Cổ nhân nói: “Phúc hữu thi thư khí tự hoa”, trong bụng chứa thi thư thì vẻ ngoài tự sáng sủa. Người thời xưa khi đi học là được học “Văn”. Thời bấy giờ “Văn” không có nghĩa hẹp để chỉ việc học ngôn ngữ, học viết lách làm thơ, mà mang nghĩa rộng với hàm ý chỉ đạo đức, lễ nhạc, giáo hóa. Bởi vậy điều mà người xưa tiếp thụ thông qua thi thư chính là văn hóa, là kính Thần kính Thiên, thăng hoa nhân cách thông qua cầm kỳ thư họa, bởi vậy người đi học đều có khí chất vô cùng tao nhã.

Nhân sinh cảm ngộ: Tâm chứa "văn" thì người tự tường hòa tĩnh tại
(Ảnh minh họa: Aphotostory, Shutterstock)

Câu “Phúc hữu thi thư khí tự hoa” có xuất xứ từ bài “Hòa Đổng Truyện lưu biệt” của thi hào Tô Thức. Tô Thức sáng tác bài thơ này lúc ông rời Phượng Tường đến Biện Kinh nhậm chức, đi qua Trường An và tạm biệt Đổng Truyện. Đổng Truyện là một người bạn của Tô Thức lúc ở Phượng Tường, sống trong cảnh nghèo khó và sau này chết trẻ. Bài thơ này Tô Thức làm để ca ngợi phẩm cách và tài năng của Đổng Truyện, cũng bày tỏ sự tiếc nuối và cảm thông vì người bạn của mình đã thất bại trong kỳ thi, đồng thời cũng gửi gắm kỳ vọng sâu sắc của mình vào Đổng Truyện.

Câu thơ đầu “Thô tăng đại bố khỏa sinh nhai, phúc hữu thi thư khí tự hoa” miêu tả hình ảnh Đổng Truyện mặc quần áo vải bố, sống trong hoàn cảnh bần cùng nhưng vẫn cần mẫn đọc rất nhiều sách, vì thế mà khí chất và tinh thần của Đổng Truyện tự nhiên tỏa ra, không giống như người bình thường.

Trong bài thơ này, Tô Thức miêu tả hình ảnh Đổng Truyện cố gắng chuẩn bị cho kỳ thi, nói rõ chí hướng của bạn, hy vọng có thể thông qua thi cử mà nổi bật hơn người. Tuy nhiên Đổng Truyện thi trượt và vô cùng thất ý, nhưng Tô Thức lại thể hiện sự kỳ vọng vào bạn. Ông cho rằng Đổng Truyện nhất định rồi sẽ thuận lợi thi đỗ. Qua đây người đọc thấy được tấm lòng trân quý bạn bè của Tô Thức.

Từ đó về sau, “Thô tăng đại bố khỏa sinh nhai, phúc hữu thi thư khí tự hoa” trở thành câu danh ngôn, đặc biệt chỉ sự tương phản mạnh mẽ giữa cảnh nghèo khó phải mặc quần áo thô với trong bụng chứa đầy ắp thi thư. Cho dù sống trong cảnh vật chất không đầy đủ thì một người nghèo vẫn có thể tỏa ra phong thái tao nhã. Bởi vì vẻ đẹp của khí chất đến từ sự phong phú viên mãn từ bên trong nội tâm.

Người đời sau dùng hình ảnh này để khuyến khích người ta siêng năng đọc sách, học tập. Thông qua việc trau dồi văn hóa, sự nghèo khó bên ngoài không những không thể chèn ép được lòng người mà trái lại, càng có thể kích phát người ta cố gắng vươn lên. Bởi vậy, đọc sách thường là cách tốt nhất để khuyến khích con người bồi dưỡng khí chất.

Còn có một chuyện dân gian có thể minh họa cho câu “Phúc hữu thi thư khí tự hoa”. Chuyện này lấy nhân vật là danh y Lý Thời Trân, người cả đời đam mê sách thuốc, tài hoa hơn người và được tôn xưng là “Y thánh”.

Bấy giờ ở quê nhà của Lý Thời Trân có một vị lang băm không có học vấn cũng không có tài năng y học nhưng lại rất thích thể hiện bản thân. Vì thế ông ta đã mua rất nhiều sách y học, lấy đó để khoe khoang học vấn của mình.

Có một năm, sau khi mùa mưa qua đi, vị lang băm này đã sai người nhà chuyển hết số sách đang lưu trữ ra ngoài sân để phơi nắng. Các loại sách thuốc cổ được bày ra đầy khắp cả sân, bản thân ông ta dương dương tự đắc, ở trong sân đi lại ung dung. Vừa hay đúng lúc ấy Lý Thời Trân tình cờ bắt gặp, ông nhất thời hứng khởi liền cởi cúc áo ra và nằm kế bên những giá sách phơi nắng. Vị lang băm thấy Lý Thời Trân phơi ngực và bụng thì không hiểu gì, liền hỏi: “Ô, ông đang làm gì vậy?”

Lý Thời Trân đáp: “Tôi cũng đang phơi nắng cho sách của tôi.”

Vị lang băm lại hỏi: “Nhưng mà sách của ông ở đâu?”

Lý Thời Trân vỗ vỗ vào bụng mình, cười nói: “Tất cả sách của tôi đều nằm ở trong bụng.”

Điển cố trên hiển nhiên là chế giễu vị lang băm không có học vấn không có tài năng nhưng lại luôn thích khoe khoang, thể hiện mình. Nhưng những lời mà Lý Thời Trân nói cũng cho chúng ta biết rằng sự hiểu biết của một người không phải phụ thuộc vào việc người đó có được bao nhiêu quyển sách mà phụ thuộc vào bao nhiêu quyển sách mà người đó đã lĩnh hội được. Nói cách khác, phải nhìn xem người đó có thực sự là người ham đọc sách ham học tập hay không, có chân tài thực học hay không.

Đọc sách là một hoạt động của tâm linh. Sách tốt hay sách không tốt đều có thể ảnh hưởng đến tâm linh của một người. Tâm linh và khí chất (tính tình, phong cách) của một người là có sự kết nối, tương thông với nhau. Sách tốt có thể làm phong phú thế giới tinh thần của một người và cũng có thể khiến người đó trở nên uy phong lẫm liệt, khí chất cao nhã, phong độ thanh thoát. Đây chính là đạo lý “Phúc hữu thi thư khí tự hoa”.

Trong giới tu luyện cũng giảng một câu “tâm hữu từ bi khí tự tường”, nghĩa là một người tu luyện dù đi đến đâu cũng mang theo một không khí từ bi tường hòa, tĩnh tại tốt lành.

Chuyện kể rằng, có người hỏi một vị hòa thượng rằng: “Tại sao những người có đức hạnh và tu thân dưỡng tính thì lúc nào trông họ cũng tĩnh tại và tràn đầy vui vẻ như thế?”

Vị hòa thượng đã trả lời: “Họ không bị đau buồn bởi chuyện quá khứ và cũng không mong mỏi những chuyện ở tương lai, họ hài lòng với hiện tại, cho nên họ sống rất tự tại và vui vẻ.”

Bởi vậy, nếu như chúng ta muốn trở thành một người có tính cách hòa ái, an tường, tĩnh tại thì hãy bắt đầu tu dưỡng từ nội tâm của mình.

Theo Epoch Times tiếng Trung
Tác giả: Quán Minh
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: