luật dẫn độ, thì mâu thuẫn giữa những người biểu tình chủ trương dùng vũ lực trong điều kiện cụ thể khi cần thiết (người Hồng Kông gọi là phái Dũng Vũ) và những người chủ trương “hoà bình, lý tính, phi bạo lực” (hay còn gọi là Hoà Lý Phi) lại một lần nữa xảy ra. Vì không muốn đi vào vết xe đổ năm xưa nên mọi người cùng xây dựng một nhận thức chung là: “Không phân hoá, không chia rẽ”.
Như vậy, với khẩu hiệu không chia rẽ này, mọi người biểu tình Hồng Kông đều đứng chung một chiến tuyến, vận dụng những phương thức khác nhau của bản thân để cùng phối hợp, cùng đoàn kết, nhất loạt đều nhắm họng pháo về phía chính phủ chuyên quyền độc đoán.
Nguồn gốc từ “cát tịch”
Hai từ “Cát tịch” (cắt chiếu, chia rẽ) bắt nguồn từ điển cố “Quản Ninh cát tịch” (Quản Ninh cắt chiếu) của Lưu Nghĩa Khánh thời Nam Tống trong cuốn “Thế thuyết tân ngữ – Đức hành”.
Cuối thời Đông Hán, Quản Ninh và Hoa Hâm lúc đó là một đôi bạn vô cùng thân thiết. Hai người họ cả ngày gắn với nhau như hình với bóng, ăn cùng mâm, đọc sách cùng sập, ngủ cùng giường, chung sống khá hoà thuận bên nhau.
Một lần nọ Quản Ninh và Hoa Hâm cùng cuốc đất trồng rau trong vườn, thì nhìn thấy một miếng vàng trên mặt đất. Quản Ninh nhìn thấy vàng như thể nhìn thấy viên ngói vậy, tâm bất động, vẫn tiếp tục cuốc đất. Nhưng Hoa Hâm lại nhặt vàng lên, lật lên lật xuống nhìn ngắm cẩn thận, rồi mới tiếc nuối quăng miếng vàng đi.
Một lần khác, Quản Ninh và Hoa Hâm cùng đọc sách ở nhà, hai người ngồi chung một chiếc chiếu. Khi đang đọc sách nhập tâm, đột nhiên bên ngoài trở nên náo nhiệt, hoá ra một đoàn xe của vị đại quan đi ngang qua, uy phong lẫm liệt, phú quý vinh hiển hơn người.
Quản Ninh không coi đó là hiển hách, dẫu hoàn cảnh xung quanh thay đổi thế nào, anh ta vẫn có thể chuyên tâm đọc sách, những tiếng ồn ào bên ngoài cũng chẳng thể lọt tai, dường như không có chuyện gì xảy ra vậy.
Nhưng Hoa Hâm lại không như vậy, anh ta bị thanh thế phô trương này thu hút, bèn không đọc sách tiếp nữa, chạy đi góp vui.
Quản Ninh không thích hành vi của Hoa Hâm, cảm thấy đạo bất đồng, tâm bất hợp. Khi Hoa Hâm trở về phòng, Quản Ninh bèn cầm một con dao, cắt chiếc chiếu hai người cùng ngồi thành hai nửa và nói với Hoa Hâm rằng: “Sau này ngươi đừng là bạn của ta nữa!”, hai người tuyệt giao từ đó.
Câu thành ngữ “Cát tịch phân toạ” (Cắt chiếu ngồi riêng) và “Cát tịch tuyệt giao” (Cắt chiếu tuyệt giao) bắt nguồn như vậy.
Sau này, mọi người đều dùng từ “Cát tịch” (Cắt chiếu) để hình dung chí hướng, giá trị quan khác nhau giữa bạn bè, khiến tình cảm hai bên đổ vỡ mà tuyệt giao.
Từ đó có thể thấy rằng, trong cuộc biểu tình chống Luật Dẫn Độ này, người Hồng Kông vì thống nhất về lý tưởng cao nhất, đều là vì theo đuổi tự do dân chủ và 5 yêu cầu lớn, nên có thể bao dung cho sự bất đồng về cách hành động. Từ đó phái “Hoà Lý Phi” và phái “Dũng Vũ” có thể cùng kề vai sát cánh bên nhau chống lại chính quyền độc tài, “bảo vệ Hồng Kông, cùng tiến cùng lui”.
Thiên Cầm
Xem thêm:
Từ khóa biểu tình Hồng Kông Người Hồng Kông Luật dẫn độ Hồng Kông