Nhân sinh cảm ngộ: Không che giấu lỗi lầm của mình
- An Hòa
- •
Trên thế gian này có rất nhiều người thường đem thiếu sót, khuyết điểm của mình che giấu đi vì sợ sau khi người khác biết được sẽ có thể khiến bản thân mình bị bất lợi. Còn có một số người cho rằng chuyện xấu nội bộ không thể truyền ra bên ngoài, rõ ràng biết người bên cạnh mình đã làm việc xấu nhưng lại không có dũng khí đối mặt cho nên lựa chọn cố ý che đậy lại, lấp liếm đi hành vi sai trái. Một người có thể làm được thẳng thắn vô tư, trong ngoài thống nhất, không che giấu thiếu sót và lỗi lầm của mình cũng như của người thân bên cạnh mình thì đã thể hiện ra tinh thần cao thượng, thể hiện ra một tấm lòng thản đãng. Người như vậy có thể được coi là một chính nhân quân tử.
Cổ nhân có câu: “Đoản bất khả hộ, hộ đoản chung đoản; trường bất khả căng, căng tắc bất trường”, ý nói không thể che giấu khuyết điểm của mình bởi vì che giấu khuyết điểm thì cuối cùng vẫn là khuyết điểm; không thể khoa trương điểm mạnh của mình bởi vì khoa trương điểm mạnh thì sẽ không là điểm mạnh nữa.
Trong cuốn “Tả truyện. Tuyên Công thập nhị niên” viết: “Nhật nguyệt chi thực, hà tổn vu minh”, ý nói nhật thực, nguyệt thực, sao có thể che mờ được ánh sáng? Một người dám để lộ ra khuyết điểm của mình thì hình tượng của người ấy cũng sẽ không vì thế mà bị tổn hại. Luận Ngữ dạy: “Quân tử chi quá dã, như nhật nguyệt chi thực yên. Quá dã, nhân giai kiến chi; cánh dã, nhân giai tự chi”, người quân tử có lỗi thì như nhật thực, nguyệt thực, có lỗi thì ai cũng thấy, mà khi sửa lỗi thì ai cũng ngưỡng vọng.
Thi nhân ở ẩn Lâm Bô thời nhà Tống đã viết trong cuốn “Tỉnh tâm lục”: “Hữu quá tri hối giả, bất thất vi quân tử, tri quá toại phi giả, kì tiểu nhân dư”, nghĩa là người làm sai mà biết sửa sai là người quân tử, còn người biết mình sai mà không sửa là kẻ tiểu nhân. Luận Ngữ viết: “Tiểu nhân chi quá dã tất văn”, tiểu nhân làm sai nhất định muốn che đậy. Hay nói rộng hơn, người làm sai mà biết cải sửa thì vẫn là người cao thượng còn người biết sai mà vẫn làm điều sai thì là người ti tiện đáng khinh. Nếu một người có sai lầm và khuyết điểm mà lại che giấu đi không nói ra thì cũng giống như có bệnh mà không đi khám, như vậy người ấy chỉ có thể làm cho lỗi lầm trầm trọng hơn, làm cho sự tình xấu hơn đi mà thôi. Khi người ta thừa nhận sai lầm của mình và nhanh chóng cải chính thì như vậy mới có cơ hội để bù đắp những sai lầm trước đây.
Sự khác biệt giữa quân tử và tiểu nhân, không phải ở chỗ có phạm sai lầm hay không, mà là ở chỗ sau khi phạm sai lầm, sẽ đối mặt với sai lầm bằng thái độ và cách làm như thế nào.
Trong “Tả truyện” viết: “Nhân thùy vô quá. Quá nhi năng cải, thiện mạc đại yên”, tức là con người không ai là không có lỗi lầm, có lỗi mà có thể sửa thì chẳng gì tốt đẹp bằng. Có lỗi mà không muốn sửa thì chính là phạm thêm một tầng sai lầm trầm trọng. Đúng như lời Khổng Tử nói: “Quá nhi bất cải, thị vị quá hĩ”, đã sai mà không chịu sửa, vậy mới gọi là sai.
“Cải sửa” là tích cực tu chỉnh lại hành vi sai trái của bản thân cho nên là rất đáng được khen ngợi. Tử Lộ từng nói: “Vui mừng được nghe lời góp ý của mọi người”, người có tâm muốn cải sửa lỗi lầm thì nên giống như thế. Một người chỉ có dũng cảm sửa sai mới có thể không ngừng tu chỉnh lời nói và hành vi của bản thân mình, cuối cùng trở thành một người có đạo đức cao thượng.
Kỳ thực, con người có khuyết điểm và sai lầm cũng không đáng sợ, điều đáng sợ chính là khăng khăng làm theo ý mình, thà chết không nhận sai. Che giấu lỗi của mình chỉ có thể lừa gạt được người khác trong nhất thời chứ tuyệt đối không thể được lâu dài. Đây là bởi vì hành vi giả dối không phù hợp với đặc tính của vũ trụ, trường kỳ tích ác tất sẽ có báo ứng.
Nếu một người có thể lựa chọn sự chính trực và ngay thẳng trong cuộc sống của mình, không che giấu những khuyết điểm của bản thân thì sẽ không khó để chiếm được lòng tin của người khác. Thành thật không lừa dối, trung hậu thật thà có thể làm thăng hoa tâm linh con người và khiến con người đạt đến cảnh giới tinh thần cao thượng.
Theo Epoch Times tiếng Trung
Tác giả: Quán Minh
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Người quân tử sửa sai