Người quân tử bao dung, đối đãi với ai cũng chân thành
- An Hòa
- •
Người ta thường quan niệm rằng chỉ khi người khác đối tốt với mình thì mình mới nên đối tốt lại. Còn nếu người khác đối với mình không tốt thì mình cũng không việc gì phải đối xử tử tế, đối với thiếu sót của họ lại càng mong muốn vạch trần ra. Tuy nhiên đó không phải là cách làm của người quân tử bao dung, có thể chân thành tha thứ, dung nạp và cảm hóa người khác.
Người xưa nói, “Trán của tướng quân rộng đến mức có thể phi ngựa, bụng của tể tướng rộng đến mức có thể chèo thuyền”. Địa vị của tể tướng là dưới một người mà trên muôn người, vì thế đức tính quan trọng nhất là cần rộng lượng, khoan dung, có như vậy mới có thể trợ giúp quân vương. Tể tướng Hàn Kỳ thời Tống là một ví dụ.
Hàn Kỳ sinh ra trong một dòng tộc nhiều người làm quan. Từ trước khi lên làm tể tướng, ông đã nổi tiếng là người có lòng khoan hậu.
Khi Hàn Kỳ đóng quân ở Định Châu, có một lần ông ngồi viết thơ vào buổi tối đã gọi một binh sĩ cầm nến đứng bên cạnh để chiếu sáng. Binh sĩ này mải nhìn đi chỗ khác nên sơ suất làm cây nến bị nghiêng và cháy vào tóc của Hàn Kỳ, Hàn Kỳ lấy tay áo dập lửa rồi lại tiếp tục viết.
Một lát sau, ông quay lại nhìn thì phát hiện ra người cầm nến bên cạnh đã được đổi thành người khác. Vì sợ viên quan chủ quản sẽ trách phạt binh sĩ kia nên ông vội vàng gọi viên chủ quản đến và bảo: “Không cần đổi người, anh ta hiện tại đã biết cách cầm nến rồi”. Từ đó về sau, quan binh trong quân đội ai nấy đều thêm bội phục tấm lòng khoan dung độ lượng của Hàn Kỳ.
Hàn Kỳ có đôi chén ngọc rất quý. Một lần khi mang chén ngọc ra để tiếp đãi khách thì một người đầy tớ không cẩn thận xô vào chiếc bàn khiến đôi chén ngọc rơi xuống đất vỡ tan. Khách khứa trong nhà đều giật mình, còn người đầy tớ kia thì run rẩy quỳ dưới đất chờ chịu phạt. Nhưng Hàn Kỳ sắc mặt không đổi, cười bảo các vị quan khách: “Bất luận là vật gì cũng đều có quy luật tồn vong”. Ông lại quay sang nói với người đầy tớ: “Ngươi là do sơ suất mà gây ra, cũng không phải cố ý, đâu phải là tội lỗi gì?” Các vị quan khách đứng trước lòng khoan dung độ lượng của Hàn Kỳ đều bội phục mãi không thôi.
Khi Hàn Kỳ ở Thiểm Tây chinh phạt phản quân, Nhan Sư Lỗ và Lý Tích có mối quan hệ bất hòa với nhau. Vì thế, Nhan Sư Lỗ thường xuyên đến gặp Hàn Kỳ và nói xấu, bôi nhọ Lý Tích. Lý Tích cũng giống như thế, thường xuyên lui tới chỗ của Hàn Kỳ để nói xấu, bôi nhọ Nhan Sư Lỗ. Suốt một thời gian dài, Hàn Kỳ đều nghe hai người họ nói xấu về nhau, nhưng ông lại không lợi dụng điều đó để mưu lợi, cũng không dùng nó để tạo ra hiềm khích cá nhân, mà một mực giữ kín chuyện này, không kể cho người khác nghe. Nhờ đó mà việc quân không rối loạn, hai người kia cũng bình an vô sự, không xảy ra mâu thuẫn kịch liệt hơn.
Lúc Hàn Kỳ, Vương Củng Thần và Diệp Định Cơ chủ trì khoa thi ở phủ Khai Phong thì Vương Củng Thần và Diệp Định Cơ thường xuyên vì tranh luận mà xảy ra mâu thuẫn. Trong khi đó Hàn Kỳ lại bình tâm ngồi giữa phòng chấm bài thi, giống như không nghe thấy hai người họ nói gì. Vương Củng Thần cho rằng Hàn Kỳ không bênh vực mình, liền nói lời chế giễu: “Ngài là đang ở trong này tu dưỡng độ lượng sao?” Hàn Kỳ nghe xong vẫn giữ vẻ mặt ôn hòa rồi nhận thiếu sót về mình.
Hàn Kỳ từng nói: “Bất luận là quân tử hay tiểu nhân, đều nên dùng tấm lòng chân thành để đối đãi với họ. Nếu biết người đó là tiểu nhân, vẫn có thể kết giao bạn bè sơ sơ.”
Thông thường, trong cuộc sống nếu một người bị tiểu nhân lừa gạt thì thường sẽ tìm cách để vạch trần họ, nhưng Hàn Kỳ lại không làm như vậy. Mặc dù trong cuộc đời, nhiều lúc ông biết rõ ràng mưu kế của kẻ tiểu nhân nhưng đều bình tĩnh nhẫn nhịn vượt qua, không từng biểu hiện ra bên ngoài.
Nếu trong tâm một người là lương thiện và bao dung thì họ sẽ không quá để tâm đến cái nhìn của người khác đối với mình. Hơn nữa, người quân tử ấy cũng sẽ không bị rơi vào cái vòng luẩn quẩn của được và mất, của thành tích và thiếu sót.
Thời Hàn Kỳ đảm nhận chức Tể tướng, khi ông phát hiện ra trong số công văn được gửi đến có những lá thư công kích vạch trần lẫn nhau với lời lẽ ác ý thì đều ngay lập tức lấy lại, không bao giờ để cho người khác thấy được. Nhờ đó mà mối quan hệ của mọi người trong triều được hòa thuận hơn.
Hàn Kỳ kính Trời biết mệnh, luôn tận sức làm hết trọng trách mà mình nắm giữ. Mặc dù gánh vác trách nhiệm trọng đại, thường xuyên phải đối mặt với những tai họa khó đoán trước, đối mặt với những hoàn cảnh nguy hiểm đến tính mạng nhưng ông chưa bao giờ lo lắng, ưu phiền. Trái lại, ông luôn vui vẻ, không vì tình thế biến hóa mà thay đổi.
Hàn Kỳ từng nói: “Ta cả đời dựa vào trung thành và tự khắc chế bản thân cho nên gặp việc lớn thì không sợ sống chết. Nhưng điều may mắn chính là ta chưa chết mà sự tình lại đều làm thành. Đây đều là nhờ vào sự che chở của Trời đất chứ không phải ta có năng lực to lớn gì.”
Người ta đều thích kết giao, tiếp xúc với người quân tử chân thành vì người chân thành luôn ấm áp như ngọc, có thể học hỏi được nhiều điều. Còn đối với người không đối đãi tốt với mình thì rất khó để chúng ta đối tốt với họ. Kỳ thực không bao dung được người khác là có sự tự cao ở trong đó, có sự khinh thường, chán ghét ở trong đó, đều là những điều không tốt thuộc về tâm tính mỗi người. Nếu có thể làm được đối đãi chân thành với bất kỳ ai, dù họ có đối xử như thế nào đi nữa, thì chính là đã vượt qua một khảo nghiệm lớn trong quá trình tu dưỡng, trở thành người cao thượng hơn nữa.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Nghệ thuật sống bao dung Quân tử