Người phụ nữ khiến vua Bảo Đại phải bãi bỏ cả hậu cung (P3)
- Quang Minh
- •
Ngày cưới, Nam Phương hoàng hậu xuất hiện giữa triều đình nhà Nguyễn, chung quanh đầy văn võ bá quan, nhưng bà vẫn “seule” và cả đời bà sau này cũng “toujours seule”…
Vua Bảo Đại đã viết về Nam Phương hoàng hậu trong ngày cưới như thế này: “pour la première fois dans l’histoire de l’Annam, une femme s’avance seule, saluée par toute la Cour. Toujours seule, elle pénètre dans la grande salle òu je l’attends, assis sur un trône bas”.
Có nghĩa là: “lần đầu tiên trong lịch sử An Nam, một người phụ nữ một mình bước tới, được cả triều thần cúi chào. Vẫn luôn một mình, nàng đi thẳng vào phòng lớn, nơi tôi đang ngồi chờ nàng trên một cái ngai thấp”.
Dù chung quanh đầy bá quan văn võ, Nam Phương hoàng hậu vẫn “một mình”, và gần như cả phần đời sau này bà cũng “vẫn luôn một mình”. Trong suốt những năm sống ở Huế, bà “vẫn luôn một mình” như thế giữa đám thị nữ, quan thần, dòng tộc, “một mình” với tiếng nói, tôn giáo, văn hóa, học vấn. Cái “một mình” ấy đã theo đuổi suốt cuộc đời bà. Thật không ngờ rằng nhận xét của Bảo Đại trong ngày cưới lại mang một cái gì đó thật định mệnh và oan trái tới cho Nam Phương hoàng hậu…
Nam Phương hoàng hậu là một người phụ nữ hiền thục và nhân từ. Suốt những năm ở ngôi hoàng hậu, cũng như mãi về sau này, bà hầu như chưa hề có một điều tai tiếng hay một lời oán trách với triều đình. Vốn tiếp thu nền giáo dục Âu Tây, có đầu óc cởi mở và tiến bộ, Nam Phương hoàng hậu đã nhẫn nhịn sống trong cung và đối diện hàng ngày với lễ nghi, với những bộ mặt nghiêm nghị, bảo thủ và đua tranh. Điều đó hẳn là khó lắm.
Nhưng công bằng mà nói, Nam Phương hoàng hậu đã làm tròn chức trách của một “đệ nhất phu nhân” như kỳ 2 có bàn tới. Bà cũng được nhiều người đánh giá là người thiết tha với đất nước. Sau Tuyên cáo Việt Nam độc lập của vua Bảo Đại ngày 11/3/1945, khi Pháp muốn quay trở lại Việt Nam, Nam Phương hoàng hậu đã viết một bức thư gửi cho một số nước ở châu Á, tố cáo hành động xâm lăng của Pháp bấy giờ. Thư viết:
Kể từ tháng 3 năm 1945, nước Việt Nam đã thoát khỏi sự đô hộ của người Pháp nhưng vì lòng tham của một thiểu số thực dân Pháp với sự tiếp tay của quân đội Hoàng gia Anh nên hiện nay máu của nhân dân Việt Nam lại tiếp tục chảy trên mảnh đất vốn đã có quá nhiều đau khổ. Hành động này của thực dân Pháp là trái với chủ trương của Đồng Minh mà nước Pháp lại là một thành viên. Vậy tôi tha thiết yêu cầu những ai đã từng đau khổ vì chiến tranh hãy bày tỏ thái độ và hành động để giúp chúng tôi chấm dứt chiến tranh đang ngày đêm tàn phá đất nước tôi.
Thay mặt cho hàng chục triệu phụ nữ Việt Nam, tôi thỉnh cầu tất cả bạn bè của tôi và bạn bè của nước Việt Nam hãy bênh vực cho tự do. Xin các chính phủ của khối tự do sớm can thiệp để kiến tạo một nền hòa bình công minh và chân chính và xin quý vị nhận nơi đây lòng biết ơn sâu xa của tất cả đồng bào của chúng tôi.
Ký tên:
Bà Vĩnh Thụy
(Tức Nam Phương hoàng hậu)
Sau khi Bảo Đại thoái vị ra Hà Nội, bà Nam Phương ở lại cung An Định, Huế, cùng các con. Lúc này, bà rất lo lắng cho số phận của chồng ở Hà Nội, lại phiền não vì bản tính phong lưu của Bảo Đại, dù khi ông còn tại vị, ông thật sự đã giữ lời hứa bãi bỏ hậu cung với bà. Những cuộc tình của Bảo Đại sau khi thoái vị thì chúng ta cũng chẳng nhắc đến làm gì nữa.
Đến cuối năm 1946 và đầu 1947, tình hình chính trị và quân sự ở Huế trở nên bất ổn, nên bà Nam Phương và các con rời khỏi cung An Định đến ở trọ tại nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế, rồi lánh nạn ở Ngân hàng Đông Dương. Cuối cùng, bà và các con được quân đội Pháp hộ tống đi Đà Nẵng, sau đó dùng máy bay lên Đà Lạt tạm trú ở nhà người chị ruột và rời khỏi Việt Nam đi Pháp vào giữa năm 1947. Trong nỗi buồn thầm lặng, bà đưa con đến sống tại lâu đài Thorenc ở Cannes của Pháp, biệt thự riêng của gia đình Bảo Đại.
Khác với Bảo Đại ăn tiêu hoang phí, túi lúc nào cũng nhẵn, bà Nam Phương có một sản nghiệp riêng ở Neuilly, nhà cửa ở Maroc, một căn nhà ở đại lộ Opéra, một lãnh địa ở Congo và những đồ vật quý giá. Tất cả những chi tiết viện dẫn này chỉ được viết ra một cách dè dặt và không dám chắc, vì chẳng dễ gì người ta có thể biết được đích xác những tài sản của bà.
Rồi để tránh báo chí dòm ngó, bà Nam Phương dắt con về sống ở Chabrignac, tỉnh Corrèze, vùng Limousin (cách Paris 500 km về phía Nam), trong một trang trại rộng 160 ha. Đó là một ngôi làng hẻo lánh với dân số chưa tới 400 người, với những ngọn đồi và những căn nhà mái ngói sạm.
Trớ trêu thay, Chabrignac là nơi cư ngụ của hai nhân vật nữ hàng đầu của Việt Nam thời bấy giờ. Một là hoàng hậu Nam Phương, hai là công chúa Như Lý, con vua Hàm Nghi. Thời trẻ, công chúa theo vua cha bị đầy sang Algérie rồi sau đó về cư ngụ ở đây. Nhưng hai người phụ nữ ấy không có giao thiệp với nhau.
Căn nhà trên lãnh địa Chabrignac gồm 32 phòng, 4 buồng khách. Bà có vẻ thích hợp với nơi ở mới này. Những người phục dịch nhớ lại bà tươi cười, ca hát và ham sống khác hẳn trước. Bà tự đi mua sắm một mình trên chiếc xe Dauphine luôn luôn có một người đàn bà hầu cận. Bà rất bình dị, niềm nở tiếp chuyện nên được người địa phương yêu quý.
Nhưng dân Chabrignac kể rằng, bà Nam Phương vẫn sống âm thầm và có phần cô đơn. Bảo Đại chỉ đến đây có 3 lần trong suốt 5 năm trời bà ở đây. Thỉnh thoảng bà mới về thăm Paris vài ngày. Có lẽ niềm vui lớn nhất là dịp nghỉ hè, các con mới có dịp về thăm bà. Sức khỏe của bà ngày càng suy yếu do bệnh suyễn và tim.
Ngày 13/9/1963, bà từ Brive trở về thì thấy đau cổ. Hôm sau, bà thấy khó thở. Những người bồi phòng kêu bác sĩ tới, nhưng không có ai. Bà cứ thế thở dốc lên, mệt nhọc. Cảnh sát, lính cứu hoả đến làm hô hấp nhân tạo nhưng đều quá trễ. Bà mất im lặng như thế vào ngày 14/9, “vẫn luôn một mình”… Sau thì hai hoàng tử và ba công chúa mới về.
Đám tang vị hoàng hậu cuối cùng của Việt Nam được tổ chức một cách sơ sài lặng lẽ như những năm tháng cuối đời của bà. Hôm đưa đám, ngoài hai hoàng tử và ba công chúa đi bên cạnh quan tài mẹ ra, thì chỉ có một điều trùng hợp. Đó là bà công chúa Như Lý vừa là hàng xóm, vừa là bà con với hoàng hậu mà trong năm năm, họ chưa hề giao thiệp.
Mộ hoàng hậu Nam Phương thật đơn sơ với hai hàng chữ bằng hai thứ tiếng khác nhau, một là chữ Hán, một là chữ Pháp. Bia chữ Hán dịch là:
ĐẠI NAM NAM PHƯƠNG HOÀNG HẬU CHI MỘ
(Mộ phần của hoàng hậu Nam Phương nước Đại Nam)
Còn bia chữ Pháp đề:
ICI REPOSE L’IMPÉRATRICE D’ANNAM
NÉE MARIE THÉRÈSE NGUYEN HUU THI LAN
(Đây là nơi an nghỉ của hoàng hậu Việt Nam
nhũ danh Marie Thérèse Nguyễn Hữu Thị Lan)
Ngôi mộ làm bằng xi-măng đơn sơ. Mộ bia cũng bằng xi-măng, nên góc dưới bên mặt bị bể một miếng nhỏ. Nhìn qua ngôi mộ, ai cũng có thể bảo ngôi mộ từ khá lâu không được tu bổ, chỉnh trang… Gia đình bà làm tạm để chờ cơ hội cải táng đem về quê hương Gò Công hay Đà Lạt. Nhưng khi gia đình xin phép thì chính quyền Tổng thống Ngô Đình Diệm từ chối, nên đành phải chôn cất tại nghĩa trang Chabrignac.
Vậy là Nam Phương hoàng hậu nằm cô đơn trong một vùng hẻo lánh trên đất khách, ít người viếng thăm trông nom. Bà là một đệ nhất phu nhân, một vị hoàng hậu thông minh tài giỏi của nước Việt, mà lại còn là người có lòng với đất nước. Phần đời bà còn rất nhiều điều chưa được sáng tỏ, nhưng phải chăng chính cái phần bóng tối ấy lại là nơi trú ẩn an toàn nhất mà bà muốn giữ lại đem về bên kia thế giới?
“Toujours seule” – “Vẫn luôn một mình”
Đó quả là một lời nhận xét định mệnh cho cuộc đời của Nam Phương hoàng hậu.
Tư liệu:
- Tham khảo bài viết “Nam Phương hoàng hậu – Nguyễn Hữu Thị Lan” của tác giả Trần Văn Đạt trong Đặc san Petrus Trương Vĩnh Ký 2013.
- Tham khảo từ bài viết “Nam Phương hoàng hậu” của GS Nguyễn Văn Lục.
- Hình ảnh qua trang HinhAnhVietNam.com
Quang Minh tổng hợp
Xem thêm:
- Những vị vua nhà Nguyễn bị “ép buộc” lên ngai vàng (P1)
- Xiêm La: Nơi duy nhất ở Đông Nam Á không trở thành thuộc địa
- Lê Đỉnh: Vị quan nhà Nguyễn mong muốn canh tân đất nước
Mời xem video:
Từ khóa Nam Phương hoàng hậu Pháp thuộc lịch sử Việt Nam Danh nhân lịch sử