Nguyễn Lữ: Người em út trong ba anh em Tây Sơn (P2)
- Trần Hưng
- •
Sau này khi đánh bại được quân Chúa Nguyễn, mâu thuẫn giữa Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ bắt đầu căng thẳng. Sau khi Nguyễn Huệ ra bắc đánh bại được Chúa Trịnh thì mâu thuẫn càng lớn hơn. Nguyễn Lữ không có tranh cãi gì với hai anh, vì ở giữa nên làm hết sức để tránh cảnh cốt nhục tương tàn.
- Tiếp theo phần 1
Nội chiến Nguyễn Nhạc – Nguyễn Huệ
Khi Nguyễn Huệ đánh bại Chúa Trịnh, chiếm Thăng Long, đã lấy được rất nhiều của cải từ kho Chúa Trịnh. Nguyễn Nhạc yêu cầu nộp lại nhưng Nguyễn Huệ không đồng ý.
Nguyễn Huệ có được rất nhiều của cải nhưng không về Quy Nhơn mà xin ở lại Phú Xuân, rồi tự ý xây thành quách, cất nhắc quan lại mà không báo lên Nguyễn Nhạc.
Năm 1787, Nguyễn Nhạc đưa quân từ Quy Nhơn ra Phú Xuân hỏi tội, dân gian truyền nhau câu:
Đao đỡ thương rồi thương đỡ đao,
Thương qua đao lại chẳng ai nhường.
Quy Nhơn chiến địa nơi binh dữ,
Huynh đệ tương tàn cảnh đáng thương
Nguyễn Nhạc cho quân tấn công, Nguyễn Huệ cho quân bỏ chạy. Nghĩ Nguyễn Huệ sợ tội nên chạy, Nguyễn Nhạc cho quân đuổi gấp và rơi vào ổ mai phục do Nguyễn Huệ chuẩn bị sẵn. Quân Nguyễn Nhạc bị đánh bất ngờ chết rất nhiều. Nguyễn Nhạc vội phi ngựa chạy một mạch về thành Quy Nhơn.
Nguyễn Nhạc đã rút, Nguyễn Huệ cũng không ngừng lại mà cho quân đuổi theo. Nhưng thành Quy Nhơn vốn dễ thủ khó công, cho quân đánh thẳng vào thì sẽ hao tổn rất nhiều lính.
Nguyễn Huệ liền cho quân vây chặt thành Quy Nhơn, tuyệt mọi đường tiếp tế để buộc Nguyễn Nhạc phải đầu hàng. Nhưng thành Quy Nhơn rất rộng, không đủ quân để vây chặt. Theo thư của một số linh mục Pháp thời đấy còn lưu lại, thì để có 6 vạn quân vây thành Quy Nhơn, Nguyễn Huệ đã cho bắt tất cả đàn ông ở Thuận – Quảng đi lính, khiến nhiều vùng không còn đàn ông nữa.
Về lý do Nguyễn Huệ đưa quân đánh Nguyễn Nhạc, sách “Đại Nam liệt truyện chính biên” có chép rằng:
Nhạc đã đắc chí, ngày càng dâm ô, bạo ngược, giết Nguyễn Thung, lại thông dâm với vợ Huệ, người đều chê là xấu. Việc đi xâm lấn miền Bắc, của báu ở phủ chúa Trịnh, về cả tay Huệ, Nhạc đòi không cho. Huệ muốn lấy cả đất Quảng Nam, Nhạc cũng không cho, mới thành ra cừu thù hiềm khích nhau. Huệ bèn truyền hịch kể tội ác của Nhạc, đến nỗi bảo Nhạc là giống sài lang chó lợn. Hịch văn có câu nói rằng: “Tội không gì lớn là giết vua, sao có thể một sớm kinh (khinh) suất can không nghe thì đổi ngôi, thực quan hệ đến sự yên nguy muôn đời”.
Thấy Nguyễn Nhạc mãi không hàng, Nguyễn Huệ liền chiếm núi Long Cốt, rồi đưa đại bác lên núi cao bắn vào thành, những vị trí xung yếu trong thành đều bị phá.
Đạn pháo bắn rung cả thành khiến gia quyến Nguyễn Nhạc lo lắng. Nguyễn Nhạc phải lên mặt thành kêu khóc với Nguyễn Huệ rằng: “Bì oa chử nhục, đệ tâm hà nhẫn”.
Trước đây Nguyễn Nhạc không dám nói thật cho mẹ biết, giờ không thể giấu được nên đành nói thật. Mẹ biết được thì ra khỏi thành gặp Nguyễn Huệ, rồi Nguyễn Lữ cũng đến để giảng hòa.
Cuối cùng thì Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ cùng làm hòa với nhau. Sau khi giảng hòa, 3 anh em nhà Tây Sơn phân chia các nơi để cai quản như sau:
- Nguyễn Nhạc xưng là Trung ương Hoàng đế, đóng đô ở Quy Nhơn.
- Phong Nguyễn Lữ làm Đông Định Vương, cai quản vùng đất Gia Định.
- Phong Nguyễn Huệ làm Bắc Bình Vương, cai quản vùng đất từ đèo Hải Vân trở ra Bắc.
Nguyễn Lữ bỏ về Quy Nhơn
Nguyễn Lữ làm Đông Định Vương, đóng ở Gia Định với sự hỗ trợ của Thái bảo Phạm Văn Tham. Tuy nhiên dân chúng Nam bộ nhiều đời đều chịu ơn chúa Nguyễn, nhờ chúa Nguyễn khai phá phương nam mà dân chúng có cuộc sống yên ổn, vì thế lòng dân đều hướng về Nguyễn Ánh mà không theo quân Tây Sơn. Nguyễn Lữ biết rằng không thể giữ Nam bộ lâu dài được.
Sau này Nguyễn Lữ về Quy Nhơn, “Quốc sử quán triều Nguyễn” có ghi chép nguyên nhân như sau:
Khi Nguyễn Lữ rút quân về Biên Hoà, Nguyễn Phúc Ánh dùng kế của tướng Tống Phúc Đạm nhằm ly gián hai người. Cho người giả Nguyễn Nhạc viết thư cho Nguyễn Lữ có nội dung nói rằng Phạm Văn Tham là người của Nguyễn Huệ, nên bảo Nguyễn Lữ phải giết Phạm Văn Tham đi…
Nguyễn Ánh cho người giả đưa thư lầm cho Phạm Văn Tham. Phạm Văn Tham khi đọc được thư này sợ bị giết nên sai người giong thuyền, giương cờ hiệu màu trắng là màu cờ của quân Nguyễn Ánh, khiến Nguyễn Lữ hoảng sợ, tưởng Tham đã hàng Nguyễn Ánh rồi. Nguyễn Lữ đành phải rút quân về Quy Nhơn.
Nguyễn Lữ về Quy Nhơn rồi, Phạm Văn Tham cũng đem quân ra hàng, Nguyễn Ánh lấy được Gia Định.
Nguyễn Lữ làm Đông Định Vương chưa đến 1 năm, năm 1787 trở về Quy Nhơn gặp Nguyễn Nhạc chịu tội. Sau đó lịch sử không hề nhắc đến Nguyễn Lữ nữa.
Truyền thuyết dân gian
Một số nguồn dân gian thì cho rằng Nguyễn Lữ sau khi về Quy Nhơn thì chọn con đường đi khắp nơi giảng đạo lý, chữa bệnh trừ tà giúp dân. Từ đó chính sử không nói về ông, chỉ còn dân gian truyền khẩu.
Người dân vùng An Khê truyền rằng: “Đêm đêm hay nghe văng vẳng tiếng sáo réo rắc, vi vu”, cho rằng đây là tiếng sáo của “thầy tư Lữ”.
Hơn 1 năm sau vào tháng 12/1788, Nguyễn Huệ lên ngôi vua, hiệu là Quang Trung. Tuy nhiên chỉ hơn 3 năm sau, vua Quang Trung mất không rõ bệnh gì. Người nhà vua Quang Trung đã ngăn cản gia đình Nguyễn Nhạc không cho vào viếng, cho thấy mâu thuẫn giữa 2 anh em vẫn không dứt.
Năm 1793, Nguyễn Phúc Ánh cho quân tiến đánh thành Quy Nhơn. Nguyễn Nhạc bị vây suốt 3 tháng khiến lương thực cạn kiệt, không còn cách nào khác đành cầu viện cháu mình là vua Cảnh Thịnh.
Khi quân vua Cảnh Thịnh phái đến giải được vây thì tướng Phạm Công Hưng ngang nhiên cho kê biên toàn bộ kho tàng tài sản của Nguyễn Nhạc. Điều này là do quân của vua Quang Trung biết Nguyễn Nhạc khi làm thủ lĩnh Tây Sơn đã thu và lấy rất nhiều vàng bạc châu báu, đặc biệt trong các cuộc cướp phá trung tâm thương mại lớn như Cù Lao Phố.
Uất ức vì ngôi vị Tây Sơn Vương của mình bị coi chẳng ra gì, lại thấy của cải bao nhiêu năm bỗng dưng bị mất sạch, Nguyễn Nhạc thổ huyết mà chết.
Như vậy anh em Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ mất rất gần nhau. Năm 1792 Nguyễn Huệ mất thì năm sau 1793 Nguyễn Nhạc uất hận mà chết.
Năm 1799, con của Nguyễn Nhạc là Nguyễn Bảo không chịu được sự bức bách của vua Cảnh Thịnh, định đầu hàng Nguyễn Phúc Ánh. Vua Cảnh Thịnh biết được liền đem giết luôn Nguyễn Bảo.
Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ đều mất sớm. Dân gian cho rằng chỉ có Nguyễn Lữ đi khắp nơi hành đạo là yên ổn. Nguyễn Lữ vốn ban đầu đã thích văn, học đạo, sau này lại trở về với đạo.
(Hết)
Trần Hưng
Xem thêm:
- Vài điều xung quanh trận Cẩm Sa giữa quân Tây Sơn và quân chúa Trịnh
- Nhà Tây Sơn và nhà Nguyễn: Lòng người hướng về ai?
Mời xem video:
Từ khóa lịch sử Việt Nam nhà Tây Sơn