Nước mắm truyền thừa mẫu hệ
- Vũ Thế Thành
- •
Miền Tây đang mùa nước nổi. Có ai còn nhớ nước mắm cá linh?
Vũ Thế Thành
Nước mắm truyền thừa mẫu hệ
Cuối tháng 8 năm 2020, tôi theo đoàn làm phim tài liệu về nước mắm cá đồng. Đoàn dẫn tôi đến Cần Đăng (An Giang) thăm ông Sáu Ni, 88 tuổi. Đời ông, đời cha, rồi tới cháu chắt ông vẫn loanh quanh ở Cần Đăng. Tới thăm để nghe ông già kể chuyện nước mắm cá đồng, nhưng ông rành đờn kìm hơn chuyện nước mắm. Ông vừa chơi đờn, vừa ca Dạ cổ hoài lang “đãi” khách, giọng ca còn khỏe lắm.
Hỏi qua chuyện nước mắm, ông Sáu Đờn Kìm chỉ nói lan man, nhớ là từ hồi bà nội ông đã làm nước mắm, rồi tới má ông, rồi tới vợ ông – Chết hết rồi. Bây giờ tới con Út nhà ông, lấy chồng gần đó làm nước mắm mang qua cho ba xài. Hỏi, làm từ cá gì – Cá gì nhỏ nhỏ là đem làm nước mắm.
Cả đời ông chỉ biết ăn nước mắm nhà làm, không biết thứ nước mắm nào khác. Xứ này, đàn bà truyền đời nhau nghề làm nước mắm, còn đàn ông chơi đờn kìm. Phúc phận đàn ông con trai miền Tây sao mà lớn thế!
Đến gặp cô Út nhà ông để hỏi chuyện. Cô nói, hồi đó má cô đã biết chọn cá linh lớn đem làm mắm, cá nhỏ hơn một chút thì làm nước mắm. Tới mùa nước về, cá nhiều lắm, tha hồ chọn. Tỷ lệ cá linh càng nhiều, nước mắm càng thơm ngon. Chượp cá với muối trong lu chừng bảy, tám tháng, đến khi có mùi thơm, chín ngấu là xài được. Hỏi, có kho không? Có, thời bà nội thì không biết, nhưng thời má cô đã bắt đầu kho nước mắm. Dân miệt này gọi “kho” là chỉ đem nấu nước mắm cả nước lẫn cái. Kho xong rồi lọc, bỏ cái lấy nước.
Kho hay nấu nước mắm cũng giống như dân miền Trung làm nước mắm (cá biển) đem phơi lu chượp ngoài nắng. Mùi và vị nước mắm sẽ đằm và dịu hơn, chứ không còn ngai ngái. Hỏi cô Út, có làm nước mắm bán không? Không, chỉ làm cho ba và các anh chị, con cháu xài thôi.
Vũ Thế Thành
Trích “Chuyện đời nước mắm”, tái bản 2021
Đăng lại từ Facebook Vũ Thế Thành
Mời bạn đọc tìm hiểu thêm các tác phẩm của tác giả Vũ Thế Thành.
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa nước mắm truyền thống Vũ Thế Thành