Nhà sử học Hoa Kỳ bàn về nghệ thuật hoàn thiện bản thân của Trung Hoa cổ đại
- Joshua Charles
- •
Những dòng chia sẻ về “nghệ thuật hoàn thiện bản thân” dưới đây là của tác giả Joshua Charles, nhà sử học Hoa Kỳ từng viết bài phát biểu tại Nhà Trắng cho cựu Phó Tổng thống Pence. Ông là tác giả, nhà sử học, nhà văn, nhà viết kịch bản và diễn giả. Ông từng là cố vấn lịch sử cho một số bộ phim tài liệu và xuất bản sách về các chủ đề khác nhau, từ các vị Cha lập quốc Hoa Kỳ cho đến Israel, vai trò của đức tin trong lịch sử Hoa Kỳ, cho đến tác động của Kinh Thánh đối với nền văn minh nhân loại.
Trong nhiều năm, tôi đã động viên bất cứ ai mà tôi tiếp xúc rằng chúng ta cần phát triển niềm yêu thích đọc sách. Tôi đặc biệt quan tâm đến việc khuyến khích các bậc phụ huynh giúp con trẻ hình thành văn hóa đọc và khuyến khích những người trẻ tuổi đọc sách để trưởng thành một cách thông tuệ hơn.
Đọc sách không chỉ là một hình thức giải trí. Hơn nữa, đọc sách để giải trí là hình thức đọc sách thấp nhất. Ở cấp độ cao, đọc sách giúp con người bồi dưỡng đạo đức và hoàn thiện nhân cách bản thân. Tôi thường khuyên mọi người đọc sách lịch sử vì bộ môn này cung cấp cho chúng ta vô số ví dụ về hành vi của con người. Từ đó, ta có thể rút ra rất nhiều bài học quý báu và tìm được chỉ dẫn cho cuộc sống thông qua việc trau dồi hiểu biết về những trụ cột quan trọng của nhân cách.
Tôi vui mừng khi thấy quan điểm của mình đồng điệu với thiên “Khuyến học” trong sách “Tuân Tử”. Tác phẩm này cũng cho rằng “quân tử” là người không ngừng nâng cao đức hạnh của mình chiểu theo “Đạo”. “Đạo”, dùng ngôn ngữ trong văn hóa phương Tây, có thể giải thích là “luật tự nhiên”. Tinh túy của cuốn “Tuân Tử” được trình bày ngay tại dòng mở đầu: “Người quân tử viết: Học không bao giờ là hết.” Người quân tử là người “học rộng, tự xét lại bản thân mỗi ngày và qua đó trở nên minh trí, hành sự không lầm lỗi.”
“Tự xét bản thân” chính là một khái niệm tuyệt vời của văn hóa Trung Hoa. Điều này cũng là phẩm chất mà những bộ óc vĩ đại nhất ở phương Tây tán đồng. Tự tìm lỗi ở chính mình là một thói quen hoàn toàn trái ngược với những thói xấu tầm thường, ích kỷ và buông thả vô độ mà ngày nay chúng ta tìm thấy ở văn hóa đại chúng.
Hơn thế nữa, Tuân Tử cũng khẳng định rằng đức tính của một người quân tử chỉ có thể hình thành và đạt được thông qua hiểu biết thâm sâu về lịch sử. “Không lên núi cao thì không biết được trời cao; không đi đến khe sâu thì không biết được đất dày. Không nghe lời truyền lại của các bậc tiên vương thì không biết được sự rộng lớn của việc học.” Kinh nghiệm chính là một yếu tố quan trọng tạo nên nền tảng trí tuệ của đức hạnh. Nói cách khác, sự phát triển “không giới hạn” chỉ là một lý tưởng viển vông và niềm tin rằng cái mới luôn tốt hơn cái cũ là một suy nghĩ thiển cận.
Tuân Tử cũng khẳng định rằng người quân tử học tập để hoàn thiện bản thân: “Người xưa học vì mình, người nay học vì người”. “Học vì mình” là học để tu dưỡng bản thân. “Học vì người” là học để khoe khoang cho người khác.
Tương tự như vậy, người quân tử không ngại bỏ công sức để rèn đức luyện tài: “Người quân tử sinh ra, chẳng phải khác người, giỏi là ở chỗ biết mượn sức vật.” Quan điểm này đối lập với một số “phong trào” hiện đại khẳng định rằng đức tính của một cá nhân không phải là kết quả của một quá trình rèn luyện và trau dồi.
Tuân Tử đồng thời nhấn mạnh vai trò quan trọng của các mối quan hệ xã hội đối với quá trình học tập và rèn luyện của một người: “Học thì không gì tiện bằng ở gần người hiền”, “Người quân tử ở tất chọn làng, chơi tất chọn kẻ sĩ, để phòng sự tà bậy mà gần sự trung chính.”
Tuân Tử kết luận rằng sự thăng hoa của đạo đức cuối cùng sẽ tiến đến một trạng thái mà cá nhân ông gọi là “định”. Ông miêu tả cảnh giới tinh thần này như sau: “Quyền lợi chẳng thể làm cho mình ngửa nghiêng, quần chúng chẳng đủ làm cho mình thay đổi, cả thiên hạ cũng chẳng đủ làm cho mình nao núng. Sống chết theo đạo, đó mới là đức tháo của người cầu học. Có đức tháo đó mới định được tâm bên trong, mới ứng phó được với vật bên ngoài. Định được tâm, ứng được vật, thế gọi là con người thành tựu.”
Nếu bạn đã từng đọc những cuốn sách như “Tuân Tử”, bạn có thể bắt gặp nhiều ví dụ mà tôi ao ước sẽ được đặt làm tiêu đề trang nhất của các ấn phẩm đương đại.
Bản chất của con người thật ra không hề thay đổi trong hàng ngàn năm qua và yếu tố cơ bản cấu thành nên hạnh phúc con người thực sự chỉ là đạo đức. Trong khi đó, công thức hạnh phúc theo quan niệm, lối sống hiện đại chỉ là phóng đại những ham muốn kỳ quái và thiển cận của con người. Điều đó sẽ không bao giờ mang đến hạnh phúc chân chính đích thực.
Trí huệ cổ xưa cần thiết với chúng ta hơn bao giờ hết trong thời kỳ hiện nay, khi đạo đức suy đồi và xuống dốc. Tôi mong muốn một ngày nào đó chúng ta sẽ chứng kiến sự phục hưng của văn hóa truyền thống và đắm mình trong trí huệ thâm sâu của các nhà hiền triết trong mọi nền văn hóa và thời đại. Đừng tự giới hạn bản thân, hãy học được rằng cá nhân mỗi con người chúng ta chỉ là những kẻ ngốc, nhưng văn minh nhân loại thì tràn ngập trí huệ.
Dịch thoát từ bài viết “Timeless Wisdom: The Ancient Chinese Art of Self-Improvement”
Đăng trên The Epoch Times
Tác giả: Joshua Charles
Quang Minh biên tập
Xem thêm cùng tác giả:
Mời xem video:
Từ khóa tu dưỡng đạo đức Tuân Tử