Người sáng suốt không nhận lợi ích một cách cẩu thả
- An Hòa
- •
Sách “Hoài Nam Tử” viết: “Hiền chủ bất cẩu đắc, trung thần bất cẩu lợi”, đại ý là bậc quân chủ tài đức sáng suốt sẽ không cẩu thả tìm cầu những thứ không nên được, bề tôi trung thành sẽ không cẩu thả tìm cầu lợi ích không nên nhận. Sau này, câu nói ấy thường được rút gọn thành “Bất cẩu đắc, bất cẩu lợi”, khuyên răn mọi người không nên tùy tiện nhận thứ gì hay lợi ích gì mà không biết rõ tường tận về nó.
Thời Xuân Thu Chiến Quốc, Trung Hàng Mục Bá đem quân đánh nước Cổ nhưng nhất thời chưa thể công phá. Lúc ấy, Quỹ Văn Luân nói với Mục Bá: “Tôi quen biết sắc phu của nước Cổ. Tôi có cách để quân đội không cần vất vả mà vẫn chiếm được nước Cổ”. Mục Bá không đồng ý.
Bề tôi bên Mục Bá nói: “Nếu theo ý tưởng của Quỹ Văn Luân, chúng ta có thể không tổn thương một binh lính nào mà vẫn chiếm được nước Cổ. Tại sao ngài không phái Quỹ Văn Luân đi làm việc này?”
Mục Bá nói: “Quỹ Văn Luân là người gian tà giả dối, xảo ngôn nịnh nọt mà không có lòng nhân ái. Nếu phái ông ta đi làm nhiệm vụ này, đoạt được nước Cổ rồi, đến lúc đó ta có thể không ban thưởng cho ông ta hay sao? Nếu ban thưởng cho ông ta thì cũng chẳng khác nào ban thưởng cho kẻ tiểu nhân gian tà bất nhân. Điều này sẽ khiến cho những kẻ tiểu nhân gian xảo đắc chí, sẽ khiến cho kẻ sĩ của nước Tấn vứt bỏ nhân nghĩa mà theo đuổi gian tà. Như vậy, cho dù có chiếm được nước Cổ thì cũng có ích gì đâu?”
Tấn công đánh chiếm thành trì vốn là để mở rộng lãnh thổ, nhưng có những bậc quân vương, những tướng tài dù thấy vùng đất dễ dàng chiếm được lại không đi chiếm. Đó là bởi vì họ đã thấy rõ căn nguyên của sự vật mà suy ra hậu quả phát triển của nó.
Thời Xuân Thu Chiến Quốc, Tần Mục Công điều động Mạnh Minh dẫn quân đi đánh lén nước Trịnh. Mạnh Minh dẫn quân đi qua lãnh thổ của Đông Chu sau đó lại hướng về phía đông xuất phát. Thương nhân của nước Trịnh là Huyền Cao và Kiển Tha bắt gặp quân Tần.
Để cứu nước Trịnh, Huyền Cao đến chỗ quân Tần, giả vờ là Trịnh Mục Công phái đến để ban tặng cho quân Tần bốn tấm da bò thuộc và mười hai con bò béo. Ba vị tướng lĩnh của quân Tần thấy vậy liền bàn với nhau: “Nước Trịnh phái người đến thăm hỏi quân ta, đã biết ý đồ của quân ta, sự phòng bị của họ nhất định sẽ rất chu đáo. Nếu chúng ta vẫn tiếp tục thì xem ra khó có thể thành công”. Vì thế quân Tần đành phải rút quân. Nhưng trên đường trở về quân Tần bị Tiên Chẩn của nước Tấn dẫn quân mai phục và đánh bại tại Hào Sơn.
Quốc quân của nước Trịnh là Trịnh Mục Công cho rằng Huyền Cao có công lao bảo vệ đất nước nên muốn ban thưởng cho ông. Nhưng Huyền Cao nhất mực từ chối, nói rằng: “Thần đánh lừa người khác mà lại được ban thưởng thì tín nghĩa sẽ bại hoại. Tín nghĩa hủy rồi thì sẽ làm hỏng phong tục tập quán. Vì ban thưởng một mình thần mà làm bại hoại phong tục tập quán của cả một nước, người có lương tri nhân đức sẽ không làm như vậy. Dùng hành vi và thủ đoạn lừa gạt mà đạt được ban thưởng, người có đạo nghĩa cũng sẽ không làm như vậy.”
Huyền Cao từ chối nhận ban thưởng xong đã đưa cả gia tộc đến khu vực Đông Di sinh sống. Từ đó đến cuối đời, Huyền Cao cũng không từng trở lại nước Trịnh lần nào.
“Bất cẩu đắc, bất cẩu lợi”, không cầu thứ không nên có được, không cầu lợi ích không nên có được. Mặc dù chỉ là câu ngạn ngữ rất ngắn gọn nhưng đối với con người sống ở thời nào cũng rất hữu dụng. Tuân thủ nghiêm ngặt công tác chức vụ của mình, không dễ dàng buông tha, thi hành theo đạo nghĩa mà không do dự, không vì hiềm nghi mà chùn bước, không vì lợi ích mà vứt bỏ liêm sỉ, đây là người hào kiệt.
Dục vọng của con người là vô cùng vô tận, chính là điều mà mọi người gọi là lòng tham không đáy, được voi đòi tiên. Có lẽ chính vì có nhiều dục vọng như vậy nên con người mới bị vây khốn trong cõi hồng trần, khó có thể siêu thoát. Tiết chế dục vọng và tâm lợi ích, gắng sức tu hành mới có thể thăng hoa được cảnh giới của bản thân, siêu thoát khỏi sự tranh giành lợi ích và danh vọng nơi thế gian ô trọc.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Đạo nghĩa Lợi ích trí tuệ cổ nhân Hoài Nam Tử