Nhìn lại di chúc của cụ Lương Văn Can
- Phạm Quốc Bằng
- •
Cụ Lương Văn Can, danh nhân của quê hương Nhị Khê – là một trong những người sáng lập Đông Kinh Nghĩa Thục, một phong trào cổ vũ lòng yêu nước đầu thế kỷ XX.
Cụ qua đời năm 1927 tại Hà nội, Cụ có đôi dòng di bút [“Bảo quốc túy, tuyết quốc sỉ”] ước mong mọi người đừng bao giờ quên nỗi đau mất nước mà hầu hết các nhà nghiên cứu lịch sử đã biết đến. Còn trong gia tộc thì cụ có để lại bản di chúc phần mở đầu bằng chữ Hán và phần nội dung bằng chữ Nôm. Bản di chúc này đã được cụ Lương Ngọc Lâm (con trai của cụ Cử Can) ghi vào cuốn Lương gia thế phả hiện còn để tại nhà thờ họ Lương làng Nhị Khê, tỉnh Hà Tây. Cụ Lương Ngọc Lâm đậu Cử nhân khoa Mậu Tý (1888).
Tìm hiểu nội dung bản di chúc, càng thấy nhân cách cao cả, thắm đượm tính nhân văn trong cuộc đời và sự nghiệp của cụ Lương Văn Can, người mà cách đây 7 thập kỷ (năm 1924) đã tự xuất tiền của xây dựng cho quê hương Nhị Khê ngôi trường tiểu học. Nhân kỷ niệm 70 năm khánh thành “Nhị Khê học đường” chúng tôi xin dịch, phiên âm toàn bộ nội dung bản di chúc của cụ Cử Can (biệt hiệu là Ôn Như) để bạn đọc cùng tham khảo.
Lời di chúc của Ôn Như
Phần mở đầu
(Nguyên bằng chữ Hán)
Ngày xưa anh em họ Điền dự định chia nhau tài sản trong gia tộc thì cây hoa kinh liền khô héo, đến khi họ hợp chung tài sản lại thì cây ấy trở lại xanh tươi. Từ ngàn năm nay giai thoại này còn truyền mãi. Nay nhà ta đang ở vào cảnh dở giàu dở nghèo dở sang và không sang; trong việc giáo dục con cháu, ta chỉ mong các con nên giữ gìn tài sản chứ đừng có tranh giành nhau; sau khi ta qua đời, các con phải biết nhường nhịn nhau, chớ tranh hơn tranh thiệt, làm hại đến gia phong. Ai không ghi nhớ lời này, sẽ không phải là con cháu ta vậy!
Phần nội dung
(Nguyên bằng chữ Nôm)
Xưa có một nhà anh em muốn chia của, thì cây kinh tự héo, hợp của thì cây kinh lại tươi. Giống vô tri còn không muốn phân lìa, huống là người mà chẳng bằng thảo mộc hay sao? Nhà ta hai người thành, cẩn, cần, kiệm, mới gọi là lập nên, môn hộ; có được trung gia sản nghiệp. Đương buổi đời nay, thương chiến kịch liệt, khôn sống mống chết hơn được kém thua; cứ như bấy nhiêu tư vốn hợp lại thì còn đủ xoay xở; chia ra thì không thể đua tranh. Phàm trong nhà con và cháu đều nên đồng tâm hiệp lực; cùng làm cùng lo; đừng nghĩ tiền chung mà tiêu hoang; đừng nghĩ của chung mà làm biếng; ăn cũng cùng vị; mặc cũng cùng sắc. Trẻ con phải bắt học cho sớm, chớ để lớn lên mà vô nghiệp. Cứ giữ chữ công, chữ nhẫn mà ở với nhau. Mỗi năm tính vốn một lần, chia lợi ra làm bốn phần, hai phần để làm chi tiêu; một phần để thêm vào làm vốn; một phần để làm sự công ích hoặc đỡ người gặp nạn. Ai cũng có lòng liêm nhượng; không có sinh lòng phân cách. Như thế thì dù chưa được như cổ nhân chín đời cùng của, nhưng cũng nên tiếng là một nhà túc mục, ta hai người cũng ngậm cười dưới cửa tuyền, mà không di hối gì nữa. Các con, cháu, dâu, rể phải nhớ lấy mà đừng quên.
Lời chúc này chuyên nói về một việc: khoản tiền tài; như đạo lý làm người ở đời, phải cứ cách gia huấn mà học tập, thì nhân cách mới được hoàn toàn.
Phạm Quốc Bằng
Đăng lại từ bài viết “Bản di chúc thắm đượm tính nhân văn”
Tạp chí Hán Nôm số 1 năm 1995
Theo Viện nghiên cứu Hán Nôm (hannom.org.vn)
Xem thêm:
- Lương Văn Can và bốn triết lý quý giá về đạo kinh doanh
- Tìm hiểu “Kim cổ cách ngôn” của Lương Văn Can
Mời xem video:
Từ khóa Lương Văn Can Đông kinh nghĩa thục