Nguyễn Thành Niệm: Từ người sửa xe đạp vỉa hè đến chủ rạp hát Hưng Đạo
- Trần Hưng
- •
Năm 1960 ở góc đường Nguyễn Cư Trinh – Trần Hưng Đạo của Sài Gòn từng xuất hiện một rạp hát khang trang. Kỳ thực cũng tại vị trí này 20 năm trước đó là nơi sửa xe đạp của một anh chàng mới nhập cư đến Sài Gòn mang tên Nguyễn Thành Niệm.
Chàng trai sửa xe đạp
Vào năm 1940, chiến tranh bùng nổ khắp thế giới, ở thành phố Sài Gòn, phương tiện đi lại chủ yếu là xe đạp. Một ngày tại góc đường Général Marchand và Gallieni (này là góc đường Nguyễn Cư Trinh – Trần Hưng Đạo) xuất hiện một chàng trai mười tám đôi mươi đến ngồi sửa xe đạp, đây hẳn là dân nhập cư mới đến thành phố.
Chàng trai này sửa xe tận tụy và trung thực, hư đâu sửa đó chứ không lòng vòng sửa thêm, tiền công lại lấy vừa phải, với những lỗi lặt vặt thì sửa miễn phí không lấy tiền. Chàng trai này cũngthân thiện dễ mến, những người lớn tuổi hay phụ nữ không biết sửa xe, hay bị hỏng vặt thường được sửa miễn phí. Dần dần khách truyền tai nhau, nhiều người chọn đến để sửa, cả những người bị hỏng xe ở nơi xa một chút cũng chọn đem đến đây. Dần dần mọi người cũng biết tên chàng trai này là Nguyễn Thành Niệm.
Một năm sau tại chỗ sửa xe lại treo thêm vỏ và ruột xe cùng các phụ tùng khác. Khách hỏi thì được biết chàng trai này mua sẵn để thay cho khách hàng, như thế sẽ nhanh. Thời đấy chưa có chợ phụ tùng, nhiều người thường đến đó sửa và thay phụ tùng xe.
Hai năm sau các khách hàng lại thấy chàng trai này bày sẵn 2 chiếc xe đạp lắp ráp hoàn chỉnh để bán lại cho ai cần với giá phải chăng. Vì đã có uy tín sửa xe nên Thành Niệm bán chiếc xe nào liền có người mua ngay chiếc xe ấy, đến nỗi nhiều lúc có người hỏi mua xe mà không lắp ráp kịp.
Ngày 9/3/1945 xảy ra biến động lớn, Nhật đảo chính Pháp, phi cơ quân đồng minh dội bom xuống thành phố, người dân Sài Gòn ít ra đường vì sợ bom đạn. Nhưng ở góc đường Général Marchand, người ta vẫn thấy Thành Niệm bày 4 chiếc xe đạp cùng các phụ tùng phục vụ khách hàng.
Chiến tranh thế giới lần thứ 2 kết thúc, người qua đường ngỡ ngàng khi thấy ở góc đường này xuất hiện một cửa hàng mới khai trương với hàng chữ: “Nguyễn Thành Niệm: Sửa xe và bán phụ tùng xe đạp”. Việc làm ăn của Niệm gặp nhiều thuận lợi.
Trở thành người giàu có
Lúc này tình hình miền nam nhiều biến động, Pháp lại đến Sài Gòn báo hiệu những cuộc chiến liên miên. Trước tình hình bất ổn, nhiều người ở Sài Gòn bán rẻ nhà để hồi hương, vì thế mà Niệm mua được nhiều nhà giá rẻ.
Đến năm 1950, một dãy phố dài dọc theo đại lộ Gallieni (Trần Hưng Đạo) đoạn Marchand (Nguyễn Cư Trinh) đến xưởng đúc Nguyễn Văn Dung có đến 30 căn nhà mặt tiền được Niệm mua lại. Chỉ sau 10 năm từ người nhập cư mới đến Sài Gòn, Nguyễn Thành Niệm trở thành người giàu có.
Sau đó Nguyễn Thành Niệm kinh doanh đa dạng hơn, cả phụ tùng xe gắn máy, xe hơi, xe cơ giới. Rồi ông thành lập Công ty Indo – Comptoir nhập khẩu phụ tùng xe. Công ty cứ lớn mạnh và mở rộng dần, có chi nhánh khắp miền nam, sang đến Nam Vang (tức Phnôm Pênh thủ đô Campuchia), Pakse, Viêng Chăn (thủ đô của Lào).
Rạp hát Hưng Đạo
Trở thành tỷ phú giàu có, năm 1958 Nguyễn Thành Niệm quyết định xây dựng rạp hát Hưng Đạo ở ngay tại vị tí đường Nguyễn Cư Trinh – Trần Hưng Đạo, vị trí mà trước kia ông mới đặt chân đến Sài Gòn hành nghề sửa xe đạp. Ông cũng hay nói với bạn bè rằng: “Cuộc đời giống như một sân khấu, mình cố làm sao cho sân khấu lộng lẫy càng hay”.
Đến đầu năm 1960 thì rạp hát được xây dựng xong, có 1.100 ghế với sân khấu rất rộng, là một trong những rạp hát lớn vào thời đó. Nguyễn Thành Niệm làm lễ khánh thành rạp hát ngay chính nơi mà 20 năm trước ông ngồi sửa xe đạp lề đường.
Dù ra đời sau, nhưng rạp Hưng Đạo đã thu hút nhiều đoàn đến biểu diễn, mang lại cho ông Niệm số tiền lớn. Sau đó đoàn hát cải lương – tuồng ăn khách Thanh Minh – Thanh Nga ký hợp đồng hát thường trực ỏ đây.
Đến cuối năm 1967 thì rạp Hưng Đạo trở thành đại bản doanh của đoàn hát Thanh Minh – Thanh Nga. Các vở tuồng mới của đoàn như: Con gái chị Hằng, Ðôi mắt người xưa, Ngã rẽ tâm tình, Áo cưới trước cổng chùa, Vàng sáu bạc mười, Hoa Mộc Lan… Đều được diễn đầu tiên ở rạp Hưng Đạo.
Đây cũng là thời điểm đỉnh cao của đoàn Thanh Minh – Thanh Nga với sự xuất hiện của nghệ sĩ ưu tú Thanh Nga. Muốn xem vở tuồng mới khán giả phải mua vé từ rất sớm, chưa đến 10 giờ đã treo bảng hết vé.
Để luôn có tuồng mới phục vụ khan giả, bà bầu Thơ được giao phụ trách rạp hát có hẳn một đội ngũ soạn giả làm cộng tác giỏi nghề.
Thời điểm này diễn ra cuộc chiến hai miền nam bắc, Sài Gòn nhiều lần giới nghiêm, có rạp bị đạn pháo khiến nghệ sĩ bị thương. Thế nhưng rạp Hưng Đạo vẫn sáng đèn phục vụ đông đảo khán giả với những tuồng tích ngắn hơn, để khán giả về đến nhà trước giờ giới nghiêm.
Sau 75
Sau năm 1975, chính quyền mới tiếp quản rạp Hưng Đạo, từ đó không hay tin gì về ông chủ Nguyễn Thành Niệm nữa. Rạp Hưng Đạo vẫn nổi tiếng ở miền nam về cải lương.
Năm 1980 thì rạp được giao cho đoàn cải lương Trần Hữu Trang quản lý, được đổi tên thành “Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang”.
Rạp Hưng Đạo được xem là thánh địa của cải lương, sân khấu, nội thất cũng như dàn đèn rất hợp để diễn cải lương, vì thế mà các đoàn cải lương đều muốn được diễn tại đây.
Năm 2010, rạp Hưng Đạo là rạp cải lương duy nhất ở Sài Gòn, nhưng do xuống cấp nên chính quyền quyết định xây mới với số tiền là rất đắt đỏ: 132 tỷ nhằm xây dựng nhà hát to đẹp hơn nhà hát cũ.
Việc xây dựng đến năm 2015 thì hoàn thành. Dù nhà hát được dự kiến xây to hơn, nhưng thực tế khi hoàn tất lại có công suất phục vụ nhỏ hơn nhà hát cũ với chỉ 600 chỗ ngồi, sân khấu lại không thuận tiện phù hợp cho biểu diễn cải lương. Dàn đèn và âm thanh được mua rất hiện đại đắt tiền nhưng cũng không phù hợp cho việc diễn cải lương.
Vì chỉ có 600 ghế ngồi nên đoàn hát nào thuê để biểu diễn thì có bán hết vé thu cũng không đủ bù chi. Vì thế mà nhà thầu phải sửa chữa lại nhà hát, đến năm 2017 thì hoàn thành. Nhưng dù sửa chữa, nhà hát cũng không thể phù hợp cho diễn cải lương, ghế ngồi lại ít, không có đoàn hát nào dám thuê.
Các nghệ sĩ đoàn Trần Hữu Trang chờ nhà hát từ năm 2010 đến 2017, nhưng dù chi phi đầu tư sữa chữa khổng lồ, nghệ sĩ vẫn không thể sáng tạo như ý vì sân khấu không phù hợp. Cuối cùng thì sân khấu bỏ hoang, các nghệ sĩ hàng đầu thì than vãn vì không có một sân khấu cải lương tầm cỡ nào để diễn nữa.
Trần Hưng
Xem thêm:
- Chú Hỏa: Từ đòn gánh ve chai đến hào phú giàu có nổi tiếng Sài Gòn
- Nguyễn Tấn Đời: Doanh nhân hạng nhất thời Việt Nam Cộng Hòa (P1)
Mời xem video: