Tản mạn về nguồn gốc tên gọi một số địa danh miền bắc (P1)
- Trần Hưng
- •
Đằng sau mỗi tên gọi là một câu chuyện lịch sử với ý nghĩa riêng biệt của vùng đất đó.
Hà Nội
Khi vua Gia Long lên ngôi lập ra nhà Nguyễn đã chọn đóng đô ở Phú Xuân (Huế), miền bắc được gọi là Bắc Thành, lỵ sở đóng ở Thăng Long.
Năm 1831, vua Minh Mạng bãi bỏ Bắc Thành, chia miền bắc làm 13 tỉnh, tỉnh đầu tiên được thành lập là tỉnh Hà Nội (河內) với ý nghĩa là được “bao quanh bởi các con sông” do tỉnh Hà Nội được bao quanh bởi hai con sông là sông Hồng và sông Đáy.
Đến thời thuộc Pháp, năm 1888, Tổng thống Pháp ra sắc lệnh thành lập thành phố Hà Nội bao gồm cả thành Hà Nội và khu vực xung quanh. Còn tỉnh Hà Nội cũ được tách ra và đặt tên mới là tỉnh Cầu Đơ (nằm ở khu vực Hà Đông ngày nay).
Bắc Kạn
Xưa kia người Tày gọi nơi đây là “pác cạm” nghĩa là “cửa ngõ” nơi thông đi các tỉnh phía bắc, người Việt đọc thành Bắc Kạn.
Bắc Ninh
Có truyền thuyết cho rằng thời Hồng Bàng, nước Văn Lang chia làm 15 bộ, trong đó có bộ Vũ Ninh. Thời Hậu Lê nơi đây được gọi là trấn Kinh Bắc. Đến thời nhà Nguyễn từ “Kinh Bắc” và “Vũ Ninh” mà gọi tên nơi đây là Bắc Ninh.
Cao Bằng
Vào thời Bắc thuộc thì vùng đất này nằm trong Tượng quận, sau đó là nằm trong quận Giao Chỉ.
Đến thời nhà Lý họ Nùng nổi lên lập vương quốc riêng, thời Nùng Tồn Phúc thì vùng này nằm trong vương quốc Trường Sinh.
Đến thời Nùng Trí Cao lập Đại Lịch quốc, biên giới mở rộng rất lớn bao gồm nhiều địa phương của nhà Tống. Cao Bằng thời này cũng nằm trong Đại Lịch quốc.
Thời nhà Lê đã có tên gọi Cao Bằng nhưng ở cấp Lộ (cấp nhỏ hơn cấp tỉnh ngày nay nhiều). Năm 1435, Nguyễn Trãi có viết trong “Dư địa chí” rằng: “Bồ và Hòa An ở về Cao Bằng. Bồ là tên sông, Hòa An là tên sông. Cao Bằng xưa là ngoại địa của bộ Vũ Định; Đông Bắc tiếp giáp lưỡng Quảng; Tây Nam tiếp giáp Thái Nguyên, Lạng Sơn. Có 1 lộ phủ, 4 châu, 273 làng xã. Đấy là nơi phên dậu thứ tư về phương bắc vậy”.
Đến năm 1467 nơi đây được gọi là phủ Bắc Bình. Năm 1676, nhà Lê Trung Hưng đánh bại nhà Mạc gọi nơi đây là trấn Cao Bình.
Đến thời Tây Sơn, khi vua Quang Trung lên ngôi đã cho đổi hết các địa danh có tên là “Bình” để tránh phạm húy với tên Nguyễn Quang Bình của mình. Vì thế mà tên Cao Bình được đổi thành Cao Bằng (lấy lại tên gọi lộ Cao Bằng thời nhà Lê).
Điện Biên
Vùng đất này được người Thái gọi là Mường Then nghĩa là “xứ trời”, vùng đất thiêng, nơi thông với trời đất.
Năm 1841, vua Thiệu Trị đặt tên cho nơi đây là Điện Biên (奠邊). Với “Điện” nghĩa là vững chãi, “Biên” nghĩa là vùng biên giới, Điện Biên mang ý nghĩa là miền biên giới vững chãi.
Hải Dương
Năm 1466, vua Lê Thánh Tông chia cả nước làm 12 Thừa tuyên, trong đó có Nam Sách thừa tuyên, đến năm 1469 thì được đổi tên thành Hải Dương thừa tuyên.
Do Nam Sách nằm ở phía đông là hướng biển cũng là hướng mặt trời mọc, vì thế mà đổi tên thành Hải Dương (海陽), với “Hải”nghĩa là biển, “Dương” nghĩa là ánh mặt trời. Hải Dương là ánh mặt trời mọc trên biển đông.
Hải Phòng
Có thuyết cho rằng tên gọi này xuất phát ban đầu vào năm 42 SCN khi Mã Viện đưa quân tiến đánh Lĩnh Nam, nữ tướng Lê Chân lập thế trận để ngăn quân Hán gọi là “Hải tần phòng thủ”. Tên gọi Hải Phòng sau này là gọi tắt từ “Hải tần phòng thủ”.
Năm 1870 thời vua Tự Đức, viên quan Bùi Viện đã cho lập một đồn ở bến Ninh Hải đặt tên là “Hải Phòng” nhằm canh phòng cửa biển.
Đến khi người Pháp tới nơi đây thì quen gọi là Hải Phòng – nơi mà họ đặt đồn trú ở đây, rồi dần người Pháp gọi cả khu vực này là Hải Phòng chứ không gọi là Ninh Hải.
Năm 1883, người Pháp tách Ninh Hải ra khỏi Hải Dương để lập tỉnh riêng gọi là Hải Phòng. Đến năm 1888 thì thành lập thành phố Hải Phòng.
Lai Châu
Trước đây người Thái gọi nơi đây là Lay Châu, năm 1435 cuốn “Dư địa chí” của Nguyễn Trãi ghi là Lai Châu do phiên âm chữ “Lay” thành “Lai”.
Lạng Sơn
Đầu thời Trần, nơi đây được gọi là lộ Lạng Châu, sau đổi là trấn Lạng Giang, đến năm 1397 được đổi thành trấn Lạng Sơn.
Lào Cai
Thời nhà Nguyễn người dân địa phương gọi nơi đây là “Lão Nhai” nghĩa là “Phố cũ” để phân biệt với khu phố chợ mới là “Tân nhai”. Ngươi H’Mông đã phiên âm “Lão Nhai” thành “Lào Cai”.
(Còn nữa)
Trần Hưng
Xem thêm:
- Lê Đình Kiên: Vị “phúc thần” giúp Phố Hiến phát triển sầm uất
- Hoài niệm về Kẻ Chợ 36 phố phường Hà Nội xưa
Mời xem video:
Từ khóa địa danh miền bắc