Ngô Xương Thạc (1844-1927) được đánh giá là một trong bốn họa gia Trung Quốc của thế kỷ 20, dẫn đầu giới họa gia vào thời Mạt Thanh và thời đầu Trung Hoa Dân Quốc. Ông nổi tiếng trong giới hội họa không chỉ vì họa phẩm, mà còn vì nhân phẩm của mình.

Nhân phẩm và họa phẩm của họa gia Ngô Xương Thạc

4 năm trước khi Ngô Xương Thạc sinh ra thì cuộc chiến tranh thuốc phiện bùng phát, nhà Thanh bước vào thời mạt. Ngô Xương Thạc là người rất chăm chỉ, ham đọc sách. Có thể nói ngoài cày cấy ra, thì phần lớn thời gian của ông được dùng để đọc sách. Đôi khi vì để mượn một cuốn sách, cả đi lẫn về phải vài chục dặm đường, ông cũng quyết tâm đi, không cảm thấy khổ. Thậm chí có khi ông còn chép nguyên cả cuốn sách, để có thể đọc đi đọc lại và nghiên cứu. Ngô Xương Thạc đặt tâm nghiên cứu về triện khắc, thư pháp, thơ ca, nỗ lực khổ luyện. Khi hơn 30 tuổi, ông mới bắt đầu vẽ tranh, xin học Nhậm Bá Niên.

Nhậm Bá Niên là một họa sĩ chuyên vẽ hoa, vẽ chim và vẽ người nổi tiếng cuối thời nhà Thanh. Cha ông là Nhậm Thanh Hạc, cũng là một họa sĩ vẽ chân dung dân gian. Bác cả Nhậm Hùng, bác hai Nhậm Huân, cũng đều là những họa sĩ danh tiếng hiển hách. Thuở thiếu thời được gia đình hun đúc, Nhậm Bá Niên đã giỏi vẽ tranh. Ông chỉ lớn hơn Ngô Xương Thạc 4 tuổi, nhưng lại thành danh sớm hơn Ngô Xương Thạc. Sau này ông cùng với Ngô Xương Thạc, Bồ Hoa, Hư Cốc Tề được tôn xưng là “Tứ kiệt của phong cách Thượng Hải thời Mạt Thanh”. Nhậm Bá Niên đã sớm nhìn ra tài năng của Ngô Xương Thạc, bình rằng: “Trong đầu có tài hoa, dưới bút có khí vận”. Hai người có một tình bạn và nghĩa thầy trò sâu sắc.

Ngô Xương Thạc không chỉ có tài năng thiên phú về nghệ thuật hội họa, ông cũng rất nỗ lực về phương diện này. Hàng ngày Ngô Xương Thạc đều dậy sớm, sau khi rửa mặt chải đầu, ông ngồi tĩnh tọa suy ngẫm khoảng 15 phút trước bàn đọc sách, và sắp xếp lịch trình làm việc trong ngày, sau đó mới đi ăn sáng.

Trước khi vẽ tranh, Ngô Xương Thạc sẽ suy ngẫm trước. Đôi khi ông ngồi ngay ngắn, đôi khi thì đi dạo. Người ta thường thấy ông trầm ngâm suy nghĩ, đầu bút lay động, hăm hở muốn vẽ, nhưng rất lâu sau vẫn không vẽ lấy một nét. Ông chuẩn bị cho tới khi hình tượng của bức tranh trào lên trong tâm, linh cảm theo đó mà dâng trào, mới tập trung tinh lực, trầm tĩnh cầm bút vẩy mực, vẽ một mạch là xong, nhìn như thể không tốn chút hơi sức. Sau khi ông chỉnh xong bố cục, ông lại dồn hết tâm sức vào việc trau chuốt từng tiểu tiết.

Sau khi vẽ xong một bức tranh, Ngô Xương Thạc sẽ treo lên tường, ngắm đi ngắm lại, đồng thời thỉnh mời bè bạn bình phẩm. Ông khiêm tốn lắng nghe ý kiến của mọi người, sau khi suy nghĩ thật kỹ, lại bắt tay vào sửa sang cho tới khi hài lòng. Xong xuôi rồi ông mới bắt đầu đề thơ, viết ngày tháng và đóng ấn lên đó. Nếu bức tranh vẫn chưa được hài lòng cho lắm, ông sẽ dứt khoát bỏ lại, không hề tiếc nuối.

Cả đời Ngô Xương Thạc một lòng một dạ theo đuổi việc nghiên cứu nghệ thuật và sáng tác, mấy chục năm cũng như một ngày. Những năm cuối đời, nghệ thuật của ông đã đạt đến cảnh giới rất cao. Người Hoa trong và ngoài nước tìm cầu tranh của ông nhiều vô số nhưng Ngô Xương Thạc không chỉ không kiêu căng, mà còn càng nỗ lực, khiêm tốn, và luôn giữ gìn tâm thái ôn hòa, an nhiên tự tại.

Bình thường khi uống rượu, Ngô Xương Thạc đều dùng một ly rượu đặc biệt. Kích cỡ không khác gì so với những ly rượu khác nhưng kỳ thực thân và đế dày, rượu có thể chứa trong ly cũng rất ít. Khi một người bạn vén bí mật này ra, ông bèn mỉm cười khéo léo giải thích rằng: “Các ông đều khen tôi vẽ đẹp, danh tiếng lẫy lừng. Kỳ thực tôi cũng chỉ như ly rượu này, chỉ có cái vỏ mà thôi.”

Ngô Xương Thạc tấm lòng rộng rãi, bình dị dễ gần, rất mực cung kính, suốt cuộc đời ông không hề khinh miệt bạn bè hay họ hàng nghèo khổ. Ngay cả với người hầu kẻ hạ, ông cũng không hề lớn tiếng quát nạt bao giờ. Những năm cuối đời, do bệnh ở chân, đi lại không tiện, ngay cả việc cắt tóc Ngô Xương Thạc cũng phải cho gọi người đến nhà. Nhưng ông không chút kênh kiệu, mà còn thích học tiếng địa phương của họ để pha trò, nói chuyện nhà cửa. Lúc đó mỗi lần cắt tóc chỉ 1, 2 hào, nhưng ông thường cho họ một đồng bạc trắng. Hơn nữa còn nói với họ rằng: “Ông vất vả rồi”. Có vài lần, thợ cắt tóc xin tranh của ông, ông cũng không do dự mà tặng lại cho họ.

Ngô Xương Thạc sở dĩ có thể dẫn đầu giới họa gia vào thời Mạt Thanh và thời đầu Trung Hoa Dân Quốc chính là nhờ nhân phẩm của ông. Bởi vì trong họa phẩm chắc chắn có hàm chứa nhân phẩm.

Cổ nhân thường dùng câu “Mài thủng nghiên sắt” để hình dung sự chăm chỉ và nỗ lực học tập của một người. Những năm cuối đời, Ngô Xương Thạc quả thực từng mài thủng một lỗ nhỏ trên chiếc nghiên mực được làm từ đá sỏi trên núi Ngu Sơn, do Triệu Thạch Nông tặng. Ngoài những lúc ốm nằm liệt giường, vạn bất đắc dĩ phải gác bút ra, hàng ngày ông đều viết chữ, vẽ tranh, không hề gián đoạn. Mãi cho đến tận ba ngày trước khi tạ thế, ông vẫn còn vẽ một bức hoa lan, khí thế vẫn khoáng đạt, không hề có chút yếu nhược.

Theo SecretChina.com
Tác giả: Đới Đông Ni
Thiên Cầm biên dịch