Là những người Do Thái chống chủ nghĩa Zionist,
chúng tôi chứng kiến cuộc diệt chủng triển khai ở dải Gaza

Tác giả: Ellen Brotsky và Ariel Koren, The Guardian
Người dịch: Nguyễn Ngọc Giao

Giờ đây, các chính khách Mỹ không thể nào nói là không biết cuộc tàn sát ở Gaza: trong 12 ngày pháo kích, hơn 3500 người Palestin đã bị giết, trong đó 500 người tử nạn hôm thứ ba (17.10.2023) ở bệnh viện Baptist Al-Ahli. Khoảng 50 gia đình, mọi người, kể cả trẻ em và bé sơ sinh, đã bị tàn sát toàn bộ. Và Israel đã ra tối hậu thư cho những người còn sống: 1,1 triệu tất cả các người phải rời khỏi miền bắc Gaza, “vì sự an toàn của chính các người” – nói cách khác, họ phải chọn giữa sự ra đi và nguy cơ bị chết trong cuộc xâm lăng sắp tới.

Liên Hợp Quốc khẳng định rằng cuộc triệt thoái đại chúng như vậy là “bất khả thực hiện”, có thể gây ra những “hậu quả khôn lường về nhân đạo”, và kêu gọi Israel phải hủy bỏ mệnh lệnh nói trên. Một báo cáo viên của Liên Hợp Quốc còn nói thẳng, gọi mệnh lệnh đó là “một tội ác chống nhân loại, trắng trợn vi phạm luật pháp nhân đạo quốc tế”.

Chúng tôi gọi nó bằng một ngôn từ hơi khác: triển khai một cuộc diệt chủng.

Không có từ ngữ nào khác để gọi tên cho cảnh tượng chết chóc mà các chính khách Israel đã chủ trương. Theo luật pháp quốc tế, một cuộc diệt chủng đòi hỏi hai điều kiện: một là “ý định tiêu diệt, toàn bộ hay một bộ phận, một nhóm dân tộc, sắc tộc, chủng tộc hay tôn giáo”, hai là tiến hành sự hủy diệt ấy. Những hành động hủy diệt, nếu không có ý định, bị quy là thanh lọc sắc tộc. Nếu cố tình gây ra, đó là tội diệt chủng.

Israel xem ra đang chuẩn bị cho việc hủy diệt Gaza và người dân trên dải đất này: hôm thứ sáu (12.10.2023), tổng thống Isaac Herzog nói rằng người dân Gaza không phải là những thường dân vô can: “Toàn bộ dân tộc ấy phải chịu trách nhiệm. Nói rằng đó là những dân thường không biết gì, vô can, là nói sai. Hoàn toàn không đúng”. Phát biểu này trái nghịch với luật pháp quốc tế, vì luật pháp quốc tế nghiêm cấm sự trừng phạt tập thể, cấm lấy thường dân làm đối tượng, cả hai tội ấy là tội ác chiến tranh. Lời tuyên bố của Herzog còn hàm ý là Israel sẽ không kiềm chế khi tấn công Gaza.

Di dân cưỡng bức, như Israel đã bắt đầu, là bước đi trước sự tiêu diệt – tiêu diệt là bước cuối cùng của quá trình 10 giai đoạn diệt chủng theo nhận định của các học giả và các các cơ quan về nạn diệt chủng, kể cả các viện bảo tàng về Holocaust (cuộc diệt chủng chống người Do Thái) trên thế giới. Mười bước đi đó (có thể tiến hành cùng một lúc) bao gồm cả “việc phi nhân hoá”, cúp lương thực và nước uống cho toàn nhóm, cũng như ngụy danh chiến dịch quân sự là “phản ứng chống khủng bố”.

Chúng ta đang đứng trước tình huống này. Các quan chức Israel viện cớ khủng bố để biện minh cho chiến dịch oanh tạc không phân biệt, trong khi ông bộ trưởng quốc phòng thì nói họ đang đánh những “động vật người” – một ngôn từ phi nhân hóa thường được sử dụng trên đường dẫn tới diệt chủng. Người ta còn viện dẫn một quan chức giấu tên của Bộ quốc phòng Israel: “Gaza cuối cùng sẽ trở thành một thành phố lều trại. Sẽ không còn tòa nhà nào nữa”.

Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã lặp lại lời hẹn rằng những sự chết chóc đại trà cho đến nay “chỉ là bước đầu”. Dải Gaza bị “vây hãm toàn diện”, bộ trưởng quốc phòng nói, cắt điện, nước, dầu khí và lương thực triệt để. Một thành viên của Knesset (quốc hội) thì đòi thực hiện cuộc Nakba lần thứ hai – Nakba lần thứ nhất là năm 1948, khi người Palestin bị di tản. Phải nói lại lần nữa: cố tình tạo ra một cuộc nakba ở Gaza là phạm tội diệt chủng.

Lối ăn nói này còn lan xuống cấp dưới: trên đài truyền hình quốc gia, một binh lính Israel đã nói, cuộc chiến này không chỉ là cuộc chiến “với Hamas”, mà cả “với toàn bộ thường dân”. Mù quáng diệt trừ người Palestin ở Gaza, không nghi ngờ gì nữa, sẽ là một cuộc diệt chủng, như chính một học giả Israel về diệt chủng đã phát biểu. Những kẻ chủ trương diệt chủng đang tích cực triển khai hành động trước mắt chúng ta.

Là người Do Thái, chúng tôi lên án toàn bộ việc này. Chúng tôi lên án những dân biểu đã ủng hộ vô điều kiện chính sách của Israel, một chính sách đã dọn đường cho hàng chục năm chiếm đóng mà đa số thế giới xem là vi phạm luật pháp quốc tế. Chúng tôi lên án mọi hành động biến nhân dân Mỹ thành liên can trong một cuộc diệt chủng – bất luận là chủ động hay bị động.

Chúng tôi kêu gọi các nhà lập pháp hãy hành động tương tự. Nhân danh chúng tôi để tài trợ cho một cuộc diệt chủng tiềm thể nhất định không phải là liều thuốc chống lại nạn bài Do Thái: đó là phản bội người Do Thái mà miệng thì rêu rao ủng hộ.

Hơn 1400 người Israel đã bị giết trong các cuộc tấn công tàn bạo bất ngờ của Hamas – ngoài số 150 bị bắt cóc. Đó là một thương vong tàn khốc, và chúng tôi không do dự nói lên sự đau đớn trước sự thiệt mạng của sinh linh thường dân. Ngăn ngừa không để xảy ra thêm những thương vong ấy – kể cả cuộc sống của những người bị bắt cóc làm con tin – là điều ưu tiên cấp thiết.

Chúng tôi cũng bác bỏ việc đời sống chính trị Hoa Kỳ quá mực tập trung vào Hamas, và hiểu rằng đó là hậu quả của những tội ác và vây hãm mà Israel đã gây ra trong mấy chục năm qua. Điều này đã được các lãnh tụ phe đối lập, các nhóm cựu binh và báo chí Israel xác nhận.

Chúng tôi đặt câu hỏi với cộng đồng Do Thái của chúng tôi: bao giờ khóc thương những người dân thường bị giết khi họ là người Palestin? Khi trẻ em bị binh lính Israel bắt giữ?

Trong thời gian từ năm 2000 đến làn sóng bạo lực hiện nay, hơn 10.060 người Palestin đã bị người Israel giết chết – theo tổ chức nhân quyền B‘Tselem – so với 1.329 người Israel bị người Palestin giết chết, nghĩa là nhiều gấp 8 lần.

Trong mấy thập niên từ 1948 đến 2000, hàng chục ngàn người khác đã bị chết, đa số là người Palestin. Câu chuyện cuộc giao tranh đa phần là câu chuyện chết chóc và di cư của người Palestin, như các con số đã cho thấy.

Thời nay và trước đây, đa số các chính khách Mỹ cũng nhận ra.

Tuần trước, tổng thống Joseph R. Biden nhắc đi nhắc lại sự cam kết “cương quyết và không thể lay chuyển” của Hoa Kỳ đối với Israel, trong khi mỗi ngày cả ngàn quả bom được thả xuống. Ngoại trưởng Anthony Blinken thì hai lần kêu gọi ngừng bắn, sau đó xóa bỏ lời tuyên bố, cả hai lần. Khi đi thăm Israel, điều quan yếu là ông phải tức tốc kêu gọi chấm dứt chiến sự. Nếu tổng thống không sử dụng ảnh hưởng to lớn của mình để cứu vãn bao sinh linh ở Gaza, thì ông sẽ phải chịu một phần trách nhiệm.

Một đặc phái viên Hoa Kỳ nói rằng “không ai có quyền bảo Israel phải tự vệ như thế nào”. Trên thực tế, Bộ ngoại giao Mỹ đã cảnh báo các nhà ngoại giao tránh sử dụng những từ ngữ “xuống thang / ngừng bắn”, “chấm dứt bạo lực / tắm máu”, “tái lập sự yên bình”.

Phần đông các đại biểu quốc hội – Dân chủ và Cộng hòa – cũng không khá hơn: lãnh đạo Cộng hòa ở Thượng viện, Lindsay Graham nói đây là cuộc “chiến tranh tôn giáo” và kêu gọi Israel “san bằng chỗ đó đi” khi nói tới dải Gaza.

Hạ nghị sĩ Nancy Pelosi, nữ đại biểu bang California của chúng tôi đó, đã tuyên bố rằng Hoa Kỳ, “vững vàng” sát cánh với Israel trong sự điều hành nền quốc phòng – điều này giải thích tại sao, hôm thứ sáu tuần trước, bảy người chúng tôi đã tự xiềng vào cửa trụ sở văn phòng của bà, trong khi hơn 200 người Do Thái chống Zion họp mit tinh, đòi Hoa Kỳ chấm dứt viện trợ quân sự cho Israel.

Một số nhỏ dân biểu bất đồng ý kiến thì bị đẩy ra ngoài rìa: chẳng hạn như nữ hạ nghị sĩ Rashida Tlaib: khóc thương sự chết chóc ở cả hai bên, nhưng kêu gọi chấm dứt chính sách chiếm đóng và kỳ thị, lập tức bị nhóm Cộng hòa tìm cách kiểm duyêt; nghị sĩ Cộng hòa Ilhan Omar cũng đã tiếc thương sự tử vong của cả người Israel lẫn người Palestin, nhưng đã bị chỉ trích tới tấp khi đặt nghi vấn về việc “bán vũ khí và viện trợ quân sự vô điều kiện cho Israel”.

Nhà Trắng thì gọi các đại biểu quốc hội kêu gọi sự kiềm chế là “đáng hổ thẹn”“ghê tởm”.

Đối với chính trường Mỹ, thì xung năng cơ bản về nhân đạo – hạ vũ khí – là điều không thể chấp nhận. Đặt nghi vấn về quyền “tự vệ” của Israel khác nào mắc tội “bài Do Thái”.

Song chúng tôi nhận thức rõ ràng hiện thực cái gọi là “tự vệ” kia là một chiến dịch khủng bố, triển khai kế hoạch diệt chủng từ trên xuống. Với sự ủng hộ của Tây phương, Israel đang lao đầu vào cuộc tàn sát. Và trong khi cuộc tấn công khởi đầu của Hamas khiến các chính khách toàn quốc lên án tức thời, thì sau các vụ oanh tạc vừa qua, không thấy ai suy tính, không thấy ai ngẫm nghĩ về lịch sử, nguồn gốc sự hình thành Hamas, cuộc bao vây Gaza, quá trình chiếm đóng.

Israel thì bảo người dân Gaza cút đi hay là chết – nghĩa là phải chọn giữa trục xuất hay tiêu diệt – trong khi họ chặn đường rút và oanh tạc các đoàn xe chạy trốn, dồn Gaza thành cái bẫy.

Thay vì kêu gọi chấm dứt ngay bạo lực, các nhà lập pháp Hoa Kỳ chiếu đèn màu xanh và màu trắng (màu cờ Israel) lên tòa nhà Quốc hội và nói “sát cánh với Israel”. Họ có đủ quyền lực để thay đổi các tính toán và thúc ép Israel – nước thụ hưởng viện trợ quân sự lớn nhất của Mỹ – phải tuân thủ luật pháp quốc tế, nhưng họ đã làm ngược lại.

Quá đủ rồi! Chúng tôi kêu gọi Quốc hội hãy dũng cảm ngăn ngừa một cuộc diệt chủng được tiến hành nhân danh chúng ta. Các nghị sĩ có thể ủng hộ các nạn nhân Israel mà không tiếp tay cho một cuộc tàn sát đại trà, một cuộc di dân cưỡng bức, những hành động có thể cướp đi ngàn vạn mạng sống.

Bất cứ cái chết tiếp theo nào, không chỉ những bàn tay Israel mà cả những bàn tay Mỹ sẽ vấy máu – trong đó có những người có vận hội kêu gọi tuân thủ chuẩn mực quốc tế, phản đối sự chiếm đóng, và đã chọn kiên trì với lập trường này.

Ellen BROTSKY và Ariel KOREN
Nguyễn Ngọc Giao dịch

NGUYÊN TÁC: The Guardian ngày 18.10.2023
Đăng lại từ Forum Diễn Đàn (diendan.org)
Creative Commons BY-NC-ND 3.0 France.

Ellen Brotsky từ lâu là nhà hoạt động, tình nguyện viên với tổ chức Jewish Voice for Peace Bay Area, phân hội của tổ chức Do Thái lớn nhất trên thế giới chống chủ nghĩa Zionist, đoàn kết với Palestin tự do.

Ariel Koren là người Do Thái, đã từ bỏ công việc ở Google để phản đối công ti này ký hợp đồng quân sự với Israel. Bà là sáng lập viên của Respond Crisis Translation, một tập thể đấu tranh cho sự công bằng trong ngôn ngữ đối đáp linh hoạt.