Những ai từng đá bóng như thế này?
- Nguyễn Quốc Vương
- •
Khi nói tới “đá bóng” các con sẽ hình dung ra sân cỏ nhân tạo như sân bóng anh Cò đang đá ở trường với các bạn trong câu lạc bộ phải không nào? Hoặc là cũng có thể các con sẽ nghĩ ngay đến sân bóng cỏ xanh mướt giống như trong truyền hình.
Tuy nhiên, tưởng tượng của các con đều sai cả. Sân bóng ngày xưa bố và các bạn ở làng đá là sân gạch và sân sỏi. Nó là sân điếm của làng hoặc là sân trường. Sân điếm của làng là không gian công cộng để làng dùng vào các việc như phơi thóc, phơi rơm rạ, tập trung hội họp, vui chơi ngày lễ tết. Toàn bộ sân lát gạch nên dưới nắng hè nó nóng bỏng chân. Mặc! Bọn bố vẫn đi chân đất đá bóng trên đó cả tiếng đồng hồ. Hồi đó cả làng không có đứa trẻ nào có giày để đi. Người ở quê cũng có thói quen đi chân đất. Đi chợ, đi làm ruộng, đi chơi cũng đi chân đất. Phải vào những dịp quan trọng lắm như ngày Tết hay có đám cưới họ mới đi dép. Bố và bọn trẻ cũng thế. Chỉ đi học mới đi dép mà ngay cả khi ở trường cũng chỉ đi dép ở trong lớp mà thôi. Vào giờ ra chơi khi chạy nhảy ngoài sân trường bọn bố cũng chỉ đi chân đất.
Đá bóng bằng chân đất trên sân gạch như vậy vào mua hè rất dễ bị bật móng chân và bị phồng rộp dưới lòng bàn chân. Đứa nào cũng bị nhưng rồi đều quen cả. Sau khi chân bị phồng rộp vài lần, vỡ ra chảy nước, lên da mới thì dần dần nó chai sạn và chịu được cái nóng và thô ráp của sân gạch. Thế nên giữa trưa trời nắng như vậy, không có bóng cây nào che bọn trẻ vẫn đá bóng ầm ầm. Có lẽ hồi đó trời chưa nắng nóng khủng khiếp như bây giờ. Đá xong thì bọn trẻ rủ nhau đi tắm dưới bến ngòi, cầu Chẹm hoặc ngoài sông Thương.
Quả bóng bố và các bạn đá hồi đó cũng không phải là quả bóng giống như anh Cò đá bây giờ. Bóng đó do bố và các bạn tự làm. Có thể nó là một quả bưởi xanh nhặt được ở đâu đó trong vườn hoặc vặt của nhà ai đó. Quả bưởi xanh rất cứng. Nếu cứ để nguyên thế đá thì tuy nó lăn nhanh nhưng sẽ bị đau chân không thể sút mạnh được. Muốn quả bưởi mềm ra, bọn trẻ phải cho nó vào bếp nướng một lát sao cho nó vừa đủ mềm mà không héo hoặc cháy. Cũng có khi bọn trẻ dùng cách khác là đập quả bóng đó xuống sân cho nó mềm dần. Quả nào nướng hay đập kĩ cũng đá được khá lâu. Trận đấu sẽ tạm dừng để thay quả bóng mới hay kết thúc khi quả bóng làm bằng quả bưởi đó vỡ toác. Cũng may là làng hồi đó rất nhiều nhà có cây bưởi ta. Thứ bưởi có cây cao, lớn quả rất sai. Nhà ông nội cũng có một cây trồng ngay chỗ bờ giếng. Bố cũng góp cho bọn trẻ không biết bao nhiêu quả trong chừng ấy năm. Bây giờ ở làng người ta toàn trồng loại bưởi có tán rất thấp nhưng quả bưởi lại không tròn như bưởi ta. Bố nghĩ loại bưởi này làm bóng chắc không ổn lắm. Khi quả bưởi có quá nhiều lõi nó sẽ dễ vỡ. Những quả có hình dạng thuôn dài hay bẹt như cái bánh xe cũng không ổn vì nó sẽ lăn không chuẩn. Nhưng đấy là bố nghĩ thế thôi. Bây giờ còn ai dùng bưởi để đá bóng nữa đâu!
Cũng có khi bọn trẻ không dùng quả bưởi xanh làm bóng mà tự tay làm ra quả bóng từ lá chuối khô, túi ni lông và dây. Đầu tiên là lấy lá chuôi khô vo lại thành một cục tròn sau đó lấy ni lông bọc lại bên ngoài. Có thể bọc vài lượt cho bền. Sau đó thì dùng dây, thường là các sợi ngang tháo từ các bao đựng cám, ràng lại. Dây đan ngang dọc tạo thành các ô mắt cáo. Những thằng khéo tay khi đan sẽ tạo ra các ô mắt cáo đều nhau rất đẹp. Đá loại bóng này thích hơn đá quả bưởi xanh vì nó mềm lại bền hơn. Bao giờ dây đứt hết, lá chuối bung ra thì lại hì hụi đi làm quả bóng khác. Hết buổi trưa, xong trận bóng một thằng nào đó sẽ được phân công mang bóng về nhà. Thằng nào giữ bóng sẽ phải đi sớm nhất. Nếu đi muộn bọn trẻ sẽ đến tận cổng réo gọi.
Bây giờ các con không tưởng tượng được rằng tại sao hồi đó dưới cái nắng gay gắt giữa trưa, bọn trẻ vẫn đuổi theo quả bóng trên nền sân gạch bỏng rát. Chúng xô đẩy nhau, kéo áo nhau rách toạc. Có thằng thì bị bật móng chân chảy máu, có thằng thì dập cả môi vì va vào thằng khác. Những trận đấu bóng như thế không hề có ai làm huấn luyện viên hay trọng tài thế nên thi thoảng cũng xảy ra cãi cọ. Không có cọc gôn, không có lưới nên đôi khi có những quả thằng sút vào thì bảo “vào rồi”, thằng bắt gôn và những thằng cùng đội đứng gần đó thì gào lên “ra ngoài rồi”. Và thế là cãi nhau loạn xạ. Chơi vui đấy nhưng thua thì cũng ức thật lực. Thậm chí có lúc có cả những vụ xích mích rồi đánh nhau. Nhưng rồi chỉ một lát sau hay đến ngày mai chúng lại chơi với nhau. Trẻ con mà! Nhanh quên và dễ “xí xóa” lắm không như người lớn.
Thi thoảng bọn bố cũng mang bóng đi đá “giao lưu” với trẻ con làng Bến. Làng Sấu và làng Bến ở gần nhau nên hay chơi với nhau. Nhiều người kể rằng xưa kia hai làng vốn là một. Sau này khi người làng đông lên, đất ở chật chội quá mới tách làm hai. Làng Bến ở lại gần bến sông còn những người ra đi lùi sâu vào trong núi lập nên làng Sấu bây giờ. Đá với làng khác nên bọn trẻ đá rất hăng. Hò hét khản cổ. Có trận phải thay đến hai ba quả bóng. Đá xong cả bọn chạy ra bến sông tắm. Bến sông gần đó của làng Bến có mạch đá nhô ra sông rất sạch. Bọn trẻ thường gọi là “bến gành”. “Gành” chỉ phần đá nhô ra sông. Đá này rất lạ. Chúng mọc từ đất ra thành một dải rất chắc. Khi đập vỡ nó thì thấy nó hơi giống đá mun. Chỗ đó gành nhô ra sông nhiều nên người ta phải đặt cả phao nổi sơn trắng đỏ báo hiệu cho tàu thuyền đi qua biết mà tránh. Tắm sau khi đá bóng xong là hình thức ăn mừng của bọn trẻ hai làng hồi đó. Bây giờ mỗi lần về quê có việc đi qua chỗ bến sông đó bố lại nhớ về những trận bóng ngày xưa và không khỏi bồi hồi.
Nguyễn Quốc Vương
Đăng lại từ Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Tham khảo các tác phẩm của tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương tại đây
Xem thêm cùng tác giả, dịch giả:
- Những ký ức về mùa gặt
- Những đêm hè ở quê
- Ngày xưa bố có được ông bà đọc sách cho nghe không?
- Ai đã từng ăn trứng ung trong nồi cám lợn?
- Ngày xưa bố có nghịch dại không?
Mời xem video:
Từ khóa ký ức tuổi thơ làng quê Việt Nguyễn Quốc Vương