Người quân tử biết Thiên mệnh, kính Thiên mệnh, thuận Thiên mệnh
- Trí Chân
- •
Nho gia đề xướng rằng người quân tử cần phải “biết Thiên mệnh”, “không biết Thiên mệnh thì không thể là người quân tử được”. Thiên mệnh chính là tự giác có tinh thần sứ mệnh, “biết Thiên mệnh” tức là lĩnh ngộ được bản thân gánh vác sứ mệnh, ắt phải nghĩ cách hoàn thành. Nguồn gốc của sứ mệnh này là ở Thiên Thượng, do đó gọi là Thiên mệnh. Quan niệm Thiên mệnh của Khổng Tử laf không ngừng tu thân để đạt đến chí thiện, và khiến thiên hạ trở về với chính Đạo. Trong Luận Ngữ, ông viết: “Ta 15 tuổi đặt chí vào học [Đạo], 30 tuổi tạo lập chỗ đứng vững chắc [trên đường nhân sinh], 40 tuổi không còn điều mê hoặc [trong tâm], 50 tuổi biết Thiên mệnh [mà Trời đã an bài cho ta], 60 tuổi nghe là biết thật giả đúng sai và bình thản [bất động tâm], 70 tuổi nói và làm theo tâm mong muốn mà không vượt ngoài phép tắc”. Khổng Tử cả đời truy cầu chân lý, hoằng dương đạo đức. Tinh thần dám gánh vác trách nhiệm lớn lao của ông đã cổ vũ các thế hệ sau này.
Đặt chí vào học hay đặt chí vào Đạo
Người xưa nói: Nơi đặt tâm vào thì gọi là “chí”. “Chí” ở đây là chỉ một loại “chí hướng”, một loại “truy cầu”, một loại “ý chí”, một loại “tinh thần” kiên định không lay chuyển. Khổng Tử nói: “Ta 15 tuổi đặt chí vào học”, học ở đây là chỉ học Đạo, điều muốn học tập chính là muốn đạt được đạo nghĩa cao, đạt được đạo lý câu thông với Thượng Thiên, học tập phép tắc của Thiên Địa đại Đạo, khiến tất cả những gì bản thân làm có thể hợp với đại Đạo.
Chuẩn mực đạo đức và luân lý cương thường thời cổ đại là đối tượng tiếp nhận mà không thảo luận, là đối tượng tín ngưỡng mà không nghiên cứu. Điều mà học tập cần làm không phải là tìm tòi bản thân tri thức, mà là làm thế nào thực hiện được Đạo của Thánh hiền trên thực tế. Vì vậy Khổng Tử nhấn mạnh coi trọng tu thân, từ “chớ tự dối mình” đến “cẩn thận ngay cả khi ở một mình”; từ “thiết tha trác ma” (tu dưỡng như cắt gọt mài giũa ngọc) đến “hữu bùi quân tử” (người quân tử nho nhã tài hoa chất phác); từ “tự minh” (tự mình hiểu rõ) đến “nhật tân” (ngày ngày đổi mới), không điều gì là không cho thấy cảnh giới đạo đức không ngừng thăng hoa.
Khổng Tử nói: “Người quân tử mưu cầu Đạo chứ không mưu cầu kiếm ăn”, “lo Đạo chứ không lo nghèo” (Luận Ngữ – Hiến vấn). Ông cho rằng mục đích làm việc của người quân tử không phải ở sự việc, mà là ở Đạo. Mục đích của “Lập chí ở học” và cầu Đạo là phải “chính tâm, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”, khiến cho nhân tâm hướng thiện, là gánh vác trách nhiệm lớn lao như thế.
Gây dựng chỗ đứng ở thế gian
Vào thời Xuân Thu chiến loạn phân tranh, Lễ băng Nhạc hoại, Khổng Tử vấn lễ Lão Tử, muốn thực thi Nhân, Lễ trên đời. Khổng Tử nói “tam thập nhi lập”, 30 tuổi gây dựng chỗ đứng vững chắc ở thế gian. Giai đoạn này, ông đã thành lập ra tư tưởng lấy Nhân, Lễ làm trung tâm để cứu đời, phá giải nghi hoặc, coi trọng đạo đức giáo hóa, bắt đầu dạy học truyền thụ học sinh.
Khổng Tử đề xướng dùng Lễ để ước thúc bản thân, “trái với Lễ không xem, trái với Lễ không nghe, trái với Lễ không nói, trái với Lễ không làm”, không được vi phạm luân lý đạo đức.
Học trò của Khổng Tử là Phàn Trì hỏi thế nào là Nhân, Khổng Tử nói: “Yêu thương người”. Nhan Hồi hỏi hàm nghĩa của Nhân, Khổng Tử nói: “Khắc chế bản thân tuân theo lễ là nhân. Hễ một ngày khắc chế bản thân tuân theo lễ thì thiên hạ sẽ quy về điều nhân”. Tử Lộ hỏi về chính trị, Khổng Tử nói: “Làm trước mọi người, chịu khổ nhọc”. “Làm trước mọi người” tức là lấy thân mình làm gương, mọi việc đều làm trước. “Chịu khổ nhọc” tức là chuyên cần làm việc vất vả vì dân mà quên đi cả mệt mỏi.
Khổng Tử tôn sùng Vương Đạo mà các Thánh vương cổ đại thực thi: Người làm chính trị đồng lòng với Thiên Địa, có khí độ và tấm lòng vô tư của Thiên, Địa, Nhật Nguyệt đối với vạn vật thế gian, đồng thời quan tâm yêu thương dân chúng bằng tấm lòng vô tư.
Biết rõ không mê hoặc
Trong xã hội tràn đầy vật dục, một số người rời xa chính Đạo, người sống trong loạn thế và nghịch cảnh thì tiếng oán hận đầy đường, đâu muốn tiếp cận với Đạo? Làm thế nào khai phát sức mạnh đạo đức vốn có trong tâm mỗi người, đó không phải là thuyết giáo giản đơn mà là có quan hệ đến sự tự giác của mỗi thể sinh mệnh. Làm thế nào để tự giác? Cần đảm đương trách nhiệm lớn, gánh vác sứ mệnh và trách nhiệm bảo vệ đạo nghĩa, dùng chính tâm thành ý đối diện thẳng với bản chân của sinh mệnh, dẫn dắt con người bằng sự chân chính.
Khổng Tử cho rằng người quân tử ắt phải có sự gánh vác của sinh mệnh, ông nói: “40 tuổi không còn nghi hoặc”. Giai đoạn này, ông dốc sức khôi phục điển Lễ nhà Chu, muốn phục hưng Đạo của Thánh vương, “Nhà Chu tham khảo học tập đạo trị quốc của 2 triều đại trước, chế độ lễ nhạc phong phú đa dạng thay! Ta theo nhà Chu” (Luận Ngữ – Bát dật).
Khổng Tử mang Đạo tâm kiên định, không tính toán được mất cá nhân, không để ý đến giàu nghèo, thành đạt cá nhân. Ông nói: “nghèo mà an nhiên”; “giàu mà biết lễ”; “ăn cơm thô uống nước trắng, gối đầu lên cánh tay ngủ, niềm vui cũng ở trong đó rồi. Bất nghĩa mà giàu sang thì đối với ta như phù vân”.
Thuận theo Thiên mệnh
Khổng Tử nói: “50 tuổi biết Thiên mệnh, 60 tuổi nghe gì cũng lọt tai”. Ông đã có được sự lựa chọn nhân sinh chính xác khi hiểu rõ giá trị quan của thuyết vũ trụ quyết định, tức là nhận thức được tính tất nhiên của “Mệnh do Trời tạo”, và tính khả năng của “Phúc do mình cầu”, và đối với nhân sinh thì lựa chọn thái độ “Lựa chọn kiên trì giữ cái thiện”, “dựa vào Trung Dung”, yên vui với nghĩa mệnh.
Khổng Tử nói người quân tử “kính sợ Thiên mệnh”, cho nên “sống bình an yên vui mà chờ đợi mệnh”. Trái lại, “tiểu nhân không biết Thiên mệnh nên không sợ”, cho nên “hành vi mạo hiểm để cầu may mắn”.
Người biết mệnh thì không đứng dưới bức tường đá sắp đổ. Người quân tử tôn trọng quy luật khách quan, phân biệt rõ đúng sai, có phán đoán và dự đoán lý tính đối với sự phát triển tương lai, có thể thức tỉnh người khác theo thiện để tránh tai họa xảy ra. Thế là Khổng Tử dẫn học sinh đi chu du các nước để hoằng Đạo.
Trong thời gian 18 năm từ khi Khổng Tử 51 tuổi đến 68 tuổi, lúc làm quan nước Lỗ, từ Đô tể, Tư không đến Đại tư khấu, lúc thì chu du, đi lại giữa các nước Vệ, Tào, Tống, Trịnh, Trần, Thái, Sở, Diệp, trải hết gian khổ, nhưng ông trước sau vẫn luôn kiên trì “ngụ ý ở thực hành”, không từ bỏ bất kỳ cơ duyên nào có thể thiện hóa người khác.
Ở đất Khuông, khi Khổng Tử cùng học trò bị người Khuông bao vây tấn công, ông nói: “Trời chưa diệt cái văn hóa ấy, người Khuông làm gì được ta”. Ở nước Tống, khi ông và các học trò bị Tư Mã Hoàn Đồi đe dọa, ông nói: “Trời sinh đức cho ta, Hoàn Đồi làm gì được ta”. Người đương thời cho rằng “Thờ Thần Áo (Thần Nhà) không bằng thờ Thần Táo (Thần Bếp)”, nghĩa là thờ Thần cao không bằng thờ Thần thấp mà có thể ban cho danh lợi. Nhưng Khổng Tử lại giảng: “Đắc tội với Trời thì không có chỗ nào có thể cầu khấn được” (Luận Ngữ – Bát dật). Những lời nói này đều thể hiện ra tín niệm kiên định của người quân tử, tuân thủ hành động theo Thiên mệnh.
Làm theo những gì lòng mong muốn mà không vượt ra ngoài phép tắc
Khi Khổng Tử trở về nước Lỗ thì đã 68 tuổi rồi, ông lại dốc sức chỉnh lý Thi Thư Lễ Nhạc và giáo dục. Ông nói: “70 tuổi làm theo những gì lòng mong muốn mà không vượt ra ngoài phép tắc”.
Lúc này tất cả hành vi của Khổng Tử đã đạt đến chí đức của Trung Dung rồi, không thiếu không thừa, không thiên lệch, có thể làm gì mà mình muốn, nhưng lại rất tự nhiên không vượt ra ngoài “Nhân – Lễ” và Thiên mệnh.
Khổng Tử nói: “Ta từ khi từ nước Vệ trở về nước Lỗ, sau đó nhạc quy chính, nhã và tụng đều ở đúng vị trí của nó”; “Học không biết chán, dạy dỗ người không biết mệt mỏi”; “Cố gắng quên ăn, vui quên lo nghĩ, không biết tuổi già đang đến”. Khổng Tử biên tập kinh Thi, viết lời tựa cho kinh Thư, hiệu đính kinh Lễ, làm chính lại kinh Nhạc, chú giải kinh Dịch, đã để lại tài sản văn hóa quý báu cho đời sau.
Có thể thấy, Khổng Tử xác định rõ tác dụng của giáo dục là dạy con người “biết Thiên mệnh”, và đạt được đến thuận theo Thiên mệnh. Cả cuộc đời ông đều là cần mẫn không mệt mỏi dạy dỗ người, các môn hạ có thành tựu nổi tiếng như Nhan Hồi hiếu học, Mẫn Tử Khiên liêm khiết, Tăng Tử hoằng Đạo…
Khổng Tử coi việc duy hộ và truyền bá đạo nghĩa là chí hướng và truy cầu vĩnh hằng của đời người, cần phải hoàn thành sứ mệnh và trách nhiệm mà Thượng Thiên trao cho. Bất kể ở nơi nào, ông đều đối diện với tất cả thất bại và khó khăn bằng thái độ siêu nhiên, luôn cương nghị, trầm tĩnh mà tạo dựng những điều tươi sáng tốt đẹp, làm mẫu mực cho người đời sau.
Đăng lại có chỉnh sửa từ: Khổng Tử “Biết Thiên mệnh, sợ Thiên mệnh và thuận theo Thiên mệnh”
Đăng trên Minghui.org
Tác giả: Trí Chân
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Người quân tử Nho gia Vận mệnh Thiên mệnh