“Nước Đại Việt, phong thổ khí hậu, đại ước khí âm thịnh, khí dương suy. Nghiệm chứng: muôn vật phát sinh về thu đông, làm việc dùng ban đêm, con trai thông minh không bằng con gái”(1).

Cái “nước Đại Việt” của ông hòa thượng Thích Đại Sán thật ra là xứ Huế đó. Vị tu sĩ Trung Hoa này sang “Đại Việt” một năm rưỡi, ngoài bốn tháng vào Hội An mang bệnh nằm khoèo, hầu hết thời gian còn lại đều ở Huế.

Và điều ông ta viết về xứ Huế trên đây, ai nấy tha hồ mỉm cười, vì nó thật ngộ nghĩnh. Nhận định đã ngộ: âm thịnh dương suy? Nghiệm chứng cũng ngộ nữa: “Làm việc dùng ban đêm”. (Làm việc gì cũng vậy cả sao? Lẽ nào? Chắc hòa thượng chủ ý nói riêng một vài việc nào đó thôi chứ!) “Con trai thông minh không bằng con gái” (Liệu hòa thượng biết được bao nhiêu về gái Huế mà nói nghe chắc nịch, rành rẽ quá vậy?).

Cười hòa thượng thì tha hồ cười, tuy nhiên nhận xét của người khách phương xa ấy dường như cũng không phải là hoàn toàn vô căn cứ đâu. Dường như cái giọng Huế có thể giúp cho ông ta một “nghiệm chứng” nữa: “một giọng nói có âm vực hẹp, nghe ngọt ngào, dịu dàng, uyển chuyển, không thể oai dũng”(2), một giọng nói đầy âm tính. Và nếu vui tươi, phấn phát, nhanh nhẹn v.v… là thuộc tính của dương, thì những điệu hò điệu hát lữn lờ, buồn thảm, chùng chình chậm chạp, kéo dài lê thê của Huế cũng có thể nói chứa nặng âm chất.

Nhưng chuyện âm dương khí hòa là cái sở trường của một người Tàu ba trăm năm trước. Chúng ta ngày nay, dù nghĩ về giọng Huế hay người Huế, thiết tưởng cũng không nên dừng lại quá lâu ở vấn đề âm dương ấy.

Giọng Huế dịu dàng, hò Huế nghe thê thiết, có nhiều cách giải thích.

Có cách giải thích của các nhà nhạc học, bằng sự truy tầm nguồn gốc xa xôi của một cung điệu, như Trần Văn Khê và Phạm Duy đã làm: “Âm giai hò mái đẩy là yếu tố còn sót lại của một hệ thống âm nhạc độc đáo phổ biến trên đất Việt, trước khi người Việt chấp nhận hệ thống âm giai ngũ cung của nhạc Trung Hoa” (…) “Tiếng hát (của Hò mái đẩy hay Hò mái nhì) xây dựng trên một hệ thống âm giai Ấn Độ, mẹ đẻ của âm nhạc Chàm, vì những cung bực lơ lớ mà thể hiện ra được sự thầm bí của cõi lòng, và vì vậy mà đi sâu vào tâm hồn chúng ta hơn nhạc miền Bắc”(3).

Có cách giải thích bằng hình thể sông núi, bằng cảnh trí địa phương, như Nguyễn Xuân Khoát và Thanh Tịnh đã làm: “Cũng một điệu hò chèo thuyền nghe ở một khoảng phá hay ở một khúc sông là đã khác nhau: giọng hò lan dài rộng trên mặt phá, nghe thanh thoát hơn giọng hò vẳng trên sông; giọng hò trên sông nghe “mùi” hơn, gần gũi hơn. Làng nào ở khúc sông, hay khoảng phá hẹp, giọng hò của người làng này nghe ngắn và trong; ở khúc sông hay khoảng phá rộng, giọng hò nghe trầm và mạnh”(4).

Có cách giải thích bằng sinh hoạt địa phương: Điệu hò khoan thai vì điệu sống bình thản(5).

Có cách giải thích giọng Huế bằng người Huế: giọng nói giọng hát biểu hiện tâm tình, người nào giọng ấy v.v…

Lướt qua các lối giải thích trên, lối thứ nhất quá chuyên môn, kẻ phàm tục nên tránh xa: Tại sao âm giai Ấn Độ chọn một vùng Trị Thiên con con mà không chọn nơi khác để đánh rơi lại những cung bực lơ lớ? Ai mà hiểu?

Lối thứ hai xa vời: Con sông Hương có tiếng lững lờ thật. Nhưng còn những sông Bồ, sông Thu Rơi v.v… đều thế chăng? Đều khác biệt với sông ngòi trong Nam ngoài Bắc cả chăng? Người thiếu phụ ru con giữa đêm khuya trên chiếc võng trong gian nhà chật hẹp, giọng ru cũng chịu ảnh hưởng của dòng nước lững lờ các con sông chăng?

Rốt cuộc, kẻ phàm tục đành lắc đầu trước những cái hóc búa, và quay về với những điều gần gũi giản dị hơn: vài nét đặc biệt trong tính tình và sinh hoạt của người địa phương.

Sự sinh hoạt ở Huế không giống ở các nơi khác khắp miền Trung.

Hồi cuối thế kỷ thứ XVII, vẫn theo lời Thích Đại Sán, “trong nước dân rất khổ, đất ruộng ít ỏi, lúa chẳng đủ ăn. Dân thổ trước một dải Thuận Hóa Hội An đều sống nhờ lúa của các hạt khác. Thổ âm gọi “phạn” là “cơm”, kiếm đủ cơm ăn không phải chuyện dễ…”.

“Trong nước dân rất khổ”, cái “nước” mà hòa thượng nói đó là “một dải Thuận Hóa Hội An”, hay chẳng qua là một vùng xung quanh Huế. (Bởi vì “các hạt khác” đã thừa lúa đưa đến nuôi sống vùng này thì đâu có “đất ruộng ít ỏi”).

Sau Thích Đại Sán ba thế kỷ, nhà văn Phan Nhật Nam than rằng giặc đánh chỗ nào trên đất nước cũng chết người dân Trị Thiên cả(6): nói cách khác, là dân Trị Thiên tản mác đi làm ăn khắp nơi. Một nhà văn khác, cũng người Huế, là Hoàng Ngọc Tuấn, viết: “Bà ngoại tôi có thông lệ rải con cái khắp các tỉnh trên toàn lãnh thổ”(7).

Thông lệ ấy chắc chắn có liên hệ với cái tình trạng đất ruộng ít ỏi. Đã vậy, Huế cũng không phải là nơi để kinh doanh buôn bán. Sài Gòn, Nha Trang, Qui Nhơn, Đà Nẵng v.v… mỗi năm mỗi khác: đường mới, phố mới, nhà mới mọc thêm lung tung… Nhưng kẻ xa Huế năm năm mười năm, ngày về thấy cảnh cũ vẫn còn nguyên, có thêm chăng là mấy ngôi trường, một khu bệnh viện, mấy cơ sở hành chánh, chứ hoạt động kinh tế yếu ớt không đủ sức làm thay đổi xáo trộn bộ mặt thành phố.

Cửa tiệm chỉ tập trung ở vài đường phố; còn lại là nhà ở. Không có đô thị nào mà “khu gia cư” chiếm phần rộng lớn như vậy. Sống ở đây như là để nghỉ ngơi: mỗi nhà một khoảng vườn, có cây có kiểng… Nhiều biệt thự quá: biệt thự nguy nga và biệt thự lụp sụp, biệt thự lợp ngói và biệt thự lợp tôn; biệt thự vách bê tông và biệt thự vách phên tre v.v… Giữa phố thị mà giàu nghèo đều được hưởng thú ẩn dật trong khung cảnh tĩnh mịch. Cuộc sống “bình thản” là vậy đó chăng?

Như thế, bình thản là do thiếu hoạt động. Đây không phải là nơi đến để làm ăn, dù là làm ruộng, hay làm thợ, hay bán buôn. Đây là đất “thần kinh”, là chỗ đặt triều đình trong nhiều thế kỷ, là cứ điểm của bộ máy cai trị đông đảo nhất thời trước. Bộ máy khổng lồ ấy dung nạp từ những nhân tài học rộng tài cao giữ các địa vị rường cột quốc gia cho đến những tùy phái, lao công, những ông đội thầy cai…, nó nuôi sống một giới khá lớn trong thời thịnh phát của nó.

Và dĩ nhiên, nó cũng ghi lại ít nhiều nét riêng trong nếp sống, trong tính người. Sao cho khỏi?

Người nông dân khác người thư lại.

Trên các cánh đồng Nam Ngãi, Bình Phú, Khánh Thuận, nông phu lam lũ vất vả. Có vài danh từ quen thuộc để mô tả dân quê: cục mịch, chất phác. Không phải không có lý do: sự láu lỉnh ranh mãnh hay lời nói khôn khéo ngọt ngào đều vô ích đối với khoai, lúa. Muốn hoa màu được tốt, chỉ cần có công phu chăm sóc hì hục.

Trái lại, người buôn bán không thể không lém lỉnh, người thư lại không khéo léo khó tiến thân. Làm quan phải có chữ nghĩa đã đành, nhưng còn phải biết giao thiệp. Biết ăn chơi chút ít: nghe hát, đánh bài…; biết rượu trà chút ít; biết lựa lời cho đẹp lòng cấp trên vui lòng cấp dưới; biết thuật đàm đạo ở những chỗ hội họp bạn bè; biết cách yến tiệc đãi đằng để kết giao v.v… Do sự đòi hỏi của nghề nghiệp, xã hội thư lại phải chăm sóc cái ăn cái mặc, lời ăn tiếng nói, trau dồi nghệ thuật xử thế…

Về cái ăn, Huế dồi dào nhất miền Trung. Mâm cơm Huế trông cảnh vẻ, mỗi món một chút, nhưng thật nhiều món, nhiều màu sắc. Chất liệu có thể nghèo nàn nhưng món ăn thật phong phú. Người đàn bà Huế sau này được “rải khắp toàn lãnh thổ”, ở các miền Nam Trung Việt và Cao nguyên họ toàn làm chủ những quán ăn ngon nhất, truyền dạy những món ăn được ưa chuộng: tré, nem (nem Ninh Hòa, nem Tuy Phước cùng một vị và chắc cũng làm theo một cách thức của nem Huế), bún bò v.v…

Về cái mặc, tục ngữ còn xếp hạng Huế trên xứ Bắc: “Ăn Bắc mặc Kinh”. Có lẽ câu nầy ra đời vào thời kỳ mà triều đình Huế với các đại thần, mệnh phụ, các vương tôn công tử còn giữ vai trò hướng dẫn kiểu thức trang phục cho cả nước. Thời ấy qua rồi; nhưng cho đến ngày nay trông áo quần ở Huế vẫn trang trọng hơn ở các nơi: Không có một người đàn bà Huế nào – hoặc gánh hàng rong bán dạo, hoặc ngồi ở lều chợ v.v… – mà chịu bằng lòng với cái áo bà ba chẳng hạn. Dù sờn dù rách, ra khỏi nhà họ vẫn giữ chiếc áo dài.

Và khắp miền Trung thời xưa có lẽ cũng chỉ có ở Huế việc làm đẹp của người đàn bà mới được đưa xa hơn chuyện áo quần. Ở Huế có thứ phấn nụ: đây có phải là thứ mỹ phẩm cổ truyền duy nhất sản xuất ở xứ ta mà các hàng Âu Mỹ nhập cảng vẫn chưa giết chết chăng? Ở Huế, có những người đàn bà cao tuổi, rất cao, vẫn đánh phấn bôi son hàng ngày: cũng là trường hợp duy nhất ở miền Trung nữa chăng? Cũng lại ở Huế, nghề kim hoàn đạt đến mức tinh xảo nhất. Khi được “rải khắp toàn lành thổ”, người đàn ông Huế đến làm ăn tại nam Trung Việt và Cao nguyên đều làm chủ những tiệm vàng, tiệm nữ trang: dân địa phương đâu dám dại dột mon men cạnh tranh với họ trên lãnh vực này!

Cái ăn cái mặc như thế, còn về lời nói? – Dân ta có một nguyên tắc về sự khôn ngoan trong lời ăn tiếng nói.

“Chim khôn hót tiếng rảnh rang,
Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe”.

Trong xã hội thư lại xưa kia nghề nghiệp bắt buộc phải khôn. Gì chứ “dịu dàng” thì người Huế ăn đứt: lời nói dịu, giọng nói càng dịu. Họ còn đi xa hơn sự dịu dàng một bậc nữa: họ nhỏ nhẹ, (theo cách phát âm địa phương là “dỏ dẹ”). Trong con mắt những người nông dân, cục mịch khắp các tỉnh khác của miền Trung, người Huế tiêu biểu là đúc kết của sự thanh tú: Hình vóc mảnh mai, nói năng nhỏ nhẹ.

Một hình ảnh như thế, thật không có gì khác lạ với người nông dân hơn.

Đây, một người dân quê tỉnh khác nói về sắc diện một người đàn bà Huế: “Chèn ơi, cô có bà má chồng thiệt ngộ mà lâu nay giấu tui há. Bã già mà còn diện đẹp mê hồn vậy đó (…) Đôi môi thoa son đỏ chét, mà dồi phấn trắng chạch y chen mấy cô đào thương của ông “Bang Bạnh”(8)”.

Và đây là một người đàn bà Huế nói về ngôn ngữ của dân quê tỉnh khác: “Cũng thì chửi, mà xứ tôi họ chửi dẹ dàng như ca hát, họ chửi thanh tao, có mô mà tục tẳn, hàm hồ hàm chứa như con mụ nớ”(1).

Chửi dẹ dàng còn như ca hát, huống hồ nói dỏ dẹ thì êm tai biết bao. Do đó mà có một thành kiến về người Huế.

Vì lời nói êm tai có thể khiến ta nuốt trôi những điều cay đắng mà không kịp nhận ra, có thể khiến ta chấp thuận những điều thiệt thòi mà khi nghĩ ra đã muộn. Lời nói dễ nghe có thể là thuốc đắng bọc đường. Về phía phụ nữ, lời nói dễ nghe tăng thêm mức quyến rũ. “Học trò trong Quảng ra thi” mới trông thấy hình dáng đã mê rồi, nghe nói năng càng quýnh lên. Cho nên bảo: “Sơn bất cao, thủy bất thâm…” Thực ra, cái khéo léo của đàn ông không nhất thiết phải là trí trá, còn cái ngọt ngào nào của đàn bà cũng cho là tình tứ cả thì có ngày hố to! Đó chẳng qua là kết quả của một nề nếp sinh hoạt trong đó sự giao tế có vai trò quan trọng.

Nếu phục sức sơ sài hớ hênh của người đi cấy đi cày, bắt cua mò ốc, được ca ngợi là nét hồn nhiên, thì trong xã hội thư lại sự ăn mặc cẩu thả có thể đưa đến một thất bại nghề nghiệp. Nếu lời nói sống sượng của nông dân được ca ngợi là bộc trực chất phát, thì trong xã hội thư lại nó có thể làm hỏng một tương lai nghề nghiệp.

Do đó, hồn nhiên bộc trực v.v… là những cái cấm kỵ. Ở đây, cũng như ở các mọi xã hội “văn minh”, ước lệ giao tế trấn áp các phản ứng tự nhiên. Người đàn ông tập quên những cơn phẫn nộ, người đàn bà tập dằn nén tình cảm, dìm nó xuống thật sâu tận đáy lòng. Ai nấy tập luyện làm chủ lấy mình, khắc phục ức chế bản năng.

“Bình thản” là vậy đó chăng? Nếu thế bình thản chỉ là cái mặt ngoài. Nó che giấu những cơn sóng ngầm.

Dẫu sao, ở bề ngoài, người Huế sống chật chững chạc, khuôn phép. Họ chống lại những gì sôi nổi, vụt chạc, phiêu lưu. Người Huế có đánh bạc, thật nhiều, nhưng đánh nhỏ để giao thiệp, để tiêu khiển thôi: không có lò sát phạt điên cuồng như ở đại thế giới trong Chợ Lớn độ nào. Trong năm ba năm gần đây, phong trào đánh số đề hoành hành điên đảo khắp miền Trung: đến đèo Hải Vân nó dừng lại, cúi đầu. Người Huế không say mê, không mạo hiểm.

Đó là phong thái của người cách mạng miền Trung đó sao?

– Thực ra, miền Trung cách mạng lâu nay chỉ nổi tiếng ở hai vùng Nghệ Tĩnh và Nam Ngãi. Còn Huế chỉ được chú ý từ vụ 63, một biến cố có nhiều màu sắc tôn giáo, mà dân Trị Thiên vẫn có một lực lượng Phật tử đông và ngoan.

Thế thường người thư lại không có thói quen chống đối, nổi giận. Có một thời người ta đặt ra cái “Liên đoàn công chức cách mạng”… Đó là một sự đùa giễu: Công chức với cách mạng là hai thứ kỵ nhau như nước với lửa. Một bên là tuân phục, một bên là chống đối: một bên hòa mình vào mọi chế độ, một bên lật đổ chế độ.

Một người dân Huế phản kháng, tranh đấu, dữ dằn? Hình ảnh ấy không có trong trí tưởng tượng của người miền Trung đâu; chỉ có hình ảnh người Huế thanh tú.

Riêng ở người đàn bà, nét thanh tú nọ có thể che giấu những tình cảm không ngờ. Lại một dịp nhớ đến nhà sư Trung Hoa: Âm là thu liễm vào bên trong. Tình cảm ẩn ức thu liễm vào, phải chăng đã ngấm qua những điệu hát buồn thê thiết, thấm thía tinh thần nhẫn nhục…

– Sao có thể nói về người Huế như về giới thư lại? Đâu phải ở Huế ai cũng làm quen?

– Phong thái nhà quan ảnh hưởng đến kẻ ăn người ở trong nhà, phong thái của vị đại thần ảnh hưởng kẻ hầu người hạ xung quanh. Từ đó, lan truyền đến gia đình quyến thuộc của họ, thẩm thấu khắp dân gian. Giới quan lại đã đông đảo, lại có địa vị then chốt trong cuộc sống địa phương, là mối hãnh diện của địa phương. Ảnh hưởng của nếp sống giới ấy là tự nhiên.

– Nhưng từ một thế kỷ, khi thực quyền cai trị đã về tay người Pháp, từ ba mươi năm nay, khi chế độ vua chúa đã chính thức cáo chung…

– Huế mất cái đặc điểm nọ của một thời, Huế đang hòa đồng vào nếp sông chung của các tỉnh khác tại miền Trung. Phải, mấy nét cá tính kia đang tự xóa dần. Những nét mới đang thành hình. Những ghi nhận trên đây sắp lỗi thời. Và trước khi lỗi thời, nó đã là những ghi nhận thiếu sót: Nó chỉ căn cứ ở một khía cạnh của cuộc sinh hoạt mà thôi. Đâu có thực tại nào giản dị đến thế?

Võ Phiến
3-1973

Nguồn: Đất nước quê hương. Tùy bút của Võ Phiến. Lửa Thiêng xuất bản, Sài Gòn, 1973.
Đăng lại từ Fanpage Thú Chơi Sách
Mời độc giả ghé thăm

Chú thích:

(1) Thích Đại Sán. Hải ngoại Ký sự. Bản dịch của viện Đại học Huế – 1963 – trang 49.
(2) Xin xem lại bài “Giọng Huế”.
(3) Do Lê Văn Hảo trích dẫn trên tạp chí Đại học, số 35, 36, tháng 10 và 12 năm 1963, trang 711.
(4) Bđd, trang 708.
(5) “Giọng Huế”.
(6) “Giọng Huế”.
(7) Nhà có hoa minosa vàng, An Tiêm, trang 154.
(8) Nguyễn Thị Ngọc Minh. “Trái khổ qua”. Tạp chí Văn, số tháng 3-1973.